Kể từ sau khi bắt đầu có kinh nguyệt từ hồi đầu năm, Viên Vịnh Nghi (không phải tên thật, đến từ Hàng Châu, Trung Quốc) đã bị mẹ bắt nhảy dây 3.000 cái mỗi ngày, Sohu đưa tin.

Vịnh Nghi có chiều cao 1,58 m và nặng 60 kg. Mẹ cô lo sợ rằng chiều cao của con sẽ bị chững lại sau một vài năm bắt đầu dậy thì nếu không tập luyện.

"Nếu nắm bắt cơ hội, con bé có thể đạt chiều cao 1,60 m. Hơn nữa, vận động nhiều cũng giúp giảm cân. Tôi muốn con gái trông cao, gầy và xinh xắn hơn", người mẹ nói.

                                        Nhảy dây là phương pháp phổ biến giúp tăng chiều cao được nhiều phụ huynh áp dụng cho con. Ảnh: Chinanews.


Từ kỳ nghỉ hè, mẹ Vịnh Nghi đã bắt cô nhảy dây đều đặn, chia thành 1.000 cái mỗi đợt vào buổi sáng, chiều tối và đêm trước khi đi ngủ.

Vịnh Nghi hiểu được nỗi lòng của mẹ nên cắn răng chịu đựng và tập luyện theo ý bà.

Tuy nhiên, cách đây không lâu, cô bé 13 tuổi cảm thấy đau đầu gối trái mỗi lần nhảy. Lúc nghỉ ngơi, cơn đau đớn giảm xuống nhưng nó vẫn âm ỉ không dứt.

Vịnh Nghi nói với mẹ nhưng bà lại cho rằng do con gái lười vận động nên viện cớ để không phải tập.

Đến lúc được mẹ đưa đi khám, bác sĩ thông báo cô bé đã bị viêm xương chày do vận động quá mức.

Mẹ của Vịnh Nghi đã rất đau lòng, bà xin lỗi vì ép con gái phải làm điều phi lý vì mong muốn của mình.

Bác sĩ cho biết nhảy dây không phải phương pháp duy nhất để tăng chiều cao, và thực hiện bài tập này cũng cần sự kiểm soát và thực hành khoa học. Muốn tập nhảy dây an toàn còn cần lựa chọn cường độ tập phù hợp, loại giày tốt với khả năng chống sốc.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ như di truyền, dinh dưỡng và luyện tập. Tập thể dục phù hợp, cùng với chế độ nghỉ ngơi, ăn uống khoa học là cách tích cực để thúc đẩy phát triển chiều cao.

Ám ảnh chiều cao


Chiều cao của con trở thành nỗi ám ảnh của không ít bậc cha mẹ tại đất nước tỷ dân. Với mong muốn con có chiều cao vượt trội, phụ huynh tìm đủ mọi cách và sẵn sàng thực hiện những biện pháp cực đoan, phản khoa học.

Tiêm hormone tăng trưởng là lựa chọn của nhiều cha mẹ để giúp con đạt chiều cao mong muốn. Tuy nhiên, cơn sốt tăng chiều cao bằng tiêm hormone kéo theo những cuộc tranh cãi về việc liệu chúng có đang bị lạm dụng.

                                                             Nhiều đứa trẻ tiêm hormone tăng chiều cao từ khi còn ít tuổi. Ảnh: Douyin.


Năm 2018, lần đầu Liu Zhen cho con của mình con mình tiêm hormone tăng trưởng. Con của cô đã 8 tuổi 2 tháng nhưng chỉ cao 120,1 cm, thấp hơn so với mức trung bình của những đứa trẻ cùng tuổi.

Sau 12 tuần, bác sĩ kiểm tra lại và cho biết các chỉ số của đứa trẻ đều bình thường và bé đã cao thêm 2,8 cm.

Tuy nhiên, sau tháng thứ 3, cháu bé được phát hiện có dị tật phát triển và phải tiêm thuốc ức chế để kiểm soát sự phát triển bất thường.

Những tháng sau đó, con gái Liu Zhen chỉ cao thêm lần lượt 0,8 cm, 0,5 cm rồi 0,3 cm.

Sau khi cho con gái tiêm hormone tăng trưởng liên tục trong 15 tháng, Liu Zhen nghĩ rằng khi ngừng tiêm, con có thể "bắt kịp" bạn bè bằng việc tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn.

"Thế nhưng tôi đã thất vọng. Trong 17 tháng sau khi ngừng tiêm, con tôi chỉ cao thêm 7,5 cm và có chiều cao 141,5 cm", Liu kể.

Sản xuất và bán hormone tăng trưởng đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh sinh lời. Quy mô của ngành này tại Trung Quốc đạt 7,7 tỷ nhân dân tệ (1,19 tỷ USD) năm 2020, theo công ty dịch vụ tài chính Southwest Securities.

Tổng doanh thu của GeneScience Pharmaceuticals, nhà sản xuất thuốc hàng đầu tại Trung Quốc, đã tăng từ 1,06 tỷ nhân dân tệ (163 triệu USD) vào năm 2015 lên 5,8 tỷ nhân dân tệ (893 triệu USD) vào năm 2019.

Theo Song Tao, dược sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Qingyang (thành phố Qingyang, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), phương pháp điều trị chiều cao phổ biến nhất là tiêm hormone dạng lỏng mỗi ngày. Chi phí cho việc này là 3.000-4.000 nhân dân tệ (461-615 USD) mỗi tháng.

Theo Zing