Thời điểm đẹp nhất để ngắm hết vẻ đẹp của Praha là lúc chiều xuống. Dường như những cuộc chiến khốc liệt nhất ở châu Âu hàng trăm năm đã "bỏ qua" nơi này. Du khách len lỏi trong những con đường quanh co của phố cổ, những con đường lót đá thông nhau nhưng đều dẫn ra các quảng trường hay bờ sông Vltava chảy ngang thành phố.
Trong vô vàn những di sản quá khứ để lại cho Praha đến ngày nay, không thể không nhắc đến chiếc đồng hồ thiên văn ở quảng trường Phố cổ (hay quảng trường con gà) được làm cách đây 600 năm, vẫn đang chạy mỗi ngày và là chiếc đồng hồ hoạt động lâu đời nhất trên thế giới. Có quá nhiều câu chuyện truyền thuyết xung quanh nó, có những chi tiết đáng sợ nhưng đều vô cùng ấn tượng và hấp dẫn.
Thực sự không công bằng nếu chỉ gọi tác phẩm này là đồng hồ bởi nó có cả một câu chuyện lịch sử và truyền miệng như đưa du khách trở về thời Trung cổ 600 năm trước. Vào thời đại ấy, người ta không chỉ sử dụng đồng hồ để xem giờ, mà còn cung cấp thông tin về vị trí của mặt trăng và mặt trời, thời điểm mặt trời mọc và mặt trời lặn...
Đứng từ xa, du khách có thể nhìn rõ bốn tác phẩm điêu khắc ở hai bên mặt đồng hồ: Người cầm gương tượng trưng cho sự phù phiếm; người cầm gậy và túi tiền là biểu hiện của lòng tham; bộ xương là cái chết và người chơi đàn mandolin tượng trưng của niềm vui.
Kết cấu mặt đồng hồ cực kỳ phức tạp nhưng cơ bản có ba vòng chính. Ở mép ngoài cùng, bạn sẽ thấy nền đen với các chữ số màu vàng thể hiện giờ Czech cổ, còn được gọi là giờ Bohemian cổ hoặc giờ Ý, tính ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn.
Ở vòng giữa đầy màu sắc hiển thị 24 giờ bằng chữ số La Mã bằng vàng (I - XI lặp lại hai lần) cho biết thời gian ở Praha.
Các màu sắc khác nhau biểu thị những thứ như ban ngày, bình minh, ban đêm… Và ở trung tâm là trái đất vì vào thời điểm đó, người ta tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Ngoài ra còn có một vòng hoàng đạo, mặt số thiên văn nằm trên mặt đồng hồ. Mặt số có mặt trời bằng vàng trên đỉnh đi qua các cung hoàng đạo và hiển thị vị trí của mặt trời hoặc đường hoàng đạo.
Đồng hồ Praha còn có phần phía dưới thể hiện lịch ngày, tháng và các cung hoàng đạo. Bức tranh này được vẽ bởi họa sĩ người Séc Josef Mánes. Một bản sao đã thay thế bản gốc vào năm 1880. Bản gốc hiện nằm trong Bảo tàng Praha.
Những tác phẩm điêu khắc ở phần này cũng đầy thú vị với bốn bức tượng mô tả bốn con người khác nhau: Người cầm sách tượng trưng cho khoa học, người cầm thanh kiếm là công lý, tượng cầm chiếc lông vũ tượng trưng cho triết học và tượng cầm kính thiên văn tượng trưng cho thiên văn học.
Phần trên cùng của đồng hồ có hai cửa sổ. Bên trong những cửa sổ này là hình 12 Tông đồ của Chúa Giêsu. Mỗi giờ bộ xương rung chuông và xoay chiếc đồng hồ cát trên là lúc các cửa sổ mở ra và 12 Tông đồ xuất hiện theo thứ tự. Đây là thời điểm du khách tập trung đông nhất để ngắm chiếc đồng hồ Praha.
Đồng hồ được sản xuất vào năm 1410 bởi nhà thiên văn học Jan Sindel và người thợ đồng hồ mà trong các câu chuyện truyền miệng vẫn còn không thống nhất về tên tuổi. Sự nổi tiếng của chiếc đồng hồ lan rộng khắp châu Âu đã khiến những người cai trị các thành phố khác muốn có một chiếc tương tự nhưng nhà vua không cho phép. Để ngăn điều đó xảy ra, người thợ đã bị mù mắt, sau đó treo cổ tự tử trên chính tháp đồng hồ...
Chiếc đồng hồ cũng ăn sâu vào đời sống dân gian người Czech, khi nó được gọi là "Con mắt của quỷ" với câu chuyện kể rằng, nếu nước này đối mặt với thảm họa, đồng hồ dừng lại. Cho đến ngày nay, nhiều người vẫn tin vào truyền thuyết này và rất lo sợ sợ đồng hồ không chạy nữa.
Từ sáng sớm tới đêm tối, lúc nào trước khu vực đồng hồ cũng đông đúc du khách, đặc biệt là vào đầu giờ để xem hoạt cảnh. Chẳng hạn, vào đúng 1 giờ chiều, bộ xương rung chuông và quay đồng hồ cát báo hiệu cái chết đang đến. Những nhân vật khác lắc đầu cố gắng giải thích rằng họ chưa sẵn sàng cho việc này. Trong khi đó, 12 Tông đồ đi qua hai cửa sổ phía trên. Hoạt hình kết thúc với tiếng gáy của con gà trống trên cửa sổ (lý do nơi này được gọi là quảng trường con gà).
Tuy nhiên, sẽ không công bằng cho Praha nếu đến du khách đây chỉ để ngắm đồng hồ thiên văn, bởi có rất nhiều nơi để chiêm ngưỡng.
Praha được bình chọn thành phố đẹp nhất thế giới vào 2021. Time Out đã khảo sát 27.000 cư dân các thành phố trên toàn thế giới và Praha dẫn đầu với 83% bình chọn.
CH Czech có mật độ lâu đài cao nhất thế giới và có lâu đài lớn nhất thế giới. Theo một thống kê, nước này có 932 lâu đài, riêng Praha có quần thể lâu đài cổ lớn nhất thế giới với diện tích 70.000m².
Theo Thanh niên