Đường Nguyễn An Ninh nằm ở cửa Tây chợ Bến Thành (Q.1), được biết đến là khu tập trung buôn bán, phố ăn uống sầm uất, bậc nhất dành riêng cho khách du lịch Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Brunei…


Đường Nguyễn An Ninh nằm ở cửa Tây chợ Bến Thành (Q.1), gần 10 năm nay được nhiều người biết đến là một khu tập trung buôn bán, ăn uống sầm uất, bậc nhất dành riêng cho khách du lịch Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Brunei,…
Người sáng lập
Con đường này dài chỉ hơn 100m, nối đường Phan Chu Trinh với Trương Định (Q.1) nhưng có đến gần 100 cửa hàng, gian hàng hoạt động tấp nập về đêm. Nơi đây tập trung buôn bán các mặt hàng dành cho người Hồi giáo.

Chị Hồng (40 tuổi), chủ một sạp thời trang trên đường Nguyễn An Ninh (Q.1), cho biết: “Gia đình tôi bán hàng tại khu mua sắm này cũng đã hơn 10 năm. Thời điểm đó, các mặt hàng vải vóc, cửa hàng ăn uống,… dành riêng cho người Hồi giáo chưa được buôn bán thịnh hành”.
Nói về người có cửa hàng buôn bán quần áo đầu tiên, cũng là người sáng lập nên khu mua sắm, ăn uống này, chị Hồng khẳng định: “Bà Basiroh, người Chăm bắt đầu mở cửa hàng buôn bán tại đây vào năm 2011, chuyên về thời trang. Lúc đó, chưa có ai buôn bán các mặt hàng chuyên phục vụ người Malaysia cả”.
Chị Hồng cho biết thêm: “Khu mua sắm này bắt đầu hoạt động tính đến nay cũng hơn 10 năm, nhưng thịnh nhất vào khoảng 6 năm trở lại đây. Lúc trước, cộng đồng người Hồi giáo (chủ yếu là người Malaysia) sang Việt Nam để mua thuyền buồm mô hình bằng gỗ, guốc gỗ,… mang về vương quốc của họ bán lại. Sau này, nhiều mặt hàng vải vóc, áo quần,… được bày bán nhiều tại đây nên số lượng người Malaysia sang mỗi lúc càng nhiều”.
Ai cũng 'bắn' tiếng Malaysia như gió
Có thể nói, hầu như 80% các hộ kinh doanh tại đây đều có thể giao tiếp lưu loát với người Malaysia. Từ người bán trái cây nhỏ lẻ, đến nhân viên tại các cửa hàng trời trang, ăn uống,… tất cả đều có thể "bắn" tiếng Malaysia như gió khi bán hàng.
Giao tiếp bằng tiếng Malaysia thông thạo, chị Hồng thường xuyên hỗ trợ người bản xứ cách phân biệt từng mệnh giá tiền Việt Nam. “Có nhiều khách đến mua hàng tính tiền 60.000 đồng, nhưng họ lại đưa 1.500.000 đồng vì nhầm tờ 500.000 đồng là tờ 20.000 đồng. Nhiều người tham là lấy luôn, thấy họ cũng tội nên tôi mới hướng dẫn họ cách phân biệt”, chị Hồng chia sẻ.
Trong khi đó, với 7 năm kinh doanh các mặt hàng thời trang tại khu mua sắm này, Anh Inrsa, người Chăm (25 tuổi, quê An Giang) đã có thể giao tiếp với người Malaysia thuần thục, đến mức nhìn bên ngoài ai cũng có thể lầm tưởng anh là người bản địa.
“Trước khi vào khu vực này buôn bán, bản thân tôi chỉ biết bập bẹ vài từ thông thường, tiền của họ tôi còn không biết tính. Nhưng sau một thời gian buôn bán, giao tiếp thì hiện giờ tôi có thể nói lưu loát”, anh Inrsa cho hay.
Mua gì cũng có
Con đường mua sắm Nguyễn An Ninh (Q.1) được khách du lịch đến từ Malaysia, Indonesia,… truyền tai nhau bởi cái tên “Saigon Halal street”.
Tại đây, có gần 100 cửa hàng, gian hàng buôn bán tấp nập về đêm, du khách muốn mua thứ gì cũng có; từ trang phục truyền thống Hijab, những bộ váy kurung baju, đến đồ ăn, thức uống, đồ lưu niệm,… cũng được bày bán tại đây. Nhiều khách du lịch còn mua hàng với số lượng lớn để mang về nước bán lại. Tất cả đều được thanh toán bằng tiền Việt Nam hoặc ringgit Malaysia (MYR).
Đặc biệt, các cửa hàng bán thức ăn tại đây đều do người Chăm làm chủ, vì đại đa số họ đều theo đạo Hồi nên biết được khẩu vị cũng như những loại thực phẩm cấm kỵ.

Chị Hồng giới thiệu các mặt hàng áo quần cho một vị khách Malaysia

Khách Malaysia đi dạo bằng xích lô

Tại khu mua sắm này du khách muốn mua gì cũng có

Theo Thanh niên