Hệ thống soát vé tự động tại các nhà ga.
Hệ thống tàu điện dày đặc nối liền Tokyo với các tỉnh lân cận như Saitama, Ibaraki, Kanagawa… và tàu cao tốc (shinkansen) huyền thoại đã đem đến cho Nhật Bản một văn minh tàu điện, đánh dấu vào lịch sử nhân loại về một phương tiện giao thông và cách quản lý giao thông hàng đầu thế giới, khiến cả những nước vốn tự hào về văn hóa tàu điện như Nga, Pháp, Mỹ phải nể phục.
Mật độ dày đặc
Có lẽ mật độ các chuyến tàu điện, shinkansen ở Nhật Bản được coi là dày đặc nhất thế giới. Ví dụ như ga Shinjuku ở Tokyo, một ngày đón tới hơn 3,6 triệu lượt hành khách thì cũng có thể hình dung ra các chuyến tàu đi các tuyến dày như thế nào.
Vào giờ cao điểm, mật độ còn dày đặc hơn, chỉ 1-2 phút/chuyến ở những tuyến chính. Các tuyến tàu cao tốc (shinkansen) tỏa đi khắp các địa phương Nhật Bản, đặc biệt là đi từ Tokyo tới khu vực Tohoku, Nigata, Nagoya, Osaka… dao động từ 4-10 phút/chuyến. Mật dộ dày với mục đích phục vụ hành khách một cách tốt nhất, hoàn toàn chưa tính tới chuyến tàu đó có đủ chỗ hay không.
Yên lặng gần như tuyệt đối
Dĩ nhiên, bạn sẽ không hề nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo trên tàu. Thậm chí các chuyến tàu còn cấm bạn nghe điện thoại. Đôi lúc có tiếng điện thoại reo, nhưng có lẽ đó là tiếng điện thoại của người ngoại quốc, hoặc một người Nhật Bản nào đó không có ý thức cho lắm. Ngay cả trên đường đi bộ, bạn cũng hiếm nghi nghe thấy tiếng điện thoại reo.
Và bạn có thể nói chuyện trên tàu nhưng không được to quá. Tuy nhiên, hầu như mọi người không nói chuyện. Vào những năm 2000, người đi tàu thường xuyên xem sách, đọc truyện manga.
Nhưng những năm gần đây, những chiếc điện thoại trở thành “người tình” khiến người đi tàu chỉ “tâm sự” riêng với nó. Đôi lúc sự yên tĩnh của khoang tàu khiến bạn có cảm giác vô cùng không thoải mái. Một tiếng cười to cũng có thể hàng trăm ánh mắt đổ dồn về phía bạn. Và bạn sẽ thấy rất xấu hổ.
|
Lịch tàu chạy chính xác đến từng giây. |
Không nhường ghế
Khoang tàu điện nào cũng có hai hàng ghế (6-8 chỗ tùy tàu) giành cho những người già, bệnh tật, phụ nữ có thai… Nhưng đôi lúc những chiếc ghế này vẫn “bị chiếm”. Đã lên tàu là bạn đứng hay ngồi là tùy thuộc vào số lượng khách đi tàu.
Người Nhật hiếm khi nhường ghế cho những người khác. Đơn giản họ cho rằng không muốn làm phiền người khác và người già thì họ nghĩ họ chưa vô dụng đến mức phải nhường.
Nhưng nếu bạn có chỗ ngồi và nhường cho một người già, hoặc phụ nữ có thai tất nhiên họ cũng sẽ cám ơn bạn. Nếu họ không sử dụng, bạn cũng đừng ngạc nhiên nhé, bởi chuyện đó hết sức bình thường ở Nhật Bản.
Sạch đẹp đến kinh ngạc
Không một sợi rác, giấy rơi trên tàu. Và cũng không có mùi hôi. Nếu đông quá, bạn chỉ thấy ngột ngạt do thiếu không khí mà thôi. Mùa Đông ấm ấp, mùa Hè mát lạnh. Tại các đường ray đợi tàu, bạn cũng khó có thể ngửi thấy mùi khí thải của tàu.
Hệ thống các nhà vệ sinh, lan can, cầu thang… không hề có bụi, bởi các nhân viên nhà ga luôn vệ sinh sạch sẽ. Đây cũng là điều mà người dân Nhật Bản luôn chọn tàu điện là phương tiện giao thông công cộng uy tín nhất.
Chính xác đến từng giây
Hiếm khi bạn bị trễ tàu, trừ phi có tai nạn giao thông. Điều này khiến cho hệ thống điều hành quản lý tàu điện Nhật Bản được cả thế giới khâm phục. Bạn cứ tưởng tượng xem trong 1 phút tại ga Tokyo, Shinjuku, hay Shibuya có hàng trăm chuyến tàu giao nhau như vậy, nếu không chính xác, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chính xác giờ là điều mà hệ thống điều hành cũng như người lái tàu khiến hành khách hài lòng.
Phục vụ chu đáo
Nếu hành khách là người tàn tật, và nếu người nhà thông báo với nhân viên phục vụ tàu ga đến, số toa tàu, thì hành khách đó đúng giờ sẽ được nhân viên của ga đến đón, đem tấm lót khe tàu để xe lăn có thể đi lại dễ dàng. Bạn sẽ không phải trả phí nào khác ngoài phí giao thông.
Nếu bạn lỡ bị choáng sẽ được nhân viên gọi xe cấp cứu, hoặc đưa về khu vực nhân viên trong ga. Nhưng nếu bạn là một anh say rượu, có hành vi không đúng mực thì cũng sẽ bị mời xuống ga gần nhất và cảnh sát “sẽ chăm sóc bạn” đến khi bạn tỉnh.
Theo Thế giới và Việt Nam