Thích làm video về ẩm thực
Anh Tùng Tùng Song (37 tuổi, người Malaysia gốc Hoa), hiện đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM, anh có vợ là người Việt. Trước khi chuyển sang Việt Nam từ tháng 6.2021, anh làm việc tại một trường đại học ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vì chính sách phong tỏa phòng Covid-19, anh không sang được Trung Quốc. Hiện tại, anh là YouTuber và thỉnh thoảng nhận việc phiên dịch.
|
Anh Tùng có vợ người Việt, sang Việt Nam sống từ tháng 6.2021
|
Anh Tùng có nhiều trải nghiệm về ẩm thực, văn hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…. Với cảm nhận riêng của mình được thể hiện qua những video nói bằng tiếng việt khá chuẩn, kênh Youtube của anh thu hút không ít người xem.
“Chủ đề món ăn thường được nhiều người quan tâm, bản thân tôi cũng thích những video chế biến đồ ăn nên muốn chia sẻ cảm nhận cho mọi người cùng xem mặc dù tôi không biết nấu ăn”, anh nói.
Anh cho biết, khi làm việc và du học ở Trung Quốc, anh gặp nhiều người bạn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Cũng từ đó, anh được họ giới thiệu trải nghiệm những quán ăn Nhật và Hàn, anh thưởng thức các món ăn một cách tỉ mỉ. Bản thân là người Hoa và giờ sinh sống ở Việt Nam nên có thể quan sát, cảm nhận văn hóa các món ăn ở đây. Đó cũng là lí do anh làm video đặc trưng về ẩm thực của các nước để giới thiệu tới mọi người.
“Vợ tôi làm việc ở ngoài, chỉ có tôi ở nhà nên thường xuyên tự nấu ăn. Tôi tự nhận không biết nấu ăn nhưng khi nấu thường sẽ dùng nước mắm, nước tương đậu nành làm gia vị. Nếu đi ăn quán, tôi cũng vào những quán ăn bình thường, không phải nhà hàng cao cấp”, anh chia sẻ.
Bánh mỳ cũng là một trong những món anh ăn thường xuyên, mỗi tuần một lần vào buổi sáng. Theo anh, ở Phương Tây và Malaysia cũng có bánh mì nhưng ở Việt Nam món ăn này trở nên độc đáo vì bỏ thêm nhiều nguyên liệu như heo quay, rau thơm,…
“Tôi thấy rằng ăn hamburger không cần chú trọng rau, phô mai và thịt nhưng với bánh mì ở Việt Nam rau rất quan trọng. Bánh mì là món kết hợp nhiều nguyên liệu lại với nhau”, anh chia sẻ.
“Đặc trưng món ăn Việt là dùng gia vị”
Anh Tùng cho biết, món ăn yêu thích khi ở Việt Nam là bún chả vì có thịt viên và thích ăn bánh xèo vì có vỏ giòn giòn. Đối với anh, đặc trưng của món ăn Việt mà người nước ngoài dễ nhận ra là thích ăn rau sống, nước mắm và nội tạng. Anh nhận ra mỗi món ăn phải có một nước chấm thích hợp như bún đậu với mắm tôm, bánh xèo với nước mắm, đồ cuốn với nước tương đậu phộng.
|
Theo anh, đặc trưng của ẩm thực Việt Nam là có nhiều gia vị khác nhau
|
Anh chia sẻ, món ăn Trung Hoa coi trọng kỹ năng dùng lửa, món ăn Hàn Quốc coi trọng kỹ năng dùng tay còn kỹ năng dùng dao là điều quan trọng với món ăn Nhật Bản. Ở Việt Nam, đặc trưng của món ăn Việt là cách sử dụng gia vị. Lúc đầu, anh nghĩ làm nước chấm rất đơn giản chỉ dùng muỗng khuấy đều nhưng thực tế cách nắm bắt tỷ lệ từng loại gia vị rất khó.
“Tôi thấy rằng hương vị độc đáo của món ăn Việt là sự kết hợp của vị tươi ngon. Tươi là vì đồ ăn rất tươi, ngon là bởi nước chấm rất ngon. Nước chấm điển hình nhất trong món ăn Việt là nước mắm với đường, chanh, tỏi ớt tạo ra một hỗn hợp gia vị mà không nước nào có được”, anh cho hay.
Một điểm khác biệt của ẩm thực Việt Nam là các quán phở chỉ bán phở thay vì bán bún, hủ tiếu đi kèm. Anh thường thắc mắc tại sao không bán các món làm từ gạo cùng nhau nhưng trải nghiệm một thời gian anh biết rằng, mỗi món đều có nước dùng, cách cho gia vị khác biệt.
“Tôi cũng lấy đồ cuốn để có những cảm nhận về ẩm thực, văn hóa Việt Nam nhưng thú thực tôi vẫn không quen dùng tay cuốn đồ ăn. Mỗi lần ăn đồ cuốn, nếu không có ai cuốn giúp sẽ khiến tôi đau đầu. Đối với tôi, dùng tay cuốn đồ ăn khó hơn dùng đũa gắp”, anh chia sẻ.
Anh cho rằng, đối với người phương Tây, món ăn đặc trưng của Việt Nam là phở vì họ ít làm sợi bún, phở trong canh nóng. Còn người phương Đông, món ăn phổ biến là đồ ăn có tính mát như đồ cuốn, bún chả,…
“Vì tôi là YouTuber nên ấn tượng với con người không nhiều bằng tiếp xúc với dân mạng. Tôi rất cảm ơn cộng đồng người Việt đã ủng hộ tôi dù tôi nói tiếng Việt chưa chuẩn giống người ở đây. Tôi hi vọng những chia sẻ quan điểm cá nhân sẽ giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa, ẩm thực giữa các nước, các vùng miền”, anh nói.
Theo Thanh niên