Làm nghề hướng dẫn viên lâu năm tại Vietravel, anh Tấn Đức có nhiều kỷ niệm về những hành trình đưa khách Việt đến vùng đất Nam Mỹ, trong đó không thể không nhắc tới Machu Picchu của Peru - Thành phố đã mất của người Inca.
|
Anh Tấn Đức tại Machu Pichu. Địa hình Peru đa dạng, nên quốc gia này cũng có vùng khí hậu nhiệt đới khá giống Việt Nam. Khách Việt mình thường chọn đi Nam Mỹ từ tháng 4 đến tháng 7 vì thời tiết lúc này còn khô ráo, chưa có mưa nhiều. Ảnh:NVCC. |
"Machu Picchu là một kiệt tác về kiến trúc. Với nhiều người, nơi này giống như một cái đỉnh, một cực khác của thế giới. Machu Picchu là một thành phố linh thiêng với người Inca, và du khách muôn phương muốn đến để chiêm ngưỡng, để khám phá một nền văn minh hơn 500 năm bị dãy Andes giấu kín", anh Tấn Đức nói.
Hướng dẫn viên này nhấn mạnh du khách đến Nam Mỹ mà không thể leo lên đỉnh thì rất đáng tiếc, vì "đỉnh" của tour Nam Mỹ chính là Machu Picchu. Từ thành phố Rio de Janeiro, Brazil, du khách sẽ bay hơn 5 tiếng, rồi đáp xuống sân bay Lima, Peru. Từ đây du khách bay từ Lima đến Cusco trong khoảng một tiếng, lúc này độ cao đã bắt đầu thay đổi, từ 34 mét ở Lima, rồi cuối cùng là 3,400 mét so với mực nước biển ở Cusco.
Machu Picchu cách Cusco 70 km về phía tây bắc, chỉ cao 2.300 mét, nhưng nếu không đến Cusco thì du khách không còn con đường nào khác để tới thành phố cổ. Khi độ cao thay đổi đòi hỏi cơ thể cần có thời gian thích nghi, nhưng ở đây du khách chỉ có chưa tới nửa ngày để làm quen với địa hình. Anh Đức nhận định phản ứng còn tuỳ cơ địa mỗi người, nhưng đa phần ai tham quan Machu Picchu cũng phải trải qua ít nhiều triệu chứng sốc độ cao như thở gấp, đau đầu...
"So với Tây Tạng, độ cao của Cusco hay Machu Picchu không là gì, nhưng một số khách tâm lý và sức khoẻ không vượt qua được nên đã bỏ lỡ vẻ đẹp tuyệt vời này", anh Đức bày tỏ.
Vài du khách Việt vừa đặt chân lên đây sẽ phải thở bình oxy, nên các khách sạn địa phương còn trang bị sẵn bình oxy lớn. "Khách đi với tôi lần nào cũng vậy, có người nằm bệnh viện vì không khí ở Cusco loãng làm họ khó thở, và dĩ nhiên là đành bỏ chuyến đi Machu Picchu vào sáng hôm sau. Họ không dám đánh cược cuộc đời của mình để đổi lấy một chuyến thăm Machu Picchu quá danh tiếng".
Dãy Andes được coi là xương sống của Nam Mỹ, nơi hình thành nên nền văn minh Inca bí ẩn. Chính người Inca đã xây trên xương sống này một hệ thống đường mòn. Nền văn minh Inca nằm khuất giữa núi rừng cho tới ngày 24/7/1911, một sử gia cũng là nhà nhân chủng học người Mỹ mới phát hiện ra Machu Picchu, và từ đó mở ra một hành trình khám phá mới về thành phố bị lãng quên này.
Hậu duệ của nền văn minh này chính là người Quechua, tập trung đông đúc quanh Cusco. Cusco từng là thủ phủ của đế chế Inca, và từ năm 1983 được thành phố này được công nhận là di sản của UNESCO. Thành phố tuy được người Tây Ban Nha xây dựng lại, nhưng dấu ấn của Inca, nhất là về mặt kiến trúc, vẫn còn hiện diện.
|
Người Quechua. Ảnh:NVCC. |
Người Inca xưa kia có truyền thống xây dựng thành phố theo hình dạng của các loài chim hay loài thú, và con báo đen (puma) được chọn cho Cusco. Sống trên dãy Andes, nên người Inca phải dựa vào núi để phòng thủ, và tàn tích Sacsayhuaman là một minh chứng.
Trong chương trình tham quan thành phố Cusco, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những bức tường đá với những tảng đá lớn, được xếp chồng lên nhau mà không cần vôi vữa. Đã gần hàng trăm năm trôi qua, dường như chưa ai giải mã được kỹ thuật chế tác đá đạt đến trình độ bậc thầy của người Inca cổ. "Nếu lấy một tờ giấy mỏng chèn giữa hai tảng đá, bạn cũng không có cơ hội làm điều đó vì khoảng cách giữa chúng không hề tồn tại", anh Đức kể.
|
Đồ thủ công của người Quechua. Ảnh:NVCC. |
Anh Đức cho rằng hoạt động quản lý du lịch của địa phương rất đáng học hỏi. Mỗi ngày có ba đợt tham quan, mỗi đợt không quá 4 giờ, đợt đầu tiên bắt đầu từ 6h và kết thúc trước 17h mỗi ngày, và Machu Picchu chỉ đón tiếp khoảng 2.500 du khách mỗi ngày. Quy định nghiêm ngặt với du khách và hạn chế số lượng người tham quan cũng là nhằm để bảo quản di tích, Vé phải được đăng ký mua trước, kèm những qui định nghiêm ngặt như phải có hướng dẫn địa phương đi cùng đoàn, lượng khách trong đoàn không vượt quá 16, không được dùng gậy selfie hay flycam để chụp ảnh.
"Phải vậy chứ, vì ở đâu trên thế giới này cũng vậy – đất hay người đều cần thời gian nghỉ, để hồi phục, để tái tạo năng lượng, và Machu Picchu mến yêu của chúng ta cũng không phải ngoại lệ", anh Đức chia sẻ.
Theo vnexpress