Fat shaming (chế giễu, làm cho người thừa cân cảm thấy xấu hổ) được nhiều người biết đến. Ngày nay, không có lý do gì có thể bào chữa cho những câu nói kém duyên như: "Dạo này mập nhỉ", "Nên giảm cân đi", "Đừng ăn nhiều như vậy".
Thế nhưng, ngược lại thì sao? Khái niệm skinny shaming đang gây nhiều tranh cãi. Liệu có vấn đề gì không khi chúng ta nói những câu như: "Ăn thêm nữa đi", "Bạn nên tăng cân".
Theo USA Today, skinny shaming hay hành động chỉ trích người có cơ thể gầy gò chứng minh rằng ngay cả những người đang tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp đương thời cũng dễ bị chế giễu.
Các chuyên gia đồng ý rằng skinny shaming cũng là một dạng body shaming và có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét trong xã hội ngày nay, không thể so sánh khái niệm này với fat shaming.
Skinny shaming (chế giễu ngoại hình người gầy) cũng là một dạng body shaming. Ảnh: Cosmopolitan.
Tấn công cá nhân và áp bức hệ thống
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của body shaming (chế giễu ngoại hình) bất chấp cân nặng, hình dáng.
Tuy nhiên, Jennifer Rollin, người sáng lập Trung tâm Rối loạn Ăn uống ở Mỹ, nói rằng skinny shaming thường là những cuộc tấn công cá nhân, khác với vấn đề mang tính hệ thống như fat shaming.
Dù những cách miêu tả như "bộ xương di động", "que củi" khiến người gầy cảm thấy bị xúc phạm, từ lâu, người thừa cân đã phải chịu sự phân biệt đối xử trong các cơ sở giáo dục, nơi việc làm và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Nếu fat shaming thường mang tính hệ thống, skinny shaming là những cuộc tấn công nhằm vào cá nhân cụ thể. Ảnh: Sup China.
"Rõ ràng là không ổn khi nói với ai đó rằng họ trông không khỏe mạnh hoặc quá gầy, nhưng điều đó rất khác với việc bị loại trừ và áp bức có hệ thống. Các nghiên cứu và thực tế đã chứng minh những người có thân hình to lớn thường nhận được ít được quảng bá hơn và ít có khả năng được tuyển dụng", Rollin nói.
Samantha Kwan, phó giáo sư xã hội học về cơ thể tại Đại học Houston (Mỹ), cho biết thêm rằng không giống như những người thừa cân, người gầy thường được đánh giá ít khắc nghiệt hơn do các tiêu chuẩn sắc đẹp hiện nay.
"Phụ nữ được khuyến khích hướng đến vẻ đẹp mỏng manh. Họ thường được khen ngợi khi tuân theo điều đó và bị trừng phạt khi không làm như vậy. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng mọi người có định kiến ##không mấy tốt đẹp về những người thừa cân. Chúng bao gồm giả định rằng những người béo là lười biếng, thiếu kỷ luật và ý chí", Kwan nói.
Body shaming dưới hình thức nào cũng gây hại
Mặc dù các chuyên gia cảnh báo không nên so sánh skinny shaming với fat shaming, việc chê bai bất kỳ ai về kích thước cơ thể của họ đều có hại, ngay cả đối với những người có cơ thể phù hợp với vẻ đẹp lý tưởng.
Alexis Conason, nhà tâm lý học lâm sàng và tác giả của cuốn sách The Diet-Free Revolution, cho biết: "Sống trong xã hội lý tưởng hóa cơ thể gầy gò, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mọi người nên hạnh phúc nếu họ gầy. Tuy nhiên, thực tế, không phải ai gầy cũng hạnh phúc. Bất cứ ai cũng có thể phải vật lộn với hình ảnh cơ thể tiêu cực".
Body shaming dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Ảnh: Getty.
Chuyên gia Jennifer Rollin cảnh báo những bình luận tập trung vào cân nặng, bao gồm cả lời khen ngợi, có thể kích hoạt chứng rối loạn ăn uống.
"Bạn không bao giờ biết một người đang phải trải qua những gì, ngay cả khi cơ thể của họ phù hợp với những gì được xã hội coi là 'lý tưởng'".
Khi nghi ngờ, tốt nhất bạn nên im lặng và tránh đưa ra những bình luận không cần thiết về ngoại hình của người khác, cho dù họ gầy, béo hay cân đối.
"Mọi người cần nhận ra rằng vấn đề không nằm ở cơ thể của chúng ta. Vấn đề là ở văn hóa chế giễu sai lệch, nơi dung túng cho những bình phẩm về ngoại hình. Cơ thể của bạn không phải là việc của người khác. Vậy nên, khi ai đó nhận xét về ngoại hình của bạn, nó chỉ phản ánh mong muốn, khát vọng của người đó mà thôi", tác giả Conason nói.
Theo Zing