Có 5 nguyên tắc bạn phải thực hiện nếu muốn đạt được nhiều thành tựu trong công việc.
Không có việc làm ổn định, chỉ có năng lực ổn định
Gần đây, trên trang hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu, một người dùng mạng đặt câu hỏi: "Tôi nhận được hai cơ hội việc làm, làm ở công ty nước ngoài sẽ nhận được lương gấp ba lần so với làm cho doanh nghiệp nhà nước, tôi nên chọn cơ hội nào?". Trong hàng trăm bình luận, số lớn khuyên người này nên vào doanh nghiệp nhà nước, bởi tính ổn định.
Cái gọi là "công việc ổn định" có hai ý nghĩa: Một là không sợ bị thất nghiệp, hai là có thể bảo đảm đầy đủ nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên làm một công việc ổn định không có nghĩa chỉ cần có được công việc đó là bạn sẽ kê cao gối ngủ, vô lo vô nghĩ. Thế gian này không có công việc nào là tự nhiên ổn định, điều mà chúng ta thực sự cần là năng lực kiếm sống ổn định. Và đằng sau năng lực ổn định là học, học nữa, học mãi.
Muốn rèn luyện mình trở thành một người chuyên nghiệp, có năng lực ổn định, bạn phải luôn tự hỏi bản thân đã học được điều gì mới, đã mở mang hiểu biết chưa. Điều thúc đẩy bạn thay đổi là sự tự tin, là năng lực không thể thay thế, và dũng khí bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm những điều mới lạ, tiếp nhận thử thách.
Không mặc định việc nhỏ là của mình
Ở công sở, nhiều người khuyên nhau: "Phải làm tốt những việc nhỏ, bạn mới được tin tưởng để làm việc lớn". Điều này không sai nhưng cũng không phải luôn luôn xảy ra trong đời thực.
Nếu bạn thường xuyên làm những việc nhỏ nhặt, mọi người sẽ coi đó là một phần nhiệm vụ đương nhiên phải đảm nhận. Công ty nào cũng có những việc nhỏ không tên. Nếu bản thân bằng lòng với việc làm đó trong thời gian dài, bạn có nguy cơ bị đóng khung là một người chỉ làm những việc nhỏ. Để không rơi vào cái bẫy này, mọi người nên học cách chủ động và nỗ lực cho những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Tim Draper là người sáng lập DFJ Global Network, hoạt động đầu tư mạo hiểm trên quy mô toàn cầu. Ông đã giải thích với các nhà doanh nghiệp trẻ rằng ông chỉ đầu tư vào con người giải quyết những vấn đề lớn, bởi vì chỉ có giải pháp lớn mới dẫn đến thay đổi thực sự và cơ hội lớn lao.
Ở nơi làm việc, "kỷ luật là sức mạnh"
Nhiều người cho rằng, nghe lời là biểu hiện của sự nịnh bợ cấp trên, nên ra sức dè bỉu, chế giễu. Tuy nhiên, nếu không nhờ kinh nghiệm của người đi trước, không chịu khó học hỏi và giao tiếp với tiền bối, bạn sẽ chẳng hoàn thành tốt công việc.
Bất kỳ ai ở vị trí lãnh đạo cũng phải trải qua khoảng thời gian học hỏi người đi trước. Để trở thành một người có năng lực, phải học hỏi từ tiền bối và tham khảo sự góp ý của họ.
Ở nơi làm việc, nhiều người không hiểu chân lý này. Họ có thể hợp tác tốt với đồng nghiệp nhưng luôn tỏ thái độ ghét sếp, nên kém hiệu quả trong công việc. Tuy nhiên, nếu luôn ở trạng thái đối đầu như vậy, bạn sẽ không tập trung được vào công việc và hoàn thiện bản thân.
Phải cho người khác biết bạn đã làm việc tốt
Nhiều người có suy nghĩ "Chỉ cần có năng lực, cấp trên sẽ nhìn ra". Nhưng nếu chỉ cắm đầu vào làm mà không lên tiếng thì khả năng thăng chức của bạn rất khó xảy ra. Nguyên nhân, là dù bạn giỏi đến đâu, cũng ít người biết tới.
Một cô gái từng chia sẻ trên mạng xã hội Zhihu của Trung Quốc, cô làm việc rất chăm chỉ, đi sớm về muộn. Thậm chí không dùng điện thoại riêng, bữa trưa chỉ ăn qua loa để sớm hoàn thành công việc. Cô gái nghĩ nếu chăm chỉ và cố gắng như vậy sẽ sớm được thăng chức giám đốc bộ phận. Tuy nhiên nửa năm sau, người khác lại giành mất vị trí này. Nguyên nhân không phải do thành tích của cô gái yếu kém mà bởi người sếp thường xuyên vắng mặt tại công ty, hoàn toàn không biết những cố gắng của cô. Trong khi đó, người mới được thăng chức lại thường xuyên kết nối và trao đổi với cấp trên, tìm mọi cách để giao tiếp với lãnh đạo.
Một người có EQ cao không chỉ chăm chỉ làm việc mà còn cho người khác biết mình đã hoàn thành tốt công việc đó. Cách thể hiện tích cực và đúng đắn kết quả đạt được cũng là một khả năng, đặc biệt tại nơi làm việc.
Không ngại mất thể diện
Chẳng ai muốn bị chỉ trích hoặc bị đồng nghiệp hay cấp trên khinh thường. Bởi vậy, nhiều người luôn giả vờ mình có năng lực nhưng thực chất lại không đủ khả năng để giải quyết công việc. Nếu không chịu khó lắng nghe những lời nhận xét của mọi người để thay đổi và cố gắng, năng lực cũng như đường công danh của bạn cũng chẳng thể tiến xa.
Những người có EQ cao thường không quá quan tâm tới thể diện tại nơi làm việc. Bởi họ nhận thức được bản thân còn nhiều hạn chế, vẫn phải học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm để phát triển. Họ cũng hiểu rằng, cấp trên hay đối tác cũng chẳng quan tâm tới lòng tự trọng hay thể diện của họ mà chỉ quan tâm tới hiệu quả và thái độ trong công việc mà thôi.
Trong công sở, không chỉ cần có năng lực làm việc mà đôi khi cần có tài hùng biện, tầm nhìn, trí tuệ cảm xúc và chiến lược. Với khả năng hùng biện tốt, bạn có thể diễn đạt những điều mình muốn nói dưới hình thức mà đối phương thích nghe mà vẫn có thể duy trì tình cảm của đôi bên, để người khác hiểu bạn và tăng khả năng đàm phán thành công.
Với tầm nhìn xa, bạn có thể tìm ra hướng đi của mọi thứ, tìm ra chìa khóa để bẻ khóa và nhận được kết quả gấp đôi với một nửa nỗ lực.
Khuôn mẫu và chiến lược sẽ cho phép bạn đi đúng đường và nhận được sự tin tưởng của người khác.
Theo vnexpress