Ảnh minh hoạ

Nhiều người tự hỏi vì sao con cái của họ ít cười nói vui vẻ, đứa trẻ dường như quá khép kín, thu mình. Lý do có thể xuất phát từ chính nội tại gia đình, nơi đứa trẻ không tìm thấy những cảm xúc tích cực. Dưới đây là 4 kiểu gia đình không thể nào có những đứa con hạnh phúc, vui vẻ:

1. Gia đình thường xuyên cãi nhau

Mặc dù cha mẹ nghĩ rằng việc họ cãi nhau "chẳng liên quan gì tới con cái", nhưng kỳ thực xung đột của họ lại ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý đứa trẻ. Khi bố mẹ cãi nhau, trẻ rơi vào cảm giác bất an, trẻ cho rằng nơi trú ẩn an toàn nhất là vòng tay cha mẹ không còn tồn tại.

Nếu những cuộc cãi vã, mâu thuẫn diễn ra thường xuyên, trẻ đi từ cảm xúc ban đầu là sợ hãi, muốn "van nài" bố mẹ thôi khẩu chiến, sau đó là đến chán nản, mặc kệ, không còn đánh giá cao ý nghĩa của gia đình.

Sống lâu dài trong một gia đình không thuận hòa, trẻ gia tăng thái độ hung hăng, sự phát triển tính cách, cảm xúc tự nhiên trở nên méo mó. Trong cuộc sống tương lai, trẻ thiếu tin tưởng vào người khác, tính khí thất thường, không trân trọng tình yêu, hôn nhân, vì bố mẹ chúng ngày xưa cũng như vậy.

2. Gia đình không biết nói lời yêu thương

Ngôn ngữ là công cụ tuyệt vời để truyền đạt cảm xúc, để bày tỏ tình yêu thương. Khi cha mẹ nói với con cái những lời tích cực, tâm trạng của con trẻ cũng thay đổi theo chiều hướng tương tự, và ngược lại, khi phụ huynh dành cho con những lời căng thẳng, nặng nề, tâm lý đứa trẻ cũng ảnh hưởng theo.

Rất nhiều cặp cha mẹ vì áp lực thành tích, vì mong muốn con tốt hơn... mà dành cho con những lời mỉa mai, so sánh mang tính khích bác, thiếu tính xây dựng. Đây vốn là "phương pháp giáo dục truyền thống", được định nghĩa là "phương thức giáo dục đả kích", ví dụ: Khi con học kém hay làm việc gì đó không xong, cha mẹ nói: "Việc đơn giản cũng không làm nổi, vô dụng, ngu dốt như con lợn". Khi con muốn bắt tay vào thử việc gì đó, cha mẹ nói: "Mày muốn làm việc đó ư, thôi quên đi, bố mẹ nghĩ mày chỉ háo hức vài phút là lại chán thôi".

Người lớn nghĩ rằng đây là một chiêu "khiêu khích", khiến trẻ cố gắng làm tốt để chứng tỏ, nhưng kỳ thực với con, đó là sự công kích gây tổn thương to lớn. Thế nên người ta đúc kết, tổn thương cha mẹ gây ra cho con cái không chỉ là ở hiện tại, mà còn kéo dài trong nhiều năm, như cái kim đâm sâu vào trái tim trẻ.

3. Một gia đình coi thường giá trị của người vợ - người mẹ

Gia đình được xây dựng trên nền tảng đầu tiên, chính là mối quan hệ giữa người chồng và người vợ. Đây là mối quan hệ quan trọng, giá trị hơn tất cả các mối quan hệ khác, bao gồm quan hệ cha mẹ với con cái.

Trong một gia đình, nếu giá trị của người phụ nữ không được đề cao, người chồng không dành cho vợ sự tôn trọng, thì rất khó để có một tổ ấm hạnh phúc đúng nghĩa. Nếu quan hệ vợ chồng không hạnh phúc, không thể nào có quan hệ bố mẹ và con cái tốt, đây luôn là một quy luật dễ hiểu của cuộc sống. Lý do, khi người mẹ, người vợ không được đề cao, tiếng nói không có giá trị trong gia đình, vai trò giáo dục của người mẹ với con cái sẽ không còn ý nghĩa. Trẻ ngẫu nhiên coi thường mẹ, bỏ qua những lời dạy dỗ của mẹ, thậm chí cãi láo. Theo thời gian, đứa trẻ chẳng chịu nghe ai.

Một tình huống không phải là hiếm, người đàn ông thường xuyên đánh vợ trước mặt con cái. Đứa bé trai hồi nhỏ rất khiếp nhược khi chứng kiến cảnh đó, nhưng lớn lên, nó bắt đầu giống bố. Nó thậm chí còn dùng giọng điệu của bố để mắng mẹ. Khi trưởng thành, nó hung hăng, hỗn láo, làng xóm láng giềng ai cũng tránh mặt, cha mẹ ở nhà cũng không kiểm soát nổi.

Một trường hợp khác, một phụ nữ kể rằng chồng cô là "nạn nhân" của một gia đình bố mẹ suốt ngày cãi vã, đánh nhau, thế nên khi trưởng thành, anh cũng nóng nảy, dễ "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với vợ. Người phụ nữ kể, có lần vợ chồng cô về thăm bố mẹ chồng, cô thấy bố chồng quát nạt, chửi mắng mẹ chồng, cảnh tượng y hệt như những gì chồng cô làm với cô. Điều đó khiến cô hiểu, mọi thứ đều có gốc rễ của nó.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, con trai có xu hướng học theo bố, thế nên nếu người bố tốt, đối xử với vợ tốt, người con trai cũng sẽ là một hình mẫu lý tưởng, và ngược lại, nếu bố chúng từng có tiền sử ứng xử tiêu cực trong gia đình, con cái lớn lên sẽ dễ là người nổi loạn, nóng nảy, dễ làm tổn thương người khác.

4. Gia đình "cuồng điện thoại"

Khi trẻ làm bài tập về nhà, bạn mải lướt điện thoại. Khi trẻ đọc sách, vui chơi, bạn cũng ngồi một chỗ chat, lướt web. Khi trẻ muốn bạn tham gia chơi với chúng, bạn nổi cáu lên, nói chúng "Hãy tự chơi đi, bố/mẹ bận lắm"...

Thời đại "công nghệ số" hiện nay, mọi người càng gắn kết chặt chẽ với chiếc điện thoại, thậm chí không ngồi yên được nếu thiếu điện thoại. Nhưng khi đồng hành với smartphone, bạn lại quên mất việc đồng hành với con.

Sự thật là: Khi bạn ở bên con trong 30 phút, điều đó hữu ích hơn rất nhiều so với cầm điện thoại trong vài giờ đồng hồ. Việc cắm mặt vào điện thoại có thể khiến bạn bỏ qua nhiều tương tác giá trị cho sự phát triển của trẻ, khiến khả năng bộc lộ cảm xúc của trẻ yếu đi (vì phải tự chơi một mình). Hơn thế nữa, con cái là bản sao của bố mẹ, chúng bắt chước bố mẹ. Nếu bạn tập trung vào các thiết bị công nghệ, trẻ cũng thế, dần dần trở nên say mê điện thoại di động, và điều này không tốt một chút nào cho đứa bé.

Theo vnexpress