leftcenterrightdel
Quạt điện ở Pakistan thật sự có thể là khác biệt giữa sự sống và cái chết. Ảnh: Telegraph. 

Từ châu Âu tới châu Á, hiện tượng thời tiết cực đoan dường như không bỏ qua cho một nước và vùng lãnh thổ nào. Để sống sót qua những ngày nắng nóng chưa từng có trong lịch sử, người dân mỗi nơi đều tự có cách của riêng mình.

Pakistan: Hãy ở trong nhà, đằng sau khung cửa sổ kín rèm

Ben Farmer, từ Islamabad

 Mùa hè đầu tiên tôi sống ở thủ đô Islamabad của Pakistan là thời gian nóng tàn bạo. Cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi đã phát hiện sự nghịch đảo rất tinh tế trong ngôn ngữ của người dân tại đây.

Nói về thời tiết tốt lành sắp đến, mọi người không còn nhắc đến những ngày nắng ấm như hồi ở Anh. Lúc này, thời tiết tốt lành là khi trời lạnh và ẩm. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì nhiệt độ trong tháng 6 dao động quanh mức 40 độ C một cách không thương xót.

Cách cư xử của mọi người cũng khác. Trong cái nhiệt oi ả của ban ngày, công viên vắng bóng người qua lại. Người dân tìm cách tránh nắng ở mọi nơi, có thể là trong những căn nhà tối tăm với lớp rèm che dày để tăng bóng râm. Quạt và điều hòa cũng giúp xua tan cơn nóng của những người có khả năng trả tiền điện.

Công viên và đường phố chỉ đông đúc khi nhiệt độ bắt đầu giảm. Những đám đông, cả trẻ con lẫn người lớn, tụ tập mãi tới tối.

Trong khi đó, tại thành phố Jacobabad ở miền Nam Pakistan, nhiệt độ và độ ẩm đôi lúc lên tới mức cực đoan, vượt quá ngưỡng sinh tồn của con người. Người nghèo phải trông chờ vào loại ắc quy rẻ tiền và pin Mặt Trời để chạy quạt điện - thứ đồ vật thật sự có thể là khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Kenya: Không đi lại từ trưa tới 18h

Will Brown, từ Nairobi

Tuy Nairobi cách đường xích đạo chỉ khoảng vài giờ xe chạy, nơi đây lại nằm ở độ cao khoảng 1,8 km so với mực nước biển. Vì thế, thời tiết Nairobi thông thường mang vẻ đẹp vẹn toàn, gần như một ngày hè hoàn hảo được kéo dài vĩnh cửu.

Nhưng khoảng 3 tháng qua, thời tiết ở Nairobi chuyển sang rét buốt, cảnh sắc mãi một màu xám tro. Những người askari (nhân viên an ninh) thường thấy khắp đường phố Nairobi lúc này phải đội mũ trùm đầu hoặc mũ len để chịu cái lạnh ban đêm.

Ở phía bên kia của châu Phi, Senegal cũng đang trải qua tình trạng nắng nóng tương tự Anh bây giờ.

Dakar, thủ đô bình lặng của Senegal, có bốn mặt đều giáp biển Đại Tây Dương. Và khi người dân quăng mình vào làn nước biển trong tháng 9-10, Dakar sẽ hứng chịu nhiệt độ bầu ướt lên tới 40-45 độ C.

(Nhiệt độ bầu ướt là đơn vị nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được khi không khí bão hòa hơi nước, thường không quá 31 độ C. Khi nhiệt độ bầu ướt trên 35 độ C, không khí không thể hấp thụ thêm hơi nước, khiến con người không thể đổ mồ hôi để hạ nhiệt, từ đó có thể gây sốc nhiệt và tử vong - PV).

Tôi và bạn gái đã biết chấp nhận cảnh đổ mồ hôi trong những tháng hè đằng đẵng ấy, khi hóa đơn tiền điện lên cao vút. Thời gian đó, lựa chọn tốt nhất luôn là uống nhiều nước và không đi lại từ trưa tới 18h. Mọi người đều di chuyển từ tốn, trong lòng họ biết rõ đường phố sẽ hồi sinh khi Mặt Trời lặn.

Đài Loan: Mang ô ngày nắng và cẩn thận gặp rắn

Nicola Smith, từ Đài Bắc

 Cảnh những chiếc ô sáng màu phủ lên đường phố nhộn nhịp trong một ngày nắng hè không phải điều xa lạ ở Đài Bắc.

Với nhiệt độ mùa hè dao động ở ngưỡng 35-39 độ C trong nhiều tuần và thường đi kèm độ ẩm lớn hơn 50%, những người dân trên đảo Đài Loan phải bật ô để hạ nhiệt khi đi bộ và bảo vệ làn da khỏi ánh nắng. Đặc biệt, phụ nữ thường mặc áo dài tay, găng chống nắng và nón rộng vành.

leftcenterrightdel
Cảnh những chiếc ô sáng màu xuất hiện trên đường phố trong ngày nắng hè không phải điều xa lạ ở Đài Bắc. Ảnh: Alamy. 

Cơ quan khí tượng của Đài Loan hồi đầu tuần đã ra cảnh báo nắng nóng sau khi nhiệt độ tối đa hàng ngày ở thành phố Đài Bắc đã chạm mốc 38 độ C trong ba ngày liên tiếp. Mức nhiệt cao buộc người dân phải tập thể dục từ sáng sớm hoặc tối muộn nhưng ngoài đó ra, cuộc sống vẫn tiếp diễn như thường lệ.

Trường học, văn phòng, cửa hàng và phương tiện công cộng vẫn hoạt động với sự hỗ trợ của điều hòa và quạt. Nhiều tòa nhà và hầu hết xe hơi đều dán decal sẫm màu để hạ nhiệt và chống lóa.

Điều không may là gián cũng xuất hiện nhiều hơn trong những tháng hè. Chúng thường chạy trên vỉa hè nóng ran từ miệng cống này sang miệng cống khác.

Thậm chí còn có cả rắn. Hai mùa hè trước, khi đang làm việc trong văn phòng, tôi bất chợt bắt gặp thứ gì đó chuyển động ngoài vườn. Đó là một con rắn đuôi chuông dài 1,5 m đang chậm rãi trườn qua cửa trước.

Ấn Độ: Thoa bột xoài và không mặc quần jean bó sát

Joe Wallen, từ Mumbai

 Ấn Độ không còn xa lạ với các đợt nắng nóng và tháng 3 năm nay là thời điểm nóng nhất trong lịch sử. Mùa màng héo úa, bệnh viện bốc cháy, và nhà trường phải kết thúc sớm năm học để học sinh không bị sốc nhiệt, trong bối cảnh nhiệt độ vượt quá 40 độ C vào đầu xuân và tiếp tục tăng.

Nhiều bài thuốc hạ nhiệt giá phải chăng đã xuất hiện, trong đó có bài thuốc làm từ xoài, loại quả trồng nhiều ở Ấn Độ. Trái xoài giàu chất polyphenol, chất giúp giữ ẩm cho da khô và đảo ngược tổn thương do ánh nắng gây ra. Khi trời nắng nóng, người dân còn hay dùng bột xoài bôi da.

leftcenterrightdel
 Nhiều phụ nữ sẽ chọn mặc áo sari để chống nóng vì trang phục này mát, nhẹ nhưng vẫn đứng đắn. Ảnh: Telegraph.

Người Ấn Độ còn có một số bài thuốc truyền thống phổ biến khác, như việc ăn quả amla để hạ nhiệt cơ thể, cỏ lúa mì giúp chống rôm sảy, cùng nước dừa chứa đầy chất điện giải có thể chống mất nước.

Ở Ấn Độ bảo thủ, việc ăn mặc mát mẻ không được khuyến khích, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhiều phụ nữ sẽ chọn mặc áo sari để chống nóng vì trang phục này mát, nhẹ nhưng vẫn đứng đắn.

Trong khi đó, đàn ông Ấn Độ thường chọn áo sơ mi và quần tây trắng hơi rộng thùng. Khác với London, quần jean bó sát không mấy được ưa chuộng ở đây.

Dù vậy, những quy tắc trang phục trên sẽ không thể ngăn cản được nhiều người Ấn Độ ngâm mình dưới nước để chống nóng. Cảnh tượng cả gia đình nhảy xuống sông hồ hoặc bể nước lớn không phải điều gì xa lạ tại Ấn Độ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Mỹ: Chế độ ăn chỉ có sinh tố, nước trái cây và kem

Ali Reiff, từ Austin, bang Texas

áu tuần qua, nhiệt độ lên tới 38 độ C và nhiệt độ tuần trước từng chạm mức 42 độ C. Chúng tôi đã quá quen rồi nên mọi thứ vẫn bình thường.

Mọi nơi đều có máy lạnh, trường học không đóng cửa sớm và người dân cũng không điều chỉnh giờ làm việc khác đi là bao. Bạn thực sự không thể sống ở đây vào mùa hè nếu không có điều hòa. Mọi người đều cố chịu đựng thay vì có những thay đổi lớn trong nếp sinh hoạt.

leftcenterrightdel
Reiff nói thực sự không thể sống ở thành phố Austin vào mùa hè nếu không có điều hòa. Ảnh: Austin. 

Lời khuyên đầu tiên của tôi là hãy mặc càng ít quần áo càng tốt và mặc đồ càng nhẹ càng tốt. Hôm qua, tôi đã lập tức cảm thấy hối hận vì quyết định mặc quần dài bằng vải lanh. Tôi đã phải về nhà thay quần ngắn.

Tôi cùng bạn bè hay đùa rằng khi hè đến, chúng tôi sẽ chỉ uống sinh tố mà thôi. Trời đã nóng rồi nên chúng tôi cũng không thể dùng đồ nóng được nữa. Không phải sinh tố thì là nước trái cây hoặc kem.

Mọi người đã khá quen với cái nóng. Nhà hàng và quán bar đều có quạt hoặc máy phun sương ngoài trời. Chúng tôi sẽ sắp xếp để tránh cái nóng, như việc ra khỏi nhà vào lúc 20h khi Mặt Trời đã lặn, thay vì gặp nhau lúc 17h khi trời đang nóng hừng hực. Hoặc chúng tôi sẽ gặp nhau gần vùng nước hoặc nơi nào có thể hạ nhiệt.

Mauritania: Đừng bao giờ đi bộ

Alexa Hanna, từ Nouakchott

Nhiệt độ ở Nouakchott, thủ đô ven biển của Mauritania, thường nằm trong khoảng 25-45 độ C, thời tiết nóng quanh năm. Mọi nơi đều lắp điều hòa và bạn không bao giờ đi bộ để đến bất cứ đâu.

Các con tôi phải đi học từ 8h đến 13h, bất kể thời tiết như thế nào, ngay cả khi có bão cát lớn. Cát là thứ buộc người dân phải ở trong nhà nhiều hơn là nhiệt độ.

leftcenterrightdel
Hanna kể bạn không bao giờ đi bộ để đến bất cứ đâu tại Mauritania. Ảnh: Reuters. 

Bộ cánh quốc dân ở đây là malafa - loại trang phục vải rộng thùng có màu rực rỡ, được quấn từ đầu xuống tận ngón chân. Nam giới thì có boubou, loại trang phục gần giống áo choàng dài từ chân đến cổ, cùng khăn đội đầu có thể quấn quanh mũi và miệng khi có bão cát. Tôi trông hơi nực cười vì vẫn mặc quần jean và áo sơ mi.

Giống như mọi quốc gia Tây Phi theo đạo Hồi khác, hầu hết người dân mua sắm và ăn uống vào ban đêm.

Australia: Đừng bao giờ ăn ngoài trời

Louise Child, từ Port Macquarie

 Trên bờ biển New South Wales, nhiệt độ mùa hè trung bình ở đâu đó vào khoảng 35 độ C nhưng nó có thể lên đến 40 độ C. Khi trời quá nóng, chúng tôi không dùng bữa ngoài trời mà chỉ có thể đi ăn nhà hàng, nơi có chỗ ngồi trong nhà cùng với điều hòa.

Khi ra khỏi nhà, bạn phải đóng chặt cửa và kéo kín rèm để tránh nắng. Nói chung, nhà mọi người thường đều có điều hòa hoặc quạt trần.

Nếu thực sự có việc ra ngoài, chúng tôi đi sớm để không phải chịu nóng đứng đợi xe buýt hay tàu hỏa. Nếu phải lái xe đi đâu, tốt hơn hết bạn nên đậu xe dưới bóng cây để vô lăng còn mát trên đường về.

Trẻ em vẫn đến trường nhưng nhiều lớp học có điều hòa. Nếu trời nóng khủng khiếp, học sinh sẽ không ra ngoài vào giờ ăn trưa mà có thể chơi đùa trong nhà. Khi đi tắm biển, chúng tôi đi khoảng 6h30 sáng và về nhà lúc 10h, hoặc có thể đi lúc 18h và về nhà khi trời tối muộn.

leftcenterrightdel
Italy đang phải vật lộn với đợt hạn hán kỷ lục ở miền Bắc, nhiệt độ cuối tuần này dự kiến đạt 40 độ C ở Rome, Milan và Bologna. Ảnh: AFP. 

Italy: Đi bơi nhưng đừng bơi trong đài phun nước

Alvise Armellini, từ Rome

Italy đang phải vật lộn với đợt hạn hán kỷ lục ở miền Bắc, nhiệt độ cuối tuần này dự kiến đạt 40 độ C ở Rome, Milan và Bologna.

Những người có điều kiện đều đã trốn đến bờ biển hoặc vùng núi. Những người còn lại hầu hết cố sinh tồn bằng máy điều hòa, thứ đã có mặt trong nhiều ngôi nhà và văn phòng, một phần là nhờ biện pháp giảm thuế phóng tay của chính phủ.

Chính quyền địa phương cũng cố giúp đỡ người già và các nhóm dễ bị tổn thương. Ở Rome, người trên 70 tuổi được vào bể bơi miễn phí. Tại thời điểm nóng nhất trong ngày, tình nguyện viên sẽ đến trung tâm thành phố để phát nước miễn phí cho người dân địa phương và khách du lịch.

Nhà chức trách cũng phải ngăn người dân nhảy xuống đài phun nước để hạ nhiệt. Trong vụ việc gần nhất, một người đàn ông 40 tuổi mặc quần bơi đã hai lần bị bắt quả tang đang nô đùa trong Đài phun nước Trevi hôm 16/7.

Ở Venice, hành vi tương tự cũng gây bức xúc không kém. Việc ngâm mình dưới kênh ở Venice có thể bị phạt 350 euro. Hành vi mặc đồ đi biển hoặc để ngực trần khi đi dạo phố có thể bị phạt 250 euro.

Theo zingnews