Thành phố Venise chuyển hướng vào du khách nội địa - Ảnh 1.

Chụp ảnh lưu niệm trên một cây cầu ở Venise ngày 4-5 - Ảnh: REUTERS

Tất cả các ngành nghề dịch vụ liên quan đều đóng cửa: nhà hàng, khách sạn, bảo tàng, cửa hàng cửa hiệu đã thiệt hại đến 1 tỉ euro và 10.000 lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Trên cả nước Ý, 1.500 bảo tàng trở nên lạnh tanh và hơn 330.000 nhà hàng phải đóng cửa, dẹp bàn ghế.

Từ ngày 10-3, hoạt động du lịch của Ý, ngành chiếm đến 15% số lao động và 13% GDP quốc gia với 232 tỉ euro, đã hoàn toàn đình trệ.

Người dân Venise nói chung đã bị chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Trước đây họ từng ta thán về nạn du lịch đám đông mang tính phá hoại di tích, với vô số tàu thuyền khuấy động những dòng kênh lừng danh hay ngập tràn các con phố cổ.

Nhật báo La Repubblica bình luận chua chát: "Giờ đây, ác mộng với người dân Venise lại chính là chuyện thấy xung quanh đóng cửa tất cả".

Thành phố Venise chuyển hướng vào du khách nội địa - Ảnh 2.

Từng có lúc hoạt động sông nước chính ở Venise chỉ là các tàu thuyền chở hàng hóa - Ảnh: REUTERS

Thị trưởng Luigi Brugnaro giờ cũng chẳng dám mơ mộng viển vông về thời hoàng kim với 86% lượng khách bình thường của thành phố kênh đào này là người nước ngoài.

Thành phố sống nhờ du lịch này đang phải chuẩn bị cho loại hình du lịch "hậu chiến", với số khách nội là chính. Hầu hết các điểm du lịch khắp nước Ý đều chọn cách thức này: đón khách nội.

Theo Hãng tin AFP, một thăm dò thực hiện hồi tháng 4 vừa qua cho thấy 7/10 người Ý được hỏi cho biết sẽ không đi du lịch trong mùa hè này, không chỉ vì lo dịch bệnh mà còn vì… hết tiền.

Nay để chuẩn bị đón lại khách nội, thành phố Venise chọn loại hình du lịch thông minh và không theo kiểu số đông, hướng đến những giá trị văn hóa cốt lõi của thành phố.

"Mùa hè này chúng tôi sẽ khởi động trở lại với việc cho mở cửa các bãi biển rồi đến tháng 9 thì cho mở Liên hoan phim Mostra thường niên", thị trưởng Luigi Brugnaro thông báo đầy hào hứng.

Không loại trừ nhân cơ hội này Venice sẽ tính toán việc chống lại "du lịch số đông": thị trưởng Luigi Brugnaro là người từng tính giải pháp đánh thuế du khách nước ngoài vào thăm Venice vừa để hạn chế số người đến vừa để có nguồn thu cho bảo tồn.

Thành phố Venise chuyển hướng vào du khách nội địa - Ảnh 3.

Hành khách chờ đi buýt sông ở Venise ngày 4-5 - Ảnh: REUTERS

Với người dân Venise, đại dịch cũng là dịp để họ có thể bình tĩnh tính lại cách bảo vệ cuộc sống, thay vì chọn cách bỏ đi (thống kê cho thấy trong 50 năm qua, đến 2/3 số dân gốc Venise đã bỏ đi nơi khác sống vì không chịu được sự ồn ào của du lịch số đông).

Theo Hãng tin AFP, trong những tuần gần đây nhiều người dân Venise đã cho đăng tải hình ảnh an bình của thành phố, những dòng kênh nước trong vắt, tĩnh lặng trở lại. Họ có vẻ đã chọn kiểu du lịch phát triển bền vững, có thể thiệt hại đôi chút nhưng chất lượng hơn.

Năm 2020 được dự báo cũng sẽ là một năm "mất trắng" đối với ngành du lịch Ý (94 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2019), đất nước sở hữu 55 di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận.

Theo dulich.tuoitre