Mùa đông khắc nghiệt ở Mông Cổ
Cập nhật lúc 22:42, Thứ tư, 24/07/2019 (GMT+7)
Mỗi năm một lần, người dân ở khắp Mông Cổ tổ chức lễ hội trên mặt băng để ăn mừng kết thúc mùa đông khắc nghiệt.
Vùng đất của “bầu trời xanh vô tận” là biệt danh phổ biến của Mông Cổ. Vào mùa đông, thời tiết có thể khắc nghiệt bởi gió Siberia thổi từ phía bắc đem theo không khí lạnh khiến nhiệt độ giảm xuống -40 độ C. Ảnh: AFP.
Rời thủ đô Ulaanbaatar đông đúc xe cộ, nơi có hơn 1,5 triệu dân Mông Cổ sinh sống, bạn sẽ có cảm giác đang trên đường tới một hành tinh khác. Ở ngoại ô thành phố lớn nhất quốc gia này, các tòa chung cư, nhà máy nhanh chóng lùi dần, nhường chỗ cho cảnh hoang mạc kéo dài tới tận chân trời.
Các gia đình tại đây sinh hoạt kiểu “bán du mục”, khi đưa đàn ngựa và gia súc đến ăn ở những đồng cỏ màu mỡ, vừa duy trì cuộc sống ở gần một ngôi làng để giúp đỡ nhau khi cần thiết. Vào mùa đông, họ chọn một nơi yên tĩnh trong thung lũng hoặc gần một ngọn đồi để dựng lều. Lối sống du mục của người Mông Cổ gắn liền với “ger”, ngôi nhà di động hình tròn, ấm áp bên trong nhờ bếp lửa đặt ở chính giữa. Ger phù hợp cho nhóm năm người sinh sống, có thể lắp ráp trong một giờ. Việc này giúp các gia đình di chuyển nhanh và thường xuyên theo nhu cầu kiếm ăn của đàn gia súc.
Ngựa là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Mông Cổ. Những con ngựa sống theo bày đàn, tự do di chuyển giữa các đồng cỏ thay vì sống trong những lớp hàng rào, chuồng trại. Vào mùa đông khắc nghiệt, người dân quan tâm nhất đến sự sống còn của các loài động vật. Hiện nay Mông Cổ phải đối mặt với tình trạng thiếu cỏ cho các đàn gia súc bởi mùa hè khô hạn, còn mùa đông băng giá kéo dài hơn bình thường.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, người dân vẫn luôn tìm cách tôn vinh mùa đông và ăn mừng vì họ vẫn còn sống sót. Tháng 3, khi mùa xuân bắt đầu, người dân Mông Cổ từ khắp nơi kéo về hồ Khövsgöl để tổ chức lễ hội băng dài hai ngày. Đường tới khu vực này không hề dễ dàng bởi có ít đường vào, đa phần đều gập ghềnh và không có biển chỉ dẫn.
Các gia đình mang theo một bình đựng tsai (hỗn hợp sữa, nước, trà đen hoặc trà xanh và muối), chiếc túi đựng khuushuur (bánh nhân thịt chiên nóng) rồi cùng nhau tụ họp trên mặt hồ đang đóng băng để ăn mừng kết thúc quãng thời gian khắc nghiệt nhất trong năm.
Nằm ở phía bắc Mông Cổ, gần biên giới Nga, Khövsgöl là hồ nước ngọt lớn nhất quốc gia này, có diện tích khoảng 2.620 km2 và điểm sâu nhất đạt 244 m. Làn nước trong như pha lê nên hồ còn được mệnh danh là “viên ngọc trai xanh của Mông Cổ”. Ít nhất 6 tháng trong năm, mặt hồ trở thành một lớp băng dày vài mét, giúp con người và gia súc có thể đi lại bên trên.
Trước khi bắt đầu cuộc sống trên băng, cư dân hồ Khövsgöl phải leo lên đỉnh đá thiêng để bày tỏ lòng tôn kính tới vị thần cai quản nơi này. Họ quan niệm, chỉ khi thần linh chấp nhận, mọi người mới có thể đi lại trên mặt băng an toàn.
Vào buổi sáng, khắp không gian là âm thanh của sự nứt vỡ. Lớp băng tan dần khi nhiệt độ tăng lên vào ban ngày rồi được làm lạnh trở lại khi mặt trời lặn. Chu kỳ này tạo nên những vết nứt vỡ muôn hình vạn trạng trên mặt hồ.
Những năm gần đây, lễ hội băng Khövsgöl dần thu hút được sự chú ý của du khách quốc tế. Vào ngày đầu tiên, xe ngựa kéo chạy khắp mặt hồ đóng băng, người dân và du khách thi tài trong các trò chơi truyền thống như bắn cung, kéo co. Ngày thứ hai dành cho các cuộc thi với quy mô lớn hơn như đua xe ngựa kéo và điêu khắc băng.
Người dân Mông Cổ và du khách từ các tỉnh thành, bộ lạc, dân tộc và tôn giáo khác nhau, đều ở trong các nhà lều ger dựng quanh hồ Khövsgöl, cùng tổ chức ăn mừng và bày tỏ lòng tôn kính tới mẹ thiên nhiên đã giúp họ tụ hội. Mặc cho những khó khăn gặp phải trong suốt mùa đông, tâm trạng của mọi người ở lễ hội vẫn ngập tràn niềm vui.
Ban đêm, trước khi pháp sư triệu tập thành đám đông ở khu lửa trại chính, mọi người quây quần bên các bàn ăn bày nhiều đồ ăn vặt như aaruul (phomat khô) hay boortsog (bột chiên xù).
Theo vnexpress