Ngôi làng Bormida tuy có không gian đẹp
song vẫn khiến nhiều người không hài lòng và muốn chuyển đi



Theo Telegraph, đó là ngôi làng Bormida, nằm ở vùng núi thuộc khu vực Liguria, tây bắc nước Ý. Mục tiêu của ngôi làng là kêu gọi người dân đến đây sinh sống với cam kết sẽ xây dựng một cuộc sống đơn giản khi hiện tại ngôi làng chỉ vỏn vẹn 394 người.

Ông Daniele Galliano, người đứng đầu ngôi làng đã công khai ý tưởng này trên Facebook và sẽ thực hiện kế hoạch này trong vòng hai tháng tới. Cụ thể, những người chuyển tới đây sẽ được tặng 2.000 euro (tức khoảng 50 triệu đồng). Với người dân bản địa, họ sẽ chỉ phải trả 50 euro/tháng nếu muốn thuê nhà trên vùng đất của ngôi làng.

Nguồn tin cũng cho biết mục tiêu của nhà chức trách là nỗ lực ngăn chặn nguy cơ biến ngôi làng thành ngôi làng ma, bị bỏ hoang khi số lượng thanh niên của ngôi làng chuyển tới thành phố Savona gần đó sinh sống hoặc đến các thành phố lớn tìm việc làm đang tăng lên.

Vị trí của ngôi làng nằm ở độ cao 420 mét so với mực nước biển và thuộc vùng núi hẻo lánh. Tuy nhiên, theo Telegraph, kế hoạch này đang chờ hội đồng địa phương phê duyệt trước khi đưa vào thực hiện.

“Chúng tôi không thể cho họ thuê để phát triển thị trường. Chúng tôi cần có tiêu chuẩn cho thuê, quan trọng là để xây dựng và phục hồi ngôi làng”, ông Daniele Galliano cho hay.

Trên thực tế, kể từ năm 2014 đến nay, dân số ở ngôi làng này chỉ tăng từ 390 người lên 394 người, trong khi số người chuyển đi là 54 người. Thời kỳ đông đúc dân cư nhất của ngôi làng vào những năm 1950 với số dân hơn 1.000 người.

Hiệp hội Môi trường Quốc gia Ý khảo sát năm 2016 cho thấy khoảng một phần ba các ngôi làng của nước này đang đối mặt nguy cơ “tuyệt chủng”, tức số dân cư ngày một thưa thớt. Tuy các ngôi làng nói trên có phong cảnh đẹp song thực tế người dân không tìm được nguồn thu nhập, do đó hầu hết tìm mọi cách đi vùng khác làm ăn.

Dù vậy, khi thông tin về ngôi làng sẽ tặng 2.000 euro cho người chuyển đến đây sinh sống thì nhiều người đã lên tiếng. Họ cho rằng giới chức cần tạo ra việc làm cho người dân bản địa để họ duy trì cuộc sống thì mới có thể khích lệ phát triển địa phương.

                                                                                                  Theo Thanh niên online