Từ lúc sinh ra đến khi chạm mốc 30 tuổi, cuộc đời của Shen Feifei (sống tại Thượng Hải, Trung Quốc) luôn đi đúng hướng. Cô tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu, tìm được việc làm tại công ty đa quốc gia và lập gia đình như mong muốn.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Cha mẹ của Shen được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và cần cô chăm sóc. Áp lực dồn nén khiến cô thường xuyên bị mất ngủ. Mái tóc đen bóng mượt dần ngả sang màu xám.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cha mẹ sẽ trở nên phụ thuộc mình. Tôi phải cùng họ đến gặp bác sĩ, quyết định kế hoạch điều trị, xoa dịu cảm xúc và đi thăm các nghĩa trang”, Shen nói với Sixth Tone.
Shen đã từng bị giáng chức 2 lần vì dành quá nhiều thời gian cho việc riêng. Cô đang lo lắng công ty sẽ sớm chấm dứt hợp đồng với mình.
Nếu điều đó xảy ra, vấn đề tài chính sẽ càng đè nặng lên gia đình Shen. Vợ chồng cô đã phải bán một căn hộ ở Thượng Hải trị giá 4 triệu nhân dân tệ (617.000 USD) để trang trải chi phí điều trị ung thư cho cha mẹ.
Câu chuyện của người phụ nữ 32 tuổi là cảnh ngộ chung của thế hệ con một tại xứ tỷ dân. Không ít người đang phải gánh chịu hậu quả từ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, theo Sixth Tone.
Nhiều người trẻ vừa đi làm vừa chăm sóc cha mẹ lớn tuổi. Ảnh: SCMP.
Áp lực đè nặng
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Theo ước tính của chính phủ, vào năm 2050, khoảng 1/3 số dân - gần 500 triệu người - sẽ từ 60 tuổi trở lên. Đó là một sự chuyển đổi tạo ra những thách thức lớn về kinh tế và xã hội.
Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người thuộc Millennial. Họ là “thế hệ con một”, được sinh ra trong thời kỳ chính quyền Trung Quốc thực thi chính sách một con trên toàn quốc, kéo dài từ cuối những năm 1970-2015.
Khi còn nhỏ, Millennial là tâm điểm chú ý duy nhất của cha mẹ và gia đình nội ngoại. Họ được đặt cho biệt danh "tiểu hoàng đế" với tính cách phổ biến là cáu kỉnh, hống hách và ưa quyền lực.
Thế hệ Millennial đứng trước nhiều áp lực vô hình. Ảnh: Sixth Tone.
Thế nhưng, điều này dần thay đổi. Các "hoàng đế nhỏ" từng được nuông chiều giờ phải chật vật lo toan, chu toàn cho gia đình riêng lẫn cha mẹ, ông bà ngày một già yếu. Họ không có anh chị em để san sẻ.
Trên thực tế, văn hóa và kinh tế Trung Quốc khiến trách nhiệm này thêm phần nặng nề hơn. Với những người có tài chính không vững vàng, họ khó có thể hỗ trợ người thân khi bệnh tật.
Theo luật pháp ở đất nước đông dân nhất thế giới, con cái lúc trưởng thành phải chăm sóc cha mẹ, hỗ trợ kinh tế và an ủi tinh thần khi họ về già.
Viện dưỡng lão hết chỗ
Các nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào các cơ sở chăm lo cho người cao tuổi nhưng họ vẫn phải vật lộn để bắt kịp tốc độ già hóa dân số.
Tại Thượng Hải, chính quyền địa phương đã tuyên bố sẽ cung cấp thêm 175.000 giường trong viện dưỡng lão vào năm 2022. Tuy nhiên, thành phố này đã vẫn không có cách nào để cung ứng đủ lượng nhu cầu của 5,8 triệu người cao tuổi.
Các viện dưỡng lão tư nhân và căn hộ hưu trí đang mọc lên khắp nơi. Nhưng chúng có giá tới 20.000 nhân dân tệ/tháng - gần gấp đôi thu nhập bình quân đầu người ở Thượng Hải.
Các thành phố đang thử các cách tiếp cận thay thế, tập trung vào cộng đồng để chăm sóc người cao tuổi. Ảnh: Sixth Tone.
Shen cùng với chồng và con trai 5 tuổi đã chuyển căn hộ gần nhà bố mẹ. Cô cũng thuê một số người chăm sóc tại nhà để hỗ trợ vài khung giờ trong ngày.
Tuy tình trạng của mẹ Shen đã ổn định sau 2 năm điều trị ung thư, bà vẫn phụ thuộc vào cô và đã sa thải nhiều người chăm sóc.
“Mẹ đã nói với tôi rằng bà chỉ muốn tôi chăm sóc, vì đó là nghĩa vụ của một đứa con gái. Mẹ gọi cho tôi một chục cuộc mỗi ngày. Bà ấy rất tức giận nếu tôi đang họp và không trả lời", Shen kể.
Về phía Shen, cô không muốn sự nghiệp bị dừng lại. Tiền lương giúp cô chi trả loại thuốc điều trị ung thư đắt đỏ.
Mắc kẹt giữa cha mẹ già và sự nghiệp
Trên mạng xã hội Douban, hàng nghìn người trẻ đã chia sẻ nỗi lo tương tự. Một nhóm hỗ trợ có tên “Tổ chức trao đổi chỉ dành cho người có cha mẹ về hưu” đã thu hút hơn 72.000 thành viên kể từ khi thành lập vào cuối năm 2019.
Giống như Shen, các thành viên cũng là con một. Dù đến từ các gia đình trung lưu, họ vẫn lo lắng về việc mình sẽ chăm sóc cha mẹ như thế nào, đặc biệt là khi họ gặp vấn đề sức khỏe.
“Nửa đêm, nghĩ đến cảnh mẹ ốm đau liên tục gọi tôi về chăm sóc mà tôi thấy đau lòng”, một dân mạng bày tỏ.
"Tôi cảm thấy rất bất lực sau vụ tai nạn xe hơi của cha. Tôi luôn được bố mẹ bảo vệ và không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu không có họ”, một người khác bình luận.
Yi, chuyên gia về nhân khẩu học, cho biết nhóm này gồm những người cảm thấy bị mắc kẹt.
Trong những thập kỷ gần đây, nhiều thanh niên Trung Quốc đã chọn cách xa quê hương, đến các thành phố lớn hoặc đi du học để theo đuổi ước mơ.
Theo Yi, không ít người trong số đó có cảm giác bị ràng buộc, lo lắng và bối rối về tương lai.
Ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Millennial buộc phải ở gần gia đình của họ. Ảnh: SCMP.
Leona Cheng (38 tuổi) không chắc liệu cuộc sống của mình ở Đài Loan có ổn hay không khi sức khỏe của người cha 75 tuổi dần suy giảm.
Cô cùng chồng rời khỏi Thượng Hải vào năm 2012 và họ đã có 2 đứa con. Điều Cheng lo lắng nhất hiện tại là cha cô không thể tự chăm sóc bản thân lâu hơn nữa.
Trí nhớ của ông dường như đang kém đi. Ông thường xuyên quên mã PIN của thẻ ngân hàng và giờ uống thuốc.
Cheng gọi điện cho cha mỗi ngày nhưng cô biết ông cần được giám sát chặt chẽ hơn. Cô đang tìm kiếm giải pháp chăm sóc lâu dài và đã tính đến việc đưa ông vào viện dưỡng lão.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến dự định của Cheng ngừng lại. Cô phải trở về Thượng Hải để giúp cha hoàn thành kiểm tra sức khỏe và một số thủ tục hành chính khác trước khi ông được nhận.
“Tôi không được nghỉ phép trừ khi thôi việc. Điều đó sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho gia đình tôi. Bây giờ, tôi không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi”, Cheng nói.
Theo Zing