Yang Yuancao từng đọc được một bình luận trên mạng: "Đàn bà không sinh con được giống như gà mái không biết đẻ trứng".
Yang là nhà sản xuất bộ phim tài liệu "Wonderful Eggs", ghi lại câu chuyện của những cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc có con và cung cấp kiến thức khoa học khách quan về nguyên nhân, theo The Paper.
Là một người mẹ, cô cảm thấy thực sự tức giận, bức xúc khi nghe điều đó. Đối với cô, bình luận cay độc này không chỉ thể hiện lối suy nghĩ cổ hủ mà còn phần nào cho thấy sự phân biệt giới tính đè nặng lên phụ nữ.
Trong số các cặp hiếm muộn, nguyên nhân đến từ phía nam giới chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, không phải ai cũng thừa nhận bản thân có rào cản trong việc sinh con vì ngại, mất thể diện.
"Việc hiếm muộn của một cặp đôi có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, so với nửa kia, người phụ nữ dường như bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm gấp đôi, là đối tượng bị đổ lỗi", cô bày tỏ.
Một cặp vợ chồng 9X trong phim tài liệu của Yang đã liên tục thụ tinh ống nghiệm trong 3 năm, tiêu tốn 300.000 nhân dân tệ để mong có con. Ảnh cắt từ clip.
Trung Quốc hiện có khoảng 50 triệu trường hợp hiếm muộn. Năm 2019, tỷ lệ vô sinh ở quốc gia này là 16,4%, tăng so với 3% vào năm 1995. Đáng chú ý, bệnh nhân trong độ tuổi 25-30 chiếm tỷ lệ cao.
Là cặp vợ chồng thuộc thế hệ 9X, Xin Xin và chồng Yang Hao sinh sống, làm việc tại Vũ Hán và có suy nghĩ hiện đại. Tuy nhiên, người nhà họ ở An Khánh, tỉnh An Huy vẫn còn khá lạc hậu, bảo thủ.
"Khi ăn cơm, mẹ chồng thường ẩn ý chuyện nếu không thể sinh con trong một năm tới, tôi phải ly hôn", Xin kể.
Xin Xin (giữa) bị mẹ chồng gây áp lực, muốn cô ly hôn nếu không thể sinh con. Ảnh: The Paper.
Đối với Wen Xia (Tứ Xuyên), sự chỉ trích, ruồng bỏ còn đến từ chính người chồng. Người phụ nữ 35 tuổi được khen ngợi tháo vát, siêng năng, luôn hoàn thành công việc được giao khi làm việc ở nhà máy.
Tuy nhiên, bấy nhiêu ưu điểm không thể giúp cô thoát khỏi sự chì chiết từ gia đình chồng sau 3 lần sảy thai. Cuối cùng, cô bị chồng đuổi ra khỏi nhà, đòi 600.000 nhân dân tệ tiền chạy chữa.
"Lúc chúng tôi đến Tứ Xuyên gặp lại Wen, cô ấy bày tỏ sự quyết tâm ly hôn. Cô nói trước đây rất yêu chồng, nửa kia cũng đối xử với cô rất tốt. Nhưng theo thời gian, cô ấy nhận ra thứ chồng mình quan tâm chỉ là đứa con", Yang nói.
Ngoài gặp áp lực tinh thần, thể chất, việc chạy chữa cho những phụ nữ hiếm muộn cũng khó khăn hơn so với nam giới.
Tại Trung Quốc, ngân hàng tinh trùng hiến tặng luôn thiếu hụt, không có ngân hàng trứng công cộng. Cách duy nhất để phụ nữ nhanh chóng nhận được trứng hiến tặng là nhờ người quen biết.
Được thấu hiểu
Dù chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng, Yang cho biết vẫn có những người vợ may mắn nhận được sự quan tâm, thấu hiểu từ nửa kia.
Trong số gần 100 bệnh nhân nam Yang tiếp xúc, Xiao Wu là người khiến cô ấn tượng nhất. Xiao bị azoospermia (không có tinh trùng), dù đã chạy chữa trong thời gian dài vẫn không hiệu quả.
Ông Zhang Guangzhu và bà Wang Zhongjin nổi tiếng là cặp vợ chồng cùng nhau du lịch khắp thế giới. Ảnh: Sina.
Kết hôn đã 10 năm, vợ chồng Xiao rất mong mỏi có một đứa con. Cuối cùng, anh quyết định xin tinh trùng từ ngân hàng hiến tặng để vợ mang thai và nuôi đứa con không có máu mủ với mình.
"Sinh con là trách nhiệm của hai vợ chồng. Dù nguyên nhân là gì, cả hai nên cùng nhau đối mặt", Xiao nói.
Yang cũng trò chuyện với nhiều cặp đôi chủ động quyết định không sinh con, theo đuổi lối sống DINK (Double Income, No Kids: gấp đôi thu nhập, không có con).
"Một cặp vợ chồng tôi phỏng vấn đã kết hôn 30 năm. Họ cùng nhau đi du lịch nước ngoài hàng năm, lưu lại kỷ niệm trong hàng chục cuốn album. Họ khẳng định: 'Chúng tôi không muốn có con'", cô kể.
"Vì vậy, tôi nghĩ dù rơi vào hoàn cảnh nào, đối diện với những áp lực từ gia đình, xã hội, bạn bè hay không, việc thấu hiểu, thông cảm và quan tâm lẫn nhau giữa hai vợ chồng mới là điều quan trọng nhất".
Theo Zing