Số nạn nhân gia tăng

Bác sĩ Nurul, hiện đã ngoài 30 tuổi, thường bị đồng nghiệp mắng “không có não” và đã lãng phí tiền bạc, thời gian vào việc học y khoa. Cô thổ lộ: “Điều duy nhất tôi có thể làm là chịu đựng. Tôi biết mình không thể nghỉ việc, vì điều đó có nghĩa là họ sẽ thắng. Tôi có vài người bạn cũng trong hoàn cảnh tương tự và chúng tôi luôn chia sẻ cùng nhau. Điều đó giúp tôi vượt qua những thời điểm khó khăn”.
Một vụ tự sát gần đây của một bác sĩ ở bang Sabah đã làm nổi bật vấn đề bắt nạt nơi công sở ở Malaysia, thúc đẩy những lời kêu gọi mới để giải quyết vấn đề này. Vào ngày 29/8, bác sĩ Tay Tien Yaa - (30 tuổi) là người đứng đầu Đơn vị Bệnh lý Hóa học tại Bệnh viện Lahad Datu - được phát hiện đã chết ở nhà. Theo người thân, Datu bắt đầu làm việc tại bệnh viện vào tháng Hai, một đồng nghiệp cấp cao bị cáo buộc “ngược đãi, áp bức” cô.

leftcenterrightdel
 Nạn bắt nạt nơi công sở đang đến mức báo động, gây nhiều hệ lụy cho nạn nhân, tổ chức và xã hội - Ảnh minh hoạ: Adobe Stock

Năm 2022, Chính phủ Malaysia đã thành lập lực lượng chuyên trách cải thiện văn hóa làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe để điều tra cái chết của một nhân viên y tế 25 tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Penang. Trong báo cáo công bố vào tháng 8/2022, nhóm điều tra đã khảo sát hơn 110.000 nhân viên y tế và kết quả có khoảng 30% thừa nhận họ kiệt sức, 7,5% cho biết bị bắt nạt tại nơi làm việc. Khoảng 25% trong số hơn 20.000 người cấp quản lý hoặc giám sát được hỏi đã thừa nhận có hành vi bắt nạt cấp dưới.

Tại Hàn Quốc, theo Bộ Lao động và Việc làm, hơn 39.300 trường hợp lăng mạ bằng lời nói, bắt nạt và các hình thức quấy rối nơi làm việc khác đã được báo cáo trong 5 năm qua. Bất chấp việc sửa đổi Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, trong đó kêu gọi hành vi quấy rối nơi làm việc phải bị pháp luật trừng phạt, số người bị bắt nạt vẫn tăng đều mỗi năm. Đáng chú ý, chưa đến 5% số báo cáo dẫn đến hậu quả pháp lý.

Một cuộc khảo sát năm 2020 do công ty tuyển dụng Zhilian Zhaopin (Trung Quốc) thực hiện cho thấy: 64% người được hỏi đã từng bị bắt nạt tại nơi làm việc. Các hình thức bắt nạt phổ biến bao gồm: bị ép buộc hoàn thành các nhiệm vụ vô lý, chịu đựng sự lăng mạ bằng lời nói và bị quấy rối tình dục. Hơn 1/2 số người từng bị bắt nạt đã chọn từ chức, 6% chọn cách đưa vấn đề lên mạng xã hội. Hiện luật pháp Trung Quốc không phân định rõ ràng về hành vi bắt nạt tại nơi làm việc và hình phạt thay đổi tùy từng trường hợp.

Tự bảo vệ bản thân

Hiệp hội Tâm lý học Mỹ ước tính: nạn bắt nạt khiến các doanh nghiệp tại nước này thiệt hại 300 tỉ USD mỗi năm thông qua các tác động trực tiếp và gián tiếp, chẳng hạn như năng suất thấp hơn, tình trạng vắng mặt, giảm doanh thu và chi phí pháp lý. Đối với cá nhân, nạn bắt nạt có tác động bất lợi rất lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mọi người, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thực hiện công việc. Làm việc trong một không khí văn hóa công sở độc hại có thể dẫn đến mức độ căng thẳng gia tăng và kéo dài, làm trầm trọng thêm các thách thức về sức khỏe thể chất và tinh thần hiện có. Hành vi của những kẻ bắt nạt có thể dẫn đến sự suy giảm tự tin và lòng tự trọng của cá nhân. Thậm chí những người ngoài cuộc và nhân chứng cũng có thể bị ảnh hưởng.

Do đó, nếu bạn cảm thấy mình đang bị bắt nạt, ưu tiên hàng đầu là giữ an toàn cho bản thân. Vào thời điểm xảy ra việc bắt nạt, hãy cố gắng kiểm soát cảm xúc và tránh phản ứng tiêu cực. Bạn có thể chọn cách lịch sự bỏ đi, cho bản thân thời gian ổn định cảm xúc thay vì để kẻ bắt nạt buộc bạn phải phản ứng bốc đồng, nói hoặc làm điều gì đó mà bạn hối hận về sau. Bên cạnh đó, người lao động nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp, đồng thời cố gắng giữ thái độ mạnh mẽ và tự tin vào bản thân. He Bo - luật sư tại Công ty luật Sichuan Hongqi (Trung Quốc) - cho biết: “Để chống lại nạn bắt nạt nơi công sở, nhân viên nên thu thập bằng chứng như ảnh chụp màn hình, bản ghi âm và video để tự bảo vệ mình”.

Theo phụ nữ TPHCM