Sản phẩm dệt của đồng bào Chăm ở Châu Phong ngày càng đa dạng, phong phú. Ảnh: tuyengiaoangiang.vn
Chiếc xe trắng phủ đầy đất đỏ đưa chúng tôi đến với nơi này vào một chiều nắng vàng chiếu xuống dòng sông Hậu như ngàn sao lấp lánh.
Phía bên kia sông, làng Chăm Châu Phong thuộc thị xã Tân Châu (An Giang) nổi tiếng với nghề dệt lụa dần hiện dưới bóng nước theo hai bờ kênh Vĩnh An hiền hòa đã lột tả hết vẻ đẹp của làng cổ mang đậm văn hóa Chăm thủa nào.
Cuộc sống soi dưới bóng nước yên bình như chính cuộc sống của những người dân nơi đây. Người Chăm An Giang không thích buôn bán qua trung gian mà tự tìm đầu ra cho sản phẩm, nhờ vậy mà họ có sự giao dịch rộng rãi với các dân tộc khác trong cộng đồng.
Dạo trên làng thổ cẩm, những cô con gái Chăm với chiếc khăn trùm đầu sặc sỡ và duyên dáng lạ lùng. Nụ cười rạng rỡ như mùa xuân cùng trang phục truyền thống, tạo thêm nét huyền bí trong từng cử chỉ.
Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mang đậm phong cách Chăm, chị Sa Vi Oanh vừa kể chuyện nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt dệt xà rông để mai còn giao hàng cho sớm. Bên khung cửi, mái tóc quăn tự nhiên đen láy thả dài được ánh nắng chiếu vào tạo cảm giác như một cô công chúa trong truyện cổ tích.
Hòa theo nhịp âm thanh, các khung gỗ chạm vào nhau như những phím đàn dệt nên một bản nhạc lạ và vui tai. Những tấm thổ cẩm với họa tiết bắt mắt và đậm văn hóa bản địa đang được kéo dài theo những tiếng lắc cắc phát ra từ khung cửi như nhịp trống Thummạ huyền bí, con thoi chạy suốt như không được nghỉ ngơi.
Chị Oanh cho biết, xưa nay phụ nữ Chăm chủ yếu chỉ loanh quanh trong nhà dệt vải từ các loại tơ, sợi vì ảnh hưởng của tục cấm cung trước đó. Điều khác biệt của những sản phẩm nơi đây là được nhuộm từ các chất liệu thiên nhiên lấy từ mủ cây (klék), vỏ cây (pahud) và trái cây (mặc nưa).
Đặc biệt, để làm ra được một sản phẩm đơn giản nhất cũng phải qua mười mấy công đoạn và để dệt xong một khung dài 15 mét phải mất gần nửa tháng trời.
Là thợ chuyên dệt thổ cẩm đã 25 năm, chị Samina chia sẻ, trung bình mỗi ngày một người thợ chỉ dệt được 2 mét xà rông của nữ hoặc 4 mét xà rông nam.
Theo chị Samina, dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Bởi ngay từ khi lên 9 lên 10, những thiếu nữ người Chăm đã được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt.
Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm giờ cũng khác trước rất nhiều bởi thay bằng tơ công nghiệp nhưng hoa văn và cách nhuộm màu vẫn giữ nguyên phong cách truyền thống.
Sản phẩm dệt cũng ngày càng đa dạng hơn vì giờ đây dưới bàn tay khéo léo của những thôn nữ, những chiếc khăn choàng, xà rông túi đeo, khăn bịt tóc và thậm chí khăn tắm cũng đã tinh xảo hơn.
Hàng hóa cũng không chỉ dừng lại ở phục vụ cho gia đình mà đã được thương lái tới mua và nhiều sản phẩm sang tận nửa bên kia thế giới
Theo thống kê, làng Chăm Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) hiện có gần 500 hộ đồng bào Chăm; trong đó, ấp Phũm Soài có khoảng 300 hộ, phần lớn làm nghề dệt thổ cẩm.
Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành điểm đến của cộng đồng du lịch hút khách với chương trình “Trở thành một người Chăm”. Đa số khách du lịch đến đây đều cảm thấy hài lòng khi được đi thăm các cơ sở dệt tại nhà của người dân.
Không những thế, du khách còn được trải nghiệm vai thôn nữ dệt thổ cẩm và múa những vũ điệu độc đáo cũng như thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị nơi đây.
Theo những người dân nơi đây, có một thời gian nghề dệt ở Châu Phong bị chững lại do khó khăn trong khâu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, không ít cư dân đã từ bỏ nghề dệt sang làm nghề khác và làng dệt Châu Phong có nguy cơ thất truyền.
Để xốc lại ngành nghề truyền thống, lãnh đạo tỉnh An Giang đã quyết định hỗ trợ nguồn vốn vay từ chương trình khuyến nông nhằm tạo phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề.
Nhờ vậy, kinh tế địa phương ngày càng phát triển, hộ gia đình ngày càng gắn kết hơn với nghề và hơn cả là giúp đồng bào phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc Chăm.
Để giữ gìn bản sắc cho địa phương, tại Châu Phong hiện nay có gần 500 hộ đồng bào Chăm; trong đó, ấp Phũm Soài có khoảng 300 hộ và phân nửa trong số này làm nghề dệt thổ cẩm.
Đặc biệt, một hợp tác xã mang tên Châu Giang tập trung nhiều xã viên dệt thổ cẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Cũng từ đó, Trung tâm Thông tin Du lịch Châu Phong ra đời với nhiệm vụ quảng bá làng du lịch cộng đồng, làng dệt Châu Phong, giới thiệu cho du khách nét văn hóa và sản phẩm của người Chăm.
Giờ đây, đến với Châu Phong, du khách như lạc vào một thế giới khác. Với những thánh đường hồi giáo uy nghi, nhà cửa cũng mang phong cách thiết kế riêng mà chỉ nơi đây mới có.
Thấp thoáng bên khung cửi, những cô thôn nữ ngồi quay tơ dệt thổ cẩm thật duyên dáng trong những bộ trang phục truyền thống như truyền thêm cảm hứng với không gian thân thiện, gần gũi và cuộc sống giản dị của người dân.
Một ngày trải nghiệm tại làng dệt cổ Châu Phong thật ngắn ngủi. Tạm biệt nơi đây với thánh đường Mubarak soi bóng bên dòng sông huyền thoại. Tạm biệt cô gái làng Chăm với nụ cười như còn mời gọi tâm tình và chúng tôi trở về trong sự tiếc nuối, bâng khuâng.
Tự hứa với lòng, có một ngày chúng tôi sẽ quay lại để được thấy nụ cười của các thôn nữ bên khung cửi, ánh mắt sáng lên niềm tin và hy vọng dưới tia nắng ấm áp ngọt ngào như còn lưu luyến chút tâm tình.
Theo Quê hương