|
|
Các bậc phụ huynh được hưởng lợi từ tuần làm việc chỉ 4 ngày. Ảnh minh họa:Nicola Brats/Pexels. |
“Mỗi khi rời khỏi văn phòng vào thứ 5 và kết thúc tuần làm việc, tôi phải tự véo mình một cái để kiểm tra xem đây có phải sự thật hay không”, Ian Gifford, một nhà thiết kế tại công ty công nghệ tài chính Atom Bank, nơi bắt đầu triển khai một tuần chỉ 4 ngày làm việc vào mùa hè năm ngoái, chia sẻ.
Trong 4 ngày làm việc, anh sẽ dành 2 ngày đi từ nhà ở Newcastle Upon Tyne đến công ty đặt trụ sở tại thành phố Durham (Anh). Với 2 ngày còn lại, anh làm việc từ xa.
Đồng thời, Gifford và vợ, người điều hành một doanh nghiệp tư vấn và cũng làm việc 4 ngày/tuần, sẽ phân chia nhiệm vụ đưa đón con đi học và chăm sóc gia đình, Wired đưa tin.
“Sau đó, vào các ngày thứ 6, chúng tôi sẽ có khoảng thời gian chất lượng để thực hiện những công việc cá nhân trong khi bọn trẻ ở trường học”, anh cho biết.
Chuyển sang tuần làm việc 4 ngày cho phép Gifford tiếp tục thực hiện những hoạt động anh từng thích làm với hai đứa con, lần lượt 11 và 8 tuổi, từ hồi đại dịch. Anh sẽ góp mặt trong các lớp học trực tuyến của chúng, tự học lại đại số và các phương trình để giúp đứa lớn nhất làm bài tập về nhà.
Nhìn chung, tuần làm việc 4 ngày đang mang lại những kết quả tích cực, không chỉ riêng người lao động mà còn cho các công ty và cả xã hội. Điều này được thể hiện qua cuộc thử nghiệm lớn lớn nhất từ trước đến nay về mô hình này.
Ai cũng được hưởng lợi
4 Day Week Global, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New Zealand, đã chạy thử nghiệm trong 6 tháng với 61 nơi làm việc ở Vương quốc Anh, từ tổ chức từ thiện, nhà sản xuất, công ty tài chính đến cả cửa hàng bán đồ ăn nhanh.
Kết quả của các cuộc khảo sát được thực hiện trước và sau cuộc thử nghiệm, được công bố vào tháng 2, cho thấy nhân viên giảm căng thẳng, ngủ ngon hơn và cân bằng giữa công việc - gia đình dễ dàng hơn.
Các doanh nghiệp cũng hưởng lợi, Số ngày nghỉ phép giảm 1/3 và tỷ lệ tiêu hao lực lượng lao động giảm 57%. Hầu hết năng suất công ty đều được duy trì và cải thiện. 92% trong số các công ty tham gia thử nghiệm đã kéo dài thời gian thực hiện mô hình làm việc 4 ngày/tuần hoặc áp dụng vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, chương trình thử nghiệm còn phát hiện ra một nhóm đặc biệt được hưởng lợi khi dành ít thời gian ở văn phòng hơn: những người cha. Dựa trên nhật ký thời gian của từng cá nhân, thời gian nam giới dành cho việc chăm sóc con cái đã tăng 27%, so với mức tăng 13% của nữ giới.
|
|
Mất cân bằng giữa công việc và đời tư khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh áp lực, ảnh hưởng tinh thần. Ảnh minh họa:New York Times. |
Theo Jasmine Kelland, giảng viên quản lý nguồn nhân lực và là người đứng đầu chương trình tại Đại học Plymouth, đại dịch đã dẫn đến sự tái cân bằng chung về các nhiệm vụ chăm sóc gia đình.
Khi phỏng vấn các bậc phụ huynh về tác động giới của Covid-19 cho một dự án bắt đầu vào năm 2020, Kelland và nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều ông bố thích dành thêm thời gian cho con và muốn tiếp tục duy trì việc này.
“Đó là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi thói quen của các ông bố, chỉ ra rằng họ phải tham gia nhiều hơn vào công việc chăm sóc con cái do hậu quả của đại dịch”, bà nói.
Thêm thời gian bên gia đình
So với các bà mẹ, những ông bố thường có ít sự hỗ trợ hơn ở nơi làm việc. Họ cũng ít có khả năng tìm kiếm các công việc giảm giờ làm hoặc bán thời gian để giúp chăm sóc gia đình.
Mark Russell mới chỉ làm việc theo mô hình 9 ngày/2 tuần - một phương pháp thay thế mới không được đề cập trong thử nghiệm - được một tháng, nhưng anh đã cảm nhận được những lợi ích mà nó đem lại.
Với mô hình này, Russell, trưởng nhóm thiết kế sản phẩm tại Otta, một nền tảng tìm kiếm việc làm kỹ thuật, sẽ nghỉ vào các thứ 6.
“Tôi có thể làm những việc như đưa con đi học, đi chơi với các con vào cuối tuần và hào hứng với những gì chúng tôi sẽ làm”, anh nói.
|
|
Ngoài 8 tiếng ở văn phòng, một số người phải mất 1-2 tiếng hàng ngày để di chuyển tới chỗ làm, khiến họ trở về nhà trong tình trạng kiệt sức. Ảnh minh họa:Manchester Evening News. |
Thông thường, mỗi khi con cái ốm đau hay phải nghỉ học, anh sẽ phải xin nghỉ làm hoặc nhờ nhà ngoại giúp đỡ. Hiện nay, việc được nghỉ thứ 6 sẽ giúp anh giảm một số áp lực và khiến ông bố này gắn kết hơn với gia đình.
Anh cũng bày tỏ nỗi dằn vặt vì không dành đủ thời gian bên cạnh vợ để động viên tinh thần cô trong những thời điểm khó khăn. Anh thừa nhận đây là một “điều khó khăn để giải quyết”.
“Bạn sẽ chẳng nhận ra lũ trẻ lớn nhanh như thế nào đâu. Trên nhiều phương diện, tôi cảm thấy mình đã bỏ lỡ quá trình lớn lên của đứa con đầu lòng 8 tuổi. Tôi thường rời khỏi nhà khi con bé còn say giấc và chỉ về nhà khi nó đã ngủ”, anh chia sẻ.
Giảm gánh nặng tài chính
Tuần làm việc 4 ngày còn đem lại lợi ích về mặt tài chính cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là ở Vương quốc Anh, nơi chi phí chăm sóc trẻ cao thứ 2 thế giới, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chi phí sinh hoạt cũng đã tăng lên đáng kể.
Đây là nguyên nhân khiến Jack Darracott, nhà phát triển ứng dụng website, yêu cầu chủ lao động là công ty Marketing Signals giảm giờ làm việc. Doanh nghiệp này cũng tham gia chương trình thử nghiệm của 4 Day Week Global.
“Tôi sẵn sàng chấp nhận cắt 20% lương để giảm giờ làm. Nhưng khi đề xuất, phía công ty nói rằng họ đang tham gia thí điểm, nên tôi có thể nghỉ các ngày thứ 5 mà vẫn nhận lương đầy đủ”, anh nói.
Điều này đã hỗ trợ gia đình Darracott rất nhiều. Họ không chỉ có nhiều lựa chọn nhà trẻ ở Leeds (Anh) hơn mà còn có thể giảm chi phí sinh hoạt.
Dịch vụ chăm sóc trẻ toàn thời gian sẽ có giá 70-80 bảng Anh/ngày (85-97 USD), tức vợ chồng Darracott phải chi 400 bảng/tuần. Nhưng hiện họ tìm được nơi phù hợp với, với giá 50 bảng/ngày và tiết kiệm được 200 bảng/tháng nhờ người chồng ở nhà vào thứ 5.
Sau 10 tháng làm việc theo mô hình mới, Darracott cảm thấy mối quan hệ với cậu con trai nhỏ trở nên bền chặt hơn. Anh cho biết trước đây, anh không có đủ năng lượng để tương tác với con khi phải đi làm 5 ngày/tuần, với mỗi ngày mất 2 tiếng đi từ nhà tới công ty.
Jeremy Davies, trưởng bộ phận tác động và truyền thông tại tổ chức nghiên cứu Fatherhood Institute, cho biết các bậc cha mẹ ở Vương quốc Anh nói riêng đang rất cần hỗ trợ và sự linh hoạt hơn ở nơi làm việc. Số phụ nữ không đi làm để có thể chăm sóc gia đình đã tăng 5% trong năm qua, đây là mức tăng liên tục đầu tiên trong ít nhất 30 năm.
Giảng viên Kelland cho rằng tuần làm việc 4 ngày có thể là bước tích cực hướng tới bình đẳng giới ở nơi làm việc, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
“Để đảm bảo phụ huynh được tiếp cận những phương thức lao động một cách bình đẳng, các công ty cần áp dụng hình thức làm việc 4 ngày/tuần cho tất cả nhân viên một cách thực lòng”, bà nói.
Theo zingnews