Một gia đình du khách nước ngoài tham quan đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) - Ảnh: NHẬT THỊNH
Sau khi VN công bố kế hoạch tiêm vắcxin ngừa COVID-19, dự kiến thực hiện từ ngày 8-3, nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng sẽ sớm được phép đón khách trở lại với một kế hoạch cụ thể, bên cạnh việc làm mới lại thị trường nội địa để vực dậy ngành du lịch.
Tổng cục Du lịch cũng cho biết đang bàn với Hiệp hội Du lịch VN để từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế với từng nhóm khách, quốc gia cụ thể bằng những tiêu chí rõ ràng, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đón khách có "hộ chiếu vắcxin"
Ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc Công ty du lịch Images Travel, chuyên đón khách Pháp, cho biết sau một năm thị trường quốc tế "đóng băng", công ty vẫn duy trì nhân sự để sẵn sàng đón khách quốc tế bất kỳ lúc nào.
Những ngày vừa qua, thông tin vắcxin đang được triển khai tiêm rộng rãi trên thế giới, ngay cả VN đang khẩn trương tiêm vắcxin cho người dân nên nhiều DN cũng hi vọng sẽ sớm được kết nối lại các đường bay quốc tế.
"Nhìn sang các nước, việc mở cửa ngay là không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện một cách thận trọng lúc này. Bản thân nhân viên của chúng tôi không lo lắng gì nhưng rất cần một kế hoạch cụ thể từ cơ quan quản lý", ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản, trước tiên VN chỉ cần mở "hé cửa", tức thí điểm với nhóm khách doanh nhân đến từ các nước trong khu vực mà VN đang kết nối giao thương nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singpore...
Những người đã được tiêm vắcxin có thể nhập cảnh vào VN mà không còn bắt buộc cách ly. Các nước như Singapore, Thái Lan đều có chương trình đón khách doanh nhân với kế hoạch bài bản.
Singapore cũng vừa đưa vào hoạt động trung tâm hội nghị Connect@Changi để tạo điều kiện cho du khách tới quốc gia này công tác có thể gặp được nhau, thay vì chờ đến hết thời gian cách ly.
"Việc sớm mở cửa trước tiên với khách doanh nhân là cần thiết để các nước khôi phục nền kinh tế và bước đầu nối lại các hoạt động du lịch", ông Toản nói.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cũng cho rằng lúc này không chỉ nên bàn mở cửa hay không mà cần có chương trình, kế hoạch cụ thể để các DN chuẩn bị.
"Ban đầu du lịch có thể chỉ mở với những thị trường đang kiểm soát dịch tốt và có triển khai tiêm vắcxin. Đó cũng phải là thị trường khách lớn của VN. Các hình thức tour trọn gói, tour nghỉ dưỡng rất khả thi và có thể phù hợp với khách Nga hay một số thị trường châu Âu", ông Thọ ý kiến.
Theo các DN, thời điểm mở cửa có thể bắt đầu từ quý 3 để quý 4 có thể đón khách du lịch quốc tế. Khách phải cung cấp được các yêu cầu y tế như giấy chứng nhận âm tính, "hộ chiếu vắcxin"... Đại diện khách sạn Park Hyatt TP.HCM cũng khẳng định chỉ cần có chính sách không yêu cầu khách cách ly, khách sạn sẵn sàng đón khách vào.
Tour du lịch phố cổ Hà Nội - Ảnh: T.T.D.
Tour nội làm mới mình
Trong khi đó, nhiều DN du lịch cho biết yếu tố vắcxin không chỉ tác động đến thị trường quốc tế mà cũng ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu du lịch của du khách nội địa. Nhiều công ty du lịch, lữ hành đã rục rịch đón khách mới, các tour cũng lên đường trong tháng 3 và 4 với tần suất dày hơn trước.
Sau ba lần dịch bùng phát ở VN, các DN đã thích nghi và chủ động xoay trở tìm hướng đi trong suốt năm vừa qua. Để du khách có thể an tâm trải nghiệm, nhiều DN đã giới thiệu loại hình tour du lịch trọn gói gồm du lịch bằng xe riêng và du lịch theo đoàn riêng cho nhóm khách gia đình.
Các tour này được thiết kế theo khung chương trình của tour truyền thống nhưng đảm bảo sự tự do, thoải mái của loại hình du lịch tự túc và đặt sự an toàn của du khách lên hàng đầu.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, phó giám đốc ban tiếp thị của Vietravel, cho biết các sản phẩm du lịch bằng xe riêng được đẩy bán mạnh trong những ngày qua. Theo đó, tất cả các dịch vụ trên tour đều được thiết kế và phục vụ riêng cho nhóm chỉ từ 4 - 15 khách, xe đưa đón là xe riêng và được khử khuẩn thường xuyên, hướng dẫn viên du lịch được đào tạo, thực hiện các tiêu chí an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Nhà hàng, khách sạn lưu trú và các điểm đến tham quan đều được kiểm tra thực hiện nghiêm ngặt các quy định an toàn mùa dịch. "Với dạng tour này, du khách tham gia có thể sử dụng xe cá nhân từ 4 - 7 chỗ.
Ngoài ra, nếu du khách có nhu cầu, công ty sẽ hỗ trợ cung ứng xe riêng kiêm tài xế giàu kinh nghiệm. Các hành trình tour tự lái này có giá từ 6,99 triệu đồng cho tour kéo dài khoảng 4 ngày", bà Khanh nói.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, giám đốc truyền thông Công ty TSTtourist, cho rằng xu hướng của du khách trong thời gian khởi động lại thị trường rơi vào tháng 3, 4 cũng đồng thời là mùa thấp điểm.
"Chúng tôi ưu tiên tổ chức những tour từ 1 - 2 ngày với hai nhóm sản phẩm tour du lịch trải nghiệm TP.HCM và tour kết nối vùng phụ cận TP.HCM. Sau đó mới đến các sản phẩm tour dài ngày hơn (3 - 5 ngày) đến các tỉnh thành đảm bảo điều kiện an toàn", ông Mẫn nói.
Phục hồi nhanh nếu nắm được xu hướng Theo dự báo của Mobility Market Outlook (MMO), bất chấp cuộc khủng hoảng năm 2020, lượng khách toàn cầu giảm và kinh doanh thua lỗ, thị trường du lịch và lữ hành toàn cầu dự kiến phục hồi hoàn toàn sau đại dịch vào năm 2023 và đạt được những con số doanh thu kỷ lục. Dự báo cũng cho thấy doanh thu du lịch và lữ hành toàn cầu cho năm 2021 sẽ tăng hơn 50% so với năm 2020. Các kỷ lục doanh thu mới có thể được mong đợi từ năm 2023 trở đi, vào năm 2025, các chuyên gia MMO thậm chí còn dự đoán mức tăng trưởng doanh thu sẽ đạt gần 23% so với thành công của năm 2019. Việc đón đúng xu hướng du lịch sẽ giúp các doanh nghiệp trở lại với đường đua nhanh hơn. Ông Phan Đình Huê (giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt): "Hộ chiếu vắcxin" chỉ là tín hiệu tốt Ý tưởng "hộ chiếu vắcxin", đang được một số quốc gia nghiên cứu áp dụng, được hiểu là các quốc gia sẽ phát hành chứng nhận cho những du khách đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Với hộ chiếu này, du khách sẽ được miễn thực hiện chế độ cách ly bắt buộc trong hai tuần hoặc được nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Theo tôi, đây là ý tưởng tốt, giúp các điểm đến tăng uy tín trong bối cảnh du lịch quốc tế gần như đóng băng, quảng bá cho sự trở lại của ngành du lịch. Nhưng, DN cũng không nên kỳ vọng đây là cơ hội để đạt lợi nhuận kinh doanh. Thực tế du lịch thường gắn với di chuyển, sử dụng chuỗi dịch vụ và nguy cơ lây nhiễm trong một chuyến đi đến từ đầu nguồn (nơi khách xuất phát), trên phương tiện vận chuyển như máy bay, xe buýt... và nơi lưu trú. Ngay cả khi áp dụng "hộ chiếu vắcxin", các quốc gia cũng sẽ không vội vàng đón lượng khách lớn, mục đích du lịch vẫn nằm sau các nhóm khách ngoại giao, doanh nhân, chuyên gia... Ông Seck Yee Chung (luật sư điều hành của Công ty luật Baker McKenzie): Cần có lộ trình mở cửa biên giới trở lại VN đã kiểm soát tốt đại dịch thông qua các nỗ lực nghiêm ngặt trong việc truy vết cũng như công tác phòng chống dịch, cách thông tin, tuyên truyền, nhắn tin và hướng dẫn kịp thời đến từng người dân. Tuy nhiên, có một bước rất cần thiết và quan trọng cần thực hiện nữa là VN cũng cần tính đến dần mở cửa biên giới trở lại, đảm bảo cuộc sống bình thường mới cho người dân. Chắc chắn lộ trình mở cửa này sẽ liên quan đến việc triển khai vắcxin. Ông Huỳnh Đăng Nhựt Tâm (tổng giám đốc Khu sinh thái giáo dục Về Quê): Du lịch sinh thái cho khách gia đình, nhóm nhỏ Ngay khi các trường học bắt đầu đón học sinh sau tết, các bộ phận trong DN cũng được kích hoạt để phục vụ nhu cầu dã ngoại của các trường. Trước tình hình mới, yếu tố đảm bảo an toàn trong du lịch được đặt lên hàng đầu, các DN lữ hành không chỉ đóng vai trò là đơn vị trung gian, bán dịch vụ cho khách mà còn là nhà tư vấn, làm chủ chuỗi cung ứng. Dịch đã cho thấy cách vận hành như trước đây rất nhiều rủi ro khi các DN lữ hành rất bị động nếu có hủy, hoãn tour xảy ra. Xu hướng phát triển du lịch sinh thái, khép kín chuỗi cung ứng, được "may đo" cho nhóm khách gia đình hay bạn bè có cùng nhu cầu, đảm bảo mức an toàn cao nhất mới là lối ra cho ngành du lịch lúc này. |
Theo dulich.tuoitre