Với nhiều người, chuyến du lịch thường mang đến niềm vui, giúp giải tỏa nhàm chán của cuộc sống thường ngày. Song với Arif Rafhan Othman - họa sĩ truyện tranh người Malaysia, chuyến hành trình qua các nước Đông Nam Á cùng bạn bè cách đây 20 năm mang đến cho anh nhiều trải nghiệm hơn dự tính, theo South China Morning Post.

Khi tới thăm TP.HCM (Việt Nam), nhóm bạn bắt gặp những thanh niên nghiện ngập trên đường phố.

Lúc dừng chân ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, nhóm của anh được phát tờ rơi có đồ họa với nội dung cảnh báo quan hệ tình dục với trẻ em là bất hợp pháp. Ban đầu họ cảm thấy khá hoang mang, nhưng sau đó hiểu tại sao cảnh báo trên là cần thiết.

te nan xa hoi cach day 20 nam anh 1

Trong chuyến du lịch xuyên Đông Nam Á cách đây 20 năm, họa sĩ Malaysia và nhóm bạn của mình bắt gặp nhiều tệ nạn xã hội mà trước đó không hề biết tới.

Một ngày, Rafhan và nhóm bạn bắt gặp một thiếu nữ đang "bán hoa", tình tứ với một người đàn ông lớn tuổi và để mặc ông ta đụng chạm cơ thể một cách nhạy cảm.

Tối hôm đó, khi trở về căn nhà thuê, họ nhìn thấy 2 bé gái, đều dưới 10 tuổi, đang đứng đợi dưới cột đèn và thoáng hiểu điều gì đang diễn ra.

20 năm trôi qua, ký ức ngày đó vẫn còn ám ảnh Rafhan.

"Mỗi lần nhớ lại, bụng dạ tôi cứ quặn thắt lại. Những đứa trẻ còn quá nhỏ và tương lai của chúng bị hủy hoại bởi những người được coi là khách du lịch có tiền. Thật tàn khốc", họa sĩ 43 tuổi, cha của 3 đứa con, bày tỏ.

Chính những ám ảnh đó đã thôi thúc Rafhan kể lại hành trình 2 năm đi dọc các nước Đông Nam Á của mình thông qua cuốn tiểu thuyết hình ảnh có tựa đề Reality B****slap.

Với tinh thần nhiệt huyết của những thanh niên 20 tuổi mới ra trường ngày đó, Rafhan cùng nhóm bạn muốn tự mình trải nghiệm và hiểu hơn về các quốc gia láng giềng. Trước đó, tất cả điều họ thấy khi đi học chỉ là những con số thống kê, so sánh.

Kế hoạch ban đầu của họ rất đơn giản: chỉ muốn ăn uống, mua sắm, thư giãn và vui vẻ cùng nhau. Trong cuốn sách, Rafhan kể lại nhiều câu chuyện dở khóc dở cười của chuyến đi. Đó là khi cả nhóm bị ép vào một nhà thổ ở Thái Lan hay ngây thơ và thử một chiếc "pizza hạnh phúc" được tẩm cần sa ở Campuchia.

Thế nhưng, họ không hề chuẩn bị tinh thần cho những vấn đề nhức nhối tồn tại phía sau những món ăn giá rẻ, cảnh sắc xinh đẹp, sự thân thiện của người dân ở các quốc gia này.

"Tôi muốn nhắc nhớ mình và các độc giả rằng vấn đề này có tồn tại. Chúng ta phải nhìn nhận rằng những người nghèo đang phải khổ sở ra sao. Đó như một cái tát thẳng vào những hiểu biết của tôi về các nước láng giềng", Rafhan nói.

Dù những câu chuyện đã diễn ra cách đây 20 năm, Rafhan cho rằng những vấn đề đó vẫn ảnh hưởng tới các quốc gia Đông Nam Á cho đến ngày nay, thậm chí có thể tồi tệ hơn nếu không được giải quyết.

"Nhiều nước đang nỗ lực để trở thành quốc gia phát triển nhất mà quên mất rằng trong quá trình đó cũng sẽ tạo ra nhiều vấn đề".

Song chuyến đi không phải chỉ toàn những chuyện buồn khổ, u ám. Rafhan kể nhiều điều tươi sáng, như lúc anh vui vẻ nhập cuộc với một nhóm đá cầu trong công viên ở Việt Nam. Hay có lần anh được mời tham gia buổi tập luyện âm nhạc truyền thống trên phố Yogyakarta, Indonesia.

Rafhan khẳng định anh không có ý bôi nhọ đất nước nào hay tỏ ra mình thanh cao. "Tôi không muốn tranh luận về vấn đề này, chỉ mong độc giả sẽ thức tỉnh và đồng cảm hơn với mọi người. Chúng ta đều phải vật lộn với cuộc sống và có chung mục tiêu là một cuộc tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình".

Theo Zing