“Tôi làm việc tại Viện nghiên cứu quốc gia BrookHaven (BNL) ở Long Island, New York, Hoa Kỳ. BNL là một trong những Viện nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ, nghiên cứu về vật lý, sinh vật, hóa học, y khoa, khoa học môi trường và năng lượng, khoa học nano cùng nhiều ngành khoa học khác. Tại BNL, hàng nghìn nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, tiến sỹ, nghiên cứu sinh tiến sỹ và sinh viên ngoại quốc đã và đang công tác, làm việc với các nhà khoa học Hoa Kỳ. Làm việc tại BNL tạo cơ hội cho tôi hỗ trợ sự hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam với cộng đồng BNL và cộng đồng cư dân tôi đang sinh sống. Sau đây, tôi xin chia sẻ cùng quý vị một vài kinh nghiệm trong việc phổ biến văn hóa Việt Nam và hỗ trợ sự hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đầu năm 2010, một tham tán của Văn phòng Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MOST) ở Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, New York, hỏi tôi nếu có thể giới thiệu phái đoàn Hàn lâm Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) tới thăm BNL vào ngày 15 tháng 5 năm 2010. Mục đích của Đoàn VAST là thảo luận thiết lập hợp tác khoa học và công nghệ giữa VAST và BNL. Theo tôi nghĩ, hợp tác giữa VAST và BNL sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho Việt Nam, thêm vào đó, BNL có thể trở thành đầu mối liên lạc cho việc hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu khoa học khác của Hoa Kỳ. Tôi gặp Viện trưởng BNL, trình bày nguyện vọng của VAST, và soạn thảo chương trình chi tiết buổi làm việc của Đoàn VAST vào ngày 15 tháng 5 năm 2010. Ngày 27 tháng 8 năm 2010, Tiến sỹ Ninh Khắc Bản – đại diện cho Chủ tịch VAST – trở lại BNL tiếp tục bàn thảo về việc ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa VAST và BNL. Trong buổi làm việc này, các nhà khoa học BNL tỏ ý muốn thăm và làm việc với VAST nếu nhận được lời mời. Ngày 25 tháng 5 năm 2013, Đoàn công tác VAST do Phó chủ tịch Dương Ngọc Hải dẫn đầu đến thăm BNL để thảo luận về “tiềm năng hợp tác tương lai” giữa VAST và BNL. Chuyến thăm này do Battelle và Nhật bản tài trợ. Battelle là một trong hai cơ quan quản lý của BNL.

Các nghiên cứu cho thấy trong thời đại kinh tế trí thức, khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của một quốc gia. Tuy vậy, chúng ta cũng không được quên tầm quan trọng của văn hóa. Tìm cách phổ biến văn hóa Việt Nam tại nước ngoài có thể giúp xây dựng tình hữu nghị quốc tế. Ví dụ, luật pháp Hoa Kỳ quy định tháng năm là “Tháng Châu Á”.  Tận dụng  điều luật này, tôi đã tìm cách phổ biến văn hóa Việt Nam tại nơi tôi sinh sống là Hạt Suffolk, New York, với gần 2 triệu dân. Tôi tình nguyện “quảng bá sự đa dạng của các sắc tộc” và được chọn tham gia Ban cố vấn về cộng đồng người Mỹ gốc Á của Hạt Sufolk (http://www.scaaab.org). Từ năm 2009, vào tháng năm hàng năm, Văn phòng điều hành Hạt Sufolk tổ chức ngày hội “Tháng di sản người Mỹ gốc Á” tại khuôn viên trường Đại học Quốc gia New York ở Stony Brook. Việt Nam là một trong 10 nước châu Á tham gia Lễ Hội. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Ngài Đại sứ, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc, New York, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam được giới thiệu sinh động tại Lễ Hội. Nhân viên của Phái đoàn đã phối hợp tổ chức biểu diễn ca múa nhạc truyền thống Việt Nam, giới thiệu lịch sử ẩm thực trà và cách pha trà Việt Nam. Đặc biệt, lá cờ đỏ sao vàng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tung bay trong ngày hội đã trở nên quen thuộc với cư dân Hạt Sufolk cũng như những du khách tham quan.

Những người tôi biết và gia đình của tôi đều vẫn thuần túy lắm. Tuy 2 con của tôi là người Việt sống ở Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn theo nền nếp giáo huấn của các cụ ngày xưa, đi thưa về gửi. Bây giờ các cháu đã có vợ con rồi nhưng trong gia đình vẫn giữ nề nếp trên dưới như truyền thống. Mình có giữ được nét văn hóa Việt Nam thì người ngoại quốc mới quý phục mình.

Là một phụ nữ kiều bào, tôi vui mừng được tham gia hỗ trợ , thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Phụ nữ kiều bào tại Hoa Kỳ rất nhiệt tâm trong việc hỗ trợ sự hợp tác về khoa học và công nghệ giữa hai nước. Tôi thấy các chị em bên Hoa Kỳ rất có tâm, nhiệt thành, muốn giúp đỡ, nhưng dù sao chúng tôi cũng như những con chim lẻ loi thôi, cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ và các lãnh đạo ở Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn được là cây cầu, chắp nối cho các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng ta có thể làm được nếu chúng ta đồng lòng. Một người vì mọi người – Mọi người vì một người”.

Ngự Bình (Ghi)