Đến với TP.Vinh, bên cạnh những địa điểm du lịch như quảng trường Hồ Chí Minh, đền thờ vua Quang Trung..., du khách không nên bỏ qua một địa chỉ tham quan mang vẻ đẹp của sự hoài niệm - thành cổ Vinh.
Giữa nhộn nhịp, tấp nập của phố thị, những cổng thành cổ vẫn trầm mặc, mời gọi du khách khám phá những câu chuyện lịch sử xung quanh.
Trải qua thời gian, đến nay, thành cổ chỉ còn sót lại 3 cửa thành, gồm: cửa Tiền hướng về phía nam, cửa Tả hướng về phía đông, cửa Hữu hướng về phía tây. Mỗi cửa thành cách nhau 500m theo hình tam giác.
Trong ký ức của ông Lê Quang Vinh (69 tuổi, trú tại khối 1, P.Cửa Nam, TP.Vinh) thành cổ là nơi nghỉ chân, tránh nóng của người dân vì xung quanh có nhiều cây cao, bóng mát. Đến nay, thành cổ vẫn là sân chơi cho các trẻ em trong khu vực vào những ngày hè nắng nóng.
Du khách nên đến tham quan thành cổ Vinh vào buổi chiều tối, bởi đây là khoảng thời gian có bầu không khí mát mẻ, thoáng đãng. Khí đó, hệ thống đèn điện bật sáng, vẻ đẹp lộng lẫy của cổng thành cũng lộng lẫy, thu hút hơn.
Thành cổ có 6 cạnh, hình lục giác, cao khoảng 4,42m và có tổng diện tích khoảng 420.000m2. Hệ thống hào bao quanh thành rộng 28m và có độ sâu khoảng 3,2m. Người xưa thường gọi thành cổ Vinh là thành con rùa có 6 cạnh vì khi đứng trên núi Quyết nhìn xuống giống như con rùa.
Năm 1804 dưới thời vua Gia Long, thành cổ Vinh được xây dựng, thuộc xã Vĩnh Điện, phủ Yên Trường, tỉnh Nghệ An (hiện nay thuộc địa phận P.Cửa Nam, TP.Vinh). Đến năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng, thành đã được xây dựng với quy mô lớn bằng đá tổ ong kiên cố.
Năm 1998, thành cổ Vinh được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích quốc gia. Năm 2004, UBND TP.Vinh đã triển khai dự án tu bổ, phục hồi 3 cổng thành. Thành cổ Vinh là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Nghệ An trong dịp Người về thăm quê những năm 1957, 1961.
Theo Thanh niên