Huang Ernan (Thượng Hải) biết người được nhà bà thuê để chăm sóc mẹ già không đủ khéo léo. Người phụ nữ ấy cũng đã 73 tuổi, chỉ nhỏ hơn bà cụ 12 tuổi, theo Sixth Tone.

Bảo mẫu này thường thiếu tập trung. Một lần, người này quên khóa cửa nhà, khiến mẹ bà đi lang thang trên phố. Lần khác, giúp việc không thay ga sau khi bà cụ đi tiểu ra giường. Cuối cùng, bà Huang đành phải mua bỉm người lớn cho mẹ mình.

Tuy nhiên, bà Huang không có ý định sa thải người phụ nữ. Tại thành phố Thượng Hải, việc tìm kiếm một người thay thế không dễ dàng chút nào.

                                                               Song song với tỷ lệ sinh giảm, cuộc khủng hoảng tìm người chăm sóc sức khỏe cho người già đang diễn ra ở Trung Quốc.


Theo truyền thống, các gia đình Trung Quốc sẽ chăm sóc cho bố mẹ cao tuổi. Nhưng do tác động của chính sách "một con" và hiện tượng di cư diện rộng tới các thành phố lớn, số người có thể chăm sóc cho nhóm dân số già đang gia tăng đã trở nên ít đi.

Với cả những gia đình có điều kiện tìm đến dịch vụ chăm nom cho người cao tuổi, câu chuyện cũng không dễ dàng.

Dịch vụ "bảo mẫu tận giường"

Để thu hút khách hàng, một bộ phận công ty ở Trung Quốc thậm chí còn tung ra dịch vụ "bảo mẫu tận giường". Ngoài giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp vệ sinh, những người này còn kiêm thêm "dịch vụ cá nhân", phục vụ đời sống tình cảm.

Họ chủ yếu những phụ nữ trung niên ở độ tuổi 40-50, đa phần đã ly hôn và đến từ nông thôn. Những rắc rối cũng nảy sinh từ đây khi người già trở thành đối tượng bị lừa tình, lừa tiền.

Theo trang tin 163, tháng 12 năm ngoái, một giáo sư 70 tuổi đến từ tỉnh Giang Tô đã bị một người giúp việc 30 tuổi họ Li lừa số tiền 500.000 tệ. Do các con của vị giáo sư già đều rất bận rộn với công việc, không có thời gian chăm sóc bố nên đã tìm cho ông một vú em.

Ban đầu, người này ra sức chăm lo và dùng tiền của cụ ông để tiêu xài hoang phí, mua đồ hiệu sau khi chiếm được tình cảm.


                                                                           Những vụ người giúp việc lợi dụng người già cô đơn để chiếm đoạt tài sản đã được ghi nhận ở quốc gia tỷ dân.


Trước đó, vào tháng 9 cùng năm, một cụ ông 92 tuổi ở tỉnh Liêu Ninh được người nhà thuê bảo mẫu 35 tuổi họ Cai. Sau một thời gian, người này thổ lộ tình cảm và nói muốn kết hôn với ông.

Nửa tháng sau ngày cưới, ông cụ chuyển nhượng bất động sản duy nhất đứng tên mình cho vợ mới. Ngay sau đó, nữ giúp việc này bỏ đi và trở mặt lạnh nhạt. Ông lão phải chuyển thêm 50.000 tệ để mời về.

Tuy nhiên, khi vừa trở về nhà, Cai đã đánh đập ông cụ, làm ông gãy xương ngực, xương sườn và phải nhập viện.

Khó tìm bảo mẫu


Cuộc khủng hoảng chăm sóc người cao tuổi Trung Quốc có thể chứng kiến rõ ở Thượng Hải. Nhu cầu đã vượt xa nguồn cung trong những năm gần đây, khiến những gia đình như bà Huang không có nhiều lựa chọn.

Một thập kỷ trước, các cuộc khảo sát cho thấy Thượng Hải cần thêm 550.000 lao động giúp việc gia đình để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người già. Kể từ đó, lương cho giúp việc đã tăng hơn gấp ba lần, nhưng vấn đề chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Hầu hết người đi làm công việc này đều không được đào tạo và không qua kiểm tra hay quản lý bởi các công ty, tổ chức chuyên nghiệp nào. Phần lớn thuê qua các bên môi giới giới thiệu.


                                                                       Hầu hết người giúp việc đi chăm sóc người già đều chưa qua khóa đào tạo nào và không có cơ quan quản lý.


Hơn nữa, những bảo mẫu ở thành phố ngày càng có xu hướng cao tuổi. Nhiều người chọn công việc này bởi ít cạnh tranh hơn. Với những gia đình tìm người trông trẻ con, họ có xu hướng thuê người còn trẻ và có trình độ học vấn.

Mặc dù tuổi cao không phải lúc nào cũng là bất lợi, bà Huang cho biết làn sóng người về hưu đi làm bảo mẫu để kiếm tiền dễ gây ra bất ổn, nhất là với những ai có vấn đề sức khỏe sẵn.

"Một phụ nữ 65 tuổi nhà tôi từng thuê làm việc trong 3 năm, cho đến một ngày cô ấy đột nhiên ngã quỵ và rơi vào hôn mê. Cô ấy bị tiểu đường nhưng không hề biết".

Nhà bà Huang sau đó tìm giúp việc mới song cuối cùng đành thuê người 73 tuổi hiện giờ vì không tìm được người ưng ý.

Bảo mẫu ra tay sát hại


Nghiêm trọng hơn, người dân Trung Quốc từng chứng kiến những vụ giúp việc giết người già, theo China Daily.

Tháng 5 năm ngoái, cảnh sát ở thành phố Lật Dương, tỉnh Giang Tô, bắt giữ một bảo mẫu họ Yu (67 tuổi) về hành vi sát hại một cụ bà 83 tuổi nằm liệt giường. Yu mới chỉ nhận việc vào ngày 25/4.

Cảnh sát địa phương cho hay động cơ đằng sau: muốn hoàn thành công việc sớm và được trả tiền càng nhanh càng tốt.


                                                           Dù cuộc sống ngày càng giàu có hơn, nhiều cụ ông, cụ bà phải sống trong cảnh cô đơn, con cháu không có thời gian chăm sóc.


Các thành viên trong gia đình cho biết Yu từng làm y tá cho một bệnh viện địa phương và tỏ ra rất kiên nhẫn, khéo léo trong suốt 8 ngày chăm sóc trước khi ra tay.

Camera giám sát trong căn hộ ghi lại được cảnh người phụ nữ này trùm chăn lên mặt bà cụ và ngồi lên ngực cho đến khi nạn nhân tắt thở. Sau đó, Yu gọi điện thông báo cho con trai chủ nhà và còn giúp gia đình khâm liệm cụ già.

Tuy nhiên, một người con rể đã nghi ngờ và kiểm tra camera.

“Trong các cuộc thẩm vấn, Yu thậm chí không đồng ý rằng hành vi của mình cấu thành tội giết người. Bà ấy nói mình đã giúp một người đang hấp hối kết thúc cuộc đời và phàn nàn công việc của mình nặng nhọc", đại diện Sở Cảnh sát Lật Dương nói với Sixth Tone.

Trước đó, một vụ án tương tự từng làm chấn động dư luận.

Năm 2016, một bảo mẫu họ He bị kết án tử hình sau khi sát hại một phụ nữ lớn tuổi ở Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông). Năm 2014, người phụ nữ 46 tuổi thú nhận đã cho thuốc ngủ cùng thuốc diệt chuột vào thức ăn của nạn nhân và dùng dây siết cổ.

Thủ phạm khai đã giết 7 người già khác theo cùng phương thức trong 2 năm 2013-2014. Lý do ra tay vẫn là để sớm nhận được số tiền 2.500 tệ/tháng từ người nhà.

Theo Guangzhou Daily, một số bảo mẫu trực tiếp nhắm mục tiêu cụ thể đến những người già ốm yếu hoặc sắp qua đời. Sau khi nạn nhân tử vong, những người này sẽ đòi cả tháng lương, dù số ngày làm việc chỉ có thể vài hôm.

Theo Zing