Phóng viên nước ngoài ca ngợi hết lời bánh mì thanh long của Việt Nam
Cập nhật lúc 16:43, Thứ năm, 27/02/2020 (GMT+7)
Phóng viên của tờ Business Insider đã hết lời ca ngợi sự sáng tạo của ẩm thực Việt Nam thông qua món bánh mì thanh long. Ngoài màu sắc đẹp, bánh mì thanh long thực sự rất ngon.
Bánh mì thanh long đã nổi tiếng thế giới (Ảnh: Thanh niên)
Tờ Business Insider đưa tin: Một tiệm bánh ở Việt Nam đã tạo ra một loại bánh mì mới, có tên gọi là bánh mì thanh long. Việc này nhằm góp phần “giải cứu” hàng tấn thanh long không thể xuất sang Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Món bánh mì thanh long ra đời từ ý tưởng giúp đỡ bà con nông dân bán được thanh long, người được mệnh danh là vua bánh mì Sài Gòn, ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC), đã phát triển thành công bánh mì thanh long đầu tiên tại Việt Nam. Ông kỳ vọng đưa sản phẩm độc đáo này trở thành một thương hiệu Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Từ khi ra đời, loại bánh mì này thu hút được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng. Chỉ trong thời gian ngắn ra mắt, chuỗi nhà hàng này phải nâng mức sản xuất lên 20.000 ổ bánh mì thanh long mỗi ngày. Tuy nhiên, ABC Bakery cho biết, họ đã buộc phải hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua 5 ổ bánh cùng một lúc.
Phóng viên Business Insider đã đến tận nơi để trải nghiệm và nhận xét: “Chiếc bánh mì màu hồng, nổi bật. Mặc dù nó được sáng tạo ra để “giải cứu" nông sản mùa Covid-19, nhưng đây là một tác phẩm tuyệt đẹp để đăng lên Instagram. Loại bánh mì này không phải dùng để “thổi phồng” trên phương tiện truyền thông xã hội. Nó ăn rất ngon, với lớp vỏ ngoài giòn tan, bên trong thanh mát, đầy hương vị. Thêm thanh long vào bánh mì có thể là một gợi ý rất tinh tế. Điều này cho thấy sự thích nghi sáng tạo của người Việt trước những tác động của Covid-19, dự kiến dịch sẽ gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD cho đất nước”.
Với thành công từ bánh mì thanh long, vua bánh mì Kao Siêu Lực còn đang nghiên cứu, sáng tạo và làm ra nhiều loại bánh với nguyên liệu là các loại trái cây đặc sản Việt Nam để nâng giá trị cho nông sản.
Theo Thời Đại