Đêm sau lễ tang của bố, lần đầu tiên anh Nguyễn Minh Hùng, 40 tuổi, lật cuốn sổ bạc màu dày đặc chữ của ông. Đó là cuốn sổ ghi chép ngày giỗ của các cụ, kị trong họ, dài cả chục trang, các bài văn khấn... mà một trưởng họ như bố phải thuộc lòng. Nay ông mất, đương nhiên Hùng cũng phải thuộc. Tay anh run run, nước mắt chảy dài: "Cha đi quá đột ngột nên con chới với!".

Cuốn sổ này bố anh soạn khi anh mới đi làm ở Hà Nội. "Phải thuộc dần đi con ạ, rồi chẳng mấy lúc mà đến lượt mày", ông hay nhắc, nhưng anh con trai cứ gạt đi.

Những đứa trẻ con một được cha mẹ yêu chiều lúc bé, nhưng gánh trách nhiệm nặng nề khi lớn lên. Ảnh minh họa: QQ.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, đứa trẻ là con một được cha mẹ dồn tất cả tình yêu nhưng kỳ vọng của gia đình lên chúng cũng cao.

"Trong văn hóa Việt Nam, trách nhiệm chung của những đứa con là hiếu thảo với bố mẹ, thờ phụng tổ tiên, học hành phải giỏi giang... Gia đình khá giả còn đỡ, nếu sinh ra trong gia đình nghèo, đứa con một còn phải vật lộn để thoát nghèo và chăm sóc cha mẹ ốm đau", bà Hồng nói.

Khi Hùng tốt nghiệp đại học, nửa năm không kiếm được việc làm, cha anh bỏ việc nhà nông, gói tiền, bắt xe ra Hà Nội tìm người quen xin việc cho con. Một năm sau, Hùng có "chân" trong trường cấp 2 mà anh đang công tác.

Anh lấy vợ cũng là giáo viên, mua nhà chung cư, dù nợ 2/3 tiền, theo đúng kỳ vọng của cha mẹ. Nhưng sinh hai con gái trong hai năm, đồng lương giáo viên eo hẹp, cha ốm nặng, Hùng âm thầm bán nhà, ra ở trọ.

Anh định " bỏ phố về quê", vừa có thời gian lo cho cha, vừa lo nhang khói cho tổ tiên, lại trút áp lực tài chính nơi phố thị. Nhưng một chiều cuối tuần, khi vừa xách vali vào cửa nhà, anh Hùng thấy khói từ sau vườn nghi ngút. Cha anh đang đốt hết cày, cuốc, bộ quần áo hay đi làm đồng. "Bố có chết cũng không muốn con cháu mình theo nghiệp cha, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", ông buông lời khi con chưa kịp hỏi.

Tâm nguyện của cha Hùng là có cháu đích tôn. Từ lúc biết mình bạo bệnh, khát khao đó càng mãnh liệt. Một buổi tối giữa tuần, đang trong ca dạy thêm, anh nhận được điện của ông, giọng hối thúc: "Đứa hàng xóm cũng hai con gái, giờ canh trứng bầu con trai rồi. Các con thu xếp về gấp hoặc gọi cho chị ấy học hỏi kinh nghiệm. Lấy giấy bút ra bố đọc số điện thoại".

Những ngày sau đó, vợ chồng anh sợ khi thấy chuông điện thoại báo tên ông.

Là con gái duy nhất trong gia đình, gánh nặng đổ dồn xuống Mai Phương (26 tuổi) khi bố lâm bệnh.

Cách đây hai tháng, bố Phương bị đột quỵ. Trong danh bạ điện thoại có hơn 100 người khi đó, mẹ cô không biết gọi cho ai. Con gái duy nhất lại đang làm ở một công ty xây dựng tại Nha Trang.

Chỉ khi sang gõ cửa nhà hàng xóm lúc nửa đêm, ông mới được đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bố Phương bị chảy máu não. "Điều sợ hãi nhất với tôi khoảnh khắc đó là không được nhìn thấy bố lần cuối nếu chẳng may ông mất", Phương nhớ lại lúc nhận tin.

Sau vài ngày, bố cô tỉnh lại nhưng hồi phục chậm. Hai mẹ con không dám rời nửa bước. Ông thường cáu gắt vô cớ, thậm chí có lần hất tung bát cháo mới mang từ nhà đến. Bế tắc, nhiều lúc, cô chui vào nhà vệ sinh khóc. Nhưng chỉ cần nghe điện thoại mẹ gọi, Phương lại gạt nước mắt vì sợ bà buồn. "Lúc đó tôi chỉ ao ước có anh chị em để được san sẻ áp lực. Ít nhất không phải chui vào một nơi nào đó để khóc thầm".

Mai Phương quay cuồng lo đủ tiền đóng viện phí. Ngoài khoản tiết kiệm của bố mẹ, cô phải rút hết tiền gửi ngân hàng. Đó cũng là lần đầu tiên Phương phải vay tiền bạn bè. "Nếu bị xe đụng trên đường, tôi được giải thoát và bố mẹ sẽ được đền bù", ý nghĩ đó từng hiện lên trong đầu cô khi công việc quá khó khăn, bị stress.

Nhưng mỗi lần nghĩ đến cảnh hai người già ngồi đợi con về, Phương cố gạt đi. "Là con một nên giờ tôi không dám nghèo, không dám mệt mỏi, không dám lấy chồng xa, vì bố mẹ chỉ có mình tôi", cô gái nói.

Không bị áp lực tài chính, bố mẹ còn khỏe mạnh, nhưng Vũ Thùy An, 27 tuổi, Hải Phòng có một tuổi thơ cô đơn. Bà nội An qua đời khi bố cô mới 12. Ông từng vượt biên sang Hồng Kông làm ăn kiếm tiền nuôi các em nên ông hiểu một đứa trẻ thiếu thốn vật chất sẽ thiệt thòi thế nào.

"Bố mẹ muốn toàn tâm lo cho con, để hạnh phúc của con trọn vẹn hơn", ông giải thích khi con thắc mắc tại sao không có em. Hai người cũng lao vào làm việc để có cuộc sống sung túc hơn.

Đây là bức ảnh mỗi lần nhìn là một lần An khóc. Lúc này vợ chồng cô đang cúi chào bố mẹ để về nhà trai. Lúc ngẩng đầu lên, An thấy mẹ khóc. Cô muốn ngoái lại nhìn nhưng mọi người cản vì kiêng không được quay đầu nhìn lại. Từ khoảnh khắc đó, cô không còn thấy vui vẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hồi bé, Thùy An luôn "nổi" nhất lớp bởi được mặc những bộ đồ công chúa đẹp mắt, ăn những thức ngon. Cô bé An khi đó biết tên mọi loại sữa tăng chiều cao tốt nhất, vì đều uống qua. Mùa đông, cô là đứa trẻ đầu tiên trong xã đến trường bằng đôi bốt da màu trắng đính hoa. Thùy An cũng chưa từng phải mặc đồ hay dùng sách cũ của người khác. Mẹ cô bé hay đưa con đến nhà sách to nhất trung tâm thành phố.

Nhưng bố mẹ mải làm việc, chỉ về nhà khi trời tối. Bốn tuổi, An đã tự ôm chăn gối sang phòng khác ngủ. Dịp nghỉ hè hay cuối tuần, cô mang quần áo sang nhà chú, nhà ông bà nội ngoại chơi vài ngày liền mà chẳng nhớ nhà.

Năm An học lớp Ba, gia đình chuyển từ Hải Phòng vào nam sinh sống. Bố mẹ gửi cô cho nhà người quen. Cuối tuần, nếu họ bận không đón được, An phải ở lại. Xa ông bà, xa anh chị em họ, Thùy An càng cô độc. "Tôi không biết kết bạn, ít nói và sống khép kín. Bạn tôi chỉ đếm đủ trên một bàn tay. Họ đều chủ động bắt chuyện trước", cô kể.

Bố mẹ đủ điều kiện kinh tế lo cho cô đi du học và ủng hộ con thi vào bất kỳ ngôi trường nào thích. Nhưng cuối cùng, An chọn học ngành xuất nhập khẩu của ĐH Hàng Hải (Hải Phòng) – một lĩnh vực không hợp với người hướng nội như mình. "Bé đi đâu cũng được, lớn lại chỉ muốn gần bố mẹ, muốn họ luôn trong tầm mắt mình", cô nói.

Khi yêu, An luôn muốn tìm người ở gần nhà. Trước khi quyết định kết hôn với chàng trai cách nhà mình một km, cô ra điều kiện anh "phải là con trai trong nhà, cùng em gánh vác gia đình, lo cho bố mẹ, nếu không sẽ không có đám cưới".

Theo thống kê năm 2020 của Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, 21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh dưới 2 con, chiếm 39% quy mô dân số. Trong đó, 5 thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt TP HCM ở nhóm thấp nhất cả nước với mức sinh 1,39 con.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng, việc ngày càng nhiều người đẻ ít, đẻ thưa,... không phải là sự ích kỷ của cha mẹ mà do áp lực xã hội, áp lực kinh tế họ phải chịu. Phụ nữ hiện đại vừa phải làm việc vừa phải chăm con. Nếu không được chồng chia sẻ việc nhà, họ cũng sẽ ngại đẻ.

Theo bà Hồng, để hạn chế các gia đình chỉ sinh một con, các nhà làm chính sách cần xây dựng chính sách xã hội hợp lý: xây dựng cơ sở vật chất công chất lượng hơn, giá rẻ hơn, đầu tư cho trẻ em. Ngoài ra, trong các gia đình, chia sẻ việc nhà, chăm sóc con phải bình đẳng.

Sau một năm bố mất, anh Hùng vẫn làm việc ở Hà Nội, loay hoay với quyết định ở phố hay về quê. Mai Phương dù bị giục vẫn chưa tìm được một người đàn ông gần nhà - lại có thể cùng lo cho cha mẹ.

Còn An đã có con gái hơn hai tuổi và đang mang bầu. Cô dự tính nếu đủ sức khỏe và tài chính, sẽ sinh ba đứa con "để chúng không phải sống một mình trong hoang mang như mẹ". Bà mẹ trẻ cũng chọn công việc gần nhà, để có nhiều thời gian cho con thay vì nơi có lương gấp đôi, nhưng áp lực lớn.

Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi.

Theo vnexpress