Làng kinh tế mới ẩn hiện sau những đồi chè xanh ngát - Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG

Và cuối cùng, đỉnh Pha Luông (Sơn La) sừng sững nơi biên giới Việt - Lào mùa này đẹp lạ thường với rừng hoa đỗ quyên khoe sắc.

Đến đỉnh Pha Luông mùa hoa nở, tháng 4 và tháng 5 dương lịch, du khách sẽ bắt gặp những thiếu nữ Mông diện áo, váy lộng lẫy đi ngắm cảnh. Với người Mông tại đây, hoa đỗ quyên nở báo hiệu niềm vui, hạnh phúc đến.

Nương chè xanh bất tận

Từ Cầu Diễn - Hà Nội, đoàn xe bắt đầu chuyển bánh lướt nhanh trên quốc lộ 32 qua Sơn Tây, Ba Vì. Sau gần 120km, khoảng xanh sừng sững hiện ra trước mắt chúng tôi.

Nơi đây chính là vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) với những nông trường trồng chè xanh bát ngát. Tại các xã Tân Phú, Xuân Đài, Văn Luông, Long Cốc... có hàng nghìn nương chè xanh biếc nằm trên những quả đồi.

Đi men theo những đoạn đường nhựa, rồi đường đất uốn lượn mềm mại bên sườn đồi chè, chúng tôi như đang lạc vào miền xanh bất tận.

Khi nắng sớm vừa nhô lên khỏi vạt đồi, rải rác các nhóm công nhân nông trường lặng lẽ đội mũ, vác cuốc đi làm việc. Đến đây, mọi người được thưởng thức hương chè, hít thở không khí trong lành, bắt chuyện, tán gẫu với những chị công nhân vui tính ở nông trường.

Từng đi qua nhiều vùng chè ở miền Bắc như Mộc Châu (Sơn La), Tân Cương (Thái Nguyên) hay Văn Chấn (Yên Bái)..., nhưng đến Tân Sơn lại được chiêm ngưỡng những nương chè với dáng vẻ rất độc đáo, lôi cuốn.

Đứng từ trên đồi cao nhìn ra xung quanh, du khách có thể choáng ngợp bởi hàng trăm đồi chè tròn trịa như những mâm xôi màu xanh khổng lồ úp giữa đất trời. Những đồi chè tròn xoe, diện tích lớn có thể rộng đến 1ha, còn nhỏ cũng 4.000-5000m2.

Sáng sớm, đồi chè hiện ra trong sương núi huyền ảo, khi nắng lên màu xanh cây lá hút trọn tầm mắt, đến khi chiều buông cảnh sắc trở nên tĩnh tại, khiến chúng tôi như lạc vào miền hoài niệm.

Có được vẻ đẹp như hôm nay là bởi từ 60 năm trước, đồng bào các dân tộc ở đây và những thanh niên xung phong, cư dân từ dưới xuôi lên cùng nhau khai hoang, gọt giũa các quả đồi rồi trồng chè phủ xanh.

Từ cha đến con, ông tới cháu đã có nhiều gia đình ở đây gắn bó với cây chè suốt 2, 3 đời. Ngày ngày, những con người vẫn lặng lẽ, miệt mài lao động ở các đồi chè để mong có cuộc sống tốt hơn.

Đi qua mảnh đất Tân Sơn, Phú Thọ, du khách còn bị lôi cuốn, thích thú bởi hình ảnh những guồng đưa nước khổng lồ.

Guồng nước làm thủ công bằng tre, nứa được xem như những chiếc máy bơm hết sức sáng tạo của đồng bào dân tộc từ ngàn đời nay. Đặc biệt, ở xã vùng cao Thu Cúc còn có cả một chiếc đập ngăn nước làm từ gỗ vô cùng độc đáo của đồng bào Mường.

Đập nước độc đáo ở Thu Cúc được làm từ hàng ngàn cây gỗ

Lạc vào chợ phiên trên sông Đà

Sau một đêm nghỉ lại Thu Cúc, hôm sau mọi người bắt đầu xuôi theo quốc lộ 37 về mảnh đất Phù Yên, Sơn La. Đến xã Gia Phù, cả nhóm rẽ vào quốc lộ 43 tìm đến dòng sông Đà hùng vĩ. Khi người ta ngăn đập làm Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nước dâng lên biến suối Tấc, suối Bùa hòa thành khúc sông rộng lớn, hùng vĩ.

Đoạn quốc lộ 43 uốn lượn dài gần 30km chạy men theo dòng sông với nhiều khung cảnh ấn tượng. Sáng tinh mơ bên dòng sông huyền thoại của Tây Bắc, du khách có thể được nhìn thấy những đám mây trắng bồng bềnh ấp ôm núi thẳm và sà xuống như để "hôn" lấy dòng nước.

Khung cảnh thanh bình, yên ả của dòng sông bỗng bị phá tan bởi tiếng thuyền máy, tiếng gọi nhau í ới và đoàn người hối hả đi chợ phiên.

Chợ phiên Tây Bắc vô cùng thú vị và hấp dẫn từ bao đời nay. Nhưng khi đến đoạn sông Đà, chúng tôi lại khám phá thêm một loại hình chợ phiên độc đáo khác. Đó là những phiên chợ họp kiểu "trên bến dưới thuyền".

Tại bản Pa (xã Tường Tiến, huyện Phù Yên), chúng tôi bỗng được lạc vào chợ phiên. Chợ chỉ họp đúng ba ngày trong tháng theo dương lịch, đó là ngày 5, 15 và 25. Từ khi màn đêm còn chưa tan hẳn, vài con thuyền lớn chở đầy hàng hóa đã rẽ nước neo đậu sát bờ.

Khi các thương lái, chủ thuyền cất tiếng hô to: "Chợ bắt đầu họp rồi!", nhóm cửu vạn trong các khoang hối hả, tất bật cõng những kiện hàng từ thuyền lên bờ. Từ các ngả đường nơi bản làng, bà con các dân tộc Thái, Mường, Dao... hối hả đến họp chợ.

Chỉ trong phút chốc, đoạn bờ sông bản Pa yên ắng, thanh bình trở nên huyên náo. Tiếng gà, tiếng vịt, những lời qua, câu lại của người trên bến, kẻ dưới thuyền hợp thành âm thanh báo hiệu một ngày mới sôi động bắt đầu.

Người đến chợ đủ các thành phần, lứa tuổi. Có bà đi chợ chỉ để mua con dao, có chị thì mua cân muối, chai dầu. Hay có người đến để ăn cái bánh rán, hoặc vài gã đàn ông ngồi ung dung rít hơi thuốc lào... Tất cả đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, nơi giao lưu của kẻ trên bến, người dưới thuyền không thể thiếu được suốt bao năm qua ở mảnh đất này. Chợ chỉ họp chóng vánh 3-4 tiếng đồng hồ, rồi lại trả cho khúc sông Đà ấy sự bình yên vốn có.

Sau một ngày họp chợ ở bản Pa, các thương lái lại đánh thuyền đến xã Tân Phong họp chợ Bến Vạn vào các ngày 6, 16, 26 dương lịch. Ở chợ phiên bên sông Đà, du khách sẽ có dịp được thưởng thức các món ăn độc đáo của vùng này như: rêu đá nướng, cá muối chua, cá sông nướng xiên...

Những khu chợ phiên trên đoạn sông Đà ở Phù Yên chính là điểm dừng chân của những thương lái buôn bán dọc tuyến sông Đà từ mạn Hòa Bình lên tận Điện Biên.

Trên đỉnh Pha Luông

Qua bến phà Vạn Yên, chạy trên vùng núi đồi bao la, thăm thẳm của huyện Mộc Châu - nơi được dân phượt ví như trái tim của Sơn La. Khi đoạn đèo dốc khó nhằn đã hết, những đoạn đường đẹp như mơ bắt đầu hiện ra. Mọi người lướt nhanh qua rừng thông Bản Áng, rồi ngắm nhìn thác Dải Yếm đẹp tinh khôi mùa nước cạn.

Khi chiều của một ngày đã buông, cả đoàn cố chạy về trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông nằm ngay trên đường vành đai biên giới Việt - Lào.

Từ trạm biên phòng, chỉ mất khoảng ba giờ là du khách đã chinh phục thành công đỉnh Pha Luông cao hơn 2.000m so với mực nước biển, với điểm đến check in nổi tiếng là "Mỏm Rùa". Đứng ở đỉnh Pha Luông, vào những ngày trời trong, chúng ta có thể phóng tầm mắt nhìn qua nước bạn Lào.

Du khách và các chàng trai, cô gái Mông trên đỉnh Pha Luông

Buổi sáng ở đỉnh Pha Luông mây trắng bồng bềnh trên các khu thung lũng, tạo thành biển mây rất ấn tượng. Trên những vách núi dựng đứng, du khách có thể nhìn thấy những bụi hoa đỗ quyên bắt đầu bung nở.

Đỗ quyên ở đỉnh Pha Luông nở rộ nhất từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 dương lịch. Ở đây du khách được tận mắt nhìn thấy những bông đỗ quyên trắng, phớt hồng và đỏ cùng nhau đua nở, khoe sắc.

Theo dulich.tuoitre