Từ Thủ đô Hà nội, “phượt” hơn 400 km đường đèo núi quanh co, quí khách sẽ đến một địa danh xa nhất của cực Bắc Tổ quốc. Đó là nơi bạt ngàn hoa cải trắng mọc trên những sườn đồi Mộc Châu- Sơn La. Giữa cái lạnh tái tê, giữa màn sương dày đặc bao phủ, cảm giác chân mình như được “đi trên mây”, tay với sương bồng bềnh trên núi. 

Vượt qua những cung đường ngoằn nghèo ngắm dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, những chàng trai cô gái không thể không dừng chân ở đỉnh Mã pí lèng- Hà Giang để ngắm dòng sông Nho Quế như dải lụa mềm lắt léo cuối chân đồi. Đến đây, lữ khách còn được “với mây” trên 13 “cổng trời” độc, lạ mà không địa danh nào có được.


Đến cực Bắc của Tổ quốc, không thể không thăm viếng chùa Thác Bản Giốc. Đây là ngôi chùa thiêng liêng trên dải đất Cao Bằng. Mỗi sớm tinh sương, khi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông chùa ngân nga khắp dải biên cương, thức tỉnh quân và dân Cao Bằng giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia nơi miền biên viễn.

“Phượt” tiếp những cung đường uốn lượn, những sườn núi mênh mông, giữa bạt ngàn nương ngô xanh thẳm, lữ khách đến với hàng ngàn mẫu hoa đào nở sớm nơi Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngắm hoa đào, làm duyên với những cánh hoa sặc sỡ giữa khô cằn sỏi đá - một cảm xúc lãng mạn vô bờ.


Đi giữa phố cổ Đồng Văn hàng trăm năm tuổi, cảm giác lâng lâng như lạc vào không gian cổ trang xa xưa của thế kỷ XVIII. Phố cổ, chợ cổ Đồng Văn nổi tiếng với nhiều món ăn của người bản địa, nhưng thích thú nhất vẫn là trò chơi “leo núi bắt chim” và ngắm những chàng trai cô gái thổi khèn, xuống chợ bán đồ thổ cẩm.

Vùng Đông Bắc của Tổ quốc nổi tiếng với Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên đặc biệt của thế giới, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ được tạo hóa ưu đãi ban cho phong cảnh tuyệt đẹp. Ngoài việc ngắm hàng trăm đảo đá sinh động, lữ khách còn tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn như: khám phá hang động, chèo thuyền kayak, thăm làng chài, ngủ đêm trên vịnh.

Đến những địa danh cực Bắc Tổ quốc, không quên “ghé” Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn. Đó là nơi sơn thủy hữu tình bồng bềnh mây núi. Đến đây, lữ khách thả hồn trong không gian tĩnh mịch, nghe tiếng chim rừng thánh thót giữa rừng sâu, và đừng quên “làm người lái đò trên sông” một lần cho biết. 

 


Bỏ qua hàng ngàn dãy núi chọc trời, những cánh đồng ngô thẳng cách cò bay, lữ khách đến Sapa với tâm trạng bồi hồi xúc động. Dù hòa lẫn với những chàng trai cô gái ở chợ tình; hay ngồi run run quanh bếp lửa ăn ngô nướng của người bản xứ; hay ngắm “lòng chảo” trước nhà thờ đá Sapa, lòng người hãnh diện, kiêu hãnh vì lần đầu đặt chân tới mảnh đất này.  

 


Sau những ngày rong ruổi ở Đông và Tây Bắc Tổ quốc, lữ khách dừng chân ở Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đến “trái tim” đất Việt, chẳng ai lại không dừng chân ngắm Tháp rùa lung linh soi bóng về đêm. Đi trên Cầu Thê húc, rảo bước quanh bờ hồ Hoàn Kiếm dưới tiết trời se lạnh, cảm giác hạnh phúc bình yên và yêu đất Việt đến lạ kỳ.

Tràng An (Ninh Bình) - mảnh đất kinh đô Hoa Lư xưa luôn “hút hồn” du khách thập phương. Khu du lịch này được công nhận Di sản thế giới vào năm 2014. Tràng An càng nổi tiếng hơn sau khi xuất hiện trong phim bom tấn “Kong Skull island” của Hollywood. Du khách sẽ lạc vào thế giới của những núi đá vôi kỳ vĩ, hang động huyền ảo, hệ thống chùa chiền linh thiêng. (ảnh 5). Ảnh: Hoàng Long

 

Rời Tràng An, dọc theo quốc lộ 1A, lữ khách đến với phố cổ Hội An (Quảng Nam) trong niềm vui rạo rực. Dải đất miền Trung nắng gió, đã tạo nên đất nơi đây đẹp đẽ, tạo ra người nơi này mến khách thật thà. Đón Tết ở Hội An, bạn không hề có cảm giác xa nhà bởi niềm hân hoan ngày xuân đã thấm đẫm trên từng góc phố. Bạn sẽ thỏa thích ngắm di sản từ lòng đất và những bộ quần áo cổ trang nhất của thế kỷ XX.

Trên đường hành trình về phía Nam, không thể bỏ qua thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Nếu mùa thu là thời gian lãng mạn nhất của thành phố biển này, thì mùa xuân là nơi hội tụ của hàng triệu du khách thập phương. Điểm níu chân du khách đến Nha Trang không chỉ thành phố mùa thu này sạch, đẹp được ví như “Xing-ga-po” Việt Nam, mà níu chân khách bởi làn nước biển trong xanh bốn mùa như một. Sau khi đắm mình dưới làn nước biếc xanh vời vợi, ngả lưng trên chiếc ghế mộc gỗ dưới tán ô cọ dừa, cảm giác lãng mạn đến vô bờ không nơi nào có được.


Miền Tây sông nước là điểm cuối trong chặng hành trình khám phá. Ngồi trên xuồng ba lá, lướt trên thảm bèo xanh mướt đến mê hồn, ngắm Rừng tràm Trà Sư giữa tiếng chim điên điển gọi bạn tình mùa xuân, lòng cảm giác thanh thái bình an. Đến miền Tây sông nước, cũng không thể bỏ qua chợ nổi Cái Răng ngay bến Ninh Kiều của thành phố Cần Thơ. Và đừng quên cùng anh ba, chị hai say đắm trong đờn ca tài tử “Tình anh bán chiếu” .

 

Đến miền Đông Nam bộ, không tắm biển Vũng Tàu thì chuyến hành trình “buồn” đi phân nửa. Vũng Tàu nổi tiếng với Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa, Bãi Dâu và con đường Trần Phú một thời đẹp nhất Việt Nam uốn lượn quanh sườn núi Lớn, núi Nhỏ. Vừa ngâm mình dưới làn nước mát, hoặc “chôn” mình dưới làn cát mặn, du khách vừa ngắm giàn khoan dầu khí tít tắp khơi xa. Mỗi dịp Tết đến xuân về, bãi biển Vũng Tàu đón hàng trăm ngàn lượt du khách đến tắm biển, ăn hải sản và xem đua chó ở sân vận động Lam Sơn.

Và không thể bỏ qua Văn miếu Trấn Biên – Biên Hòa (Đồng Nai). Nằm tọa lạc tại khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên được xây dựng (năm 1715) tại xứ Đàng Trong, để tôn vinh các danh nhân văn hóa nước Việt đến nay đã hơn 300 năm tuổi. Đến với Văn miếu Trấn Biên, là đến với mảnh đất địa nhân linh kiệt với những ngôi nhà cổ kính, và những lăng tẩm, khuê các đậm nét kiến trúc cổ xưa; họa tiết hoa văn thấm đậm đất và người Đồng Nai qua hơn 300 năm lịch sử.

Theo Lao động