Hôm 25/7, khi xem một đoạn video ghi lại cảnh các thợ máy ở Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) kêu gọi giúp đỡ vì phải sửa chữa lượng lớn ôtô chìm trong nước lũ, Ye Jungang đã quyết định lên đường. Lũ lụt ở thành phố này hồi cuối tháng 7 đã khiến 292 người chết, 47 người mất tích và hàng nghìn phương tiện hư hỏng nặng.
Với kinh nghiệm 16 năm trong nghề, người đàn ông 35 tuổi cho biết, sửa xe là cách thiết thực nhất anh có thể hỗ trợ Trịnh Châu. Ye rời thành phố này khi đã giúp sửa miễn phí 400 chiếc ôtô. Sau đó, những ca dương tính với nCoV bắt đầu xuất hiện ở thành phố này. Tính đến chiều 5/8, Trịnh Châu đã có 112 người nhiễm Covid-19.
Trở về nhà ở Hoa Đô, Quảng Châu, anh đi cách ly theo yêu cầu của nhà chức trách vì từng đến vùng dịch. Ye đã xét nghiệm âm tính. Cũng bắt đầu từ đó, anh liên tục nhận được tin nhắn và chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội.
"Tại sao ngu dốt đến Trịnh Châu rồi quay về? Cậu muốn mang virus về đây cho chúng tôi à", một người nhắn với Ye. "Mày về Hoa Đô để lây lan virus à?", người khác nói... Các tin nhắn dội về liên tục khiến ngày 3/8, Ye phải đăng một video xin mọi người thông cảm.
Anh Ye Jungang (giữa) tình nguyện vào vùng lũ hỗ trợ nhưng lại bị cộng đồng mạng chỉ trích vì "mang virus" về. Ảnh: Handout.
Trong video, Ye nói trước khi đến Trịnh Châu, anh không nghĩ thành phố này lại bị Covid-19 tấn công. Hôm anh đi, ở đó chưa có trường hợp dương tính nào. "Tôi đến Trịnh Châu để sửa xe giúp mọi người. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ mang virus về cho quê hương. Tôi ước gì mọi người động viên thay vì chửi mắng và tấn công tôi", anh khóc trước ống kính.
Lời chia sẻ của Ye khiến nhiều người xúc động - đề nghị trả phí kiểm dịch cho anh - nhưng anh từ chối. Chính quyền quận Hoa Đô hứa giảm chi phí cách ly tại khách sạn cho Ye.
Bắt nạt trực tuyến là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Những kẻ bắt nạt thường ẩn danh, tung tin đồn, tấn công người khác mà không bị trừng phạt.
Wang Luyao, một vận động viên súng trường hơi Trung Quốc tại Thế vận hội Tokyo cũng bị tấn công khi không lọt vào trận chung kết, như mong đợi của nhiều người. Nhà chức trách phải can thiệp và khóa 33 tài khoản Weibo liên quan.
Ba năm trước, một bác sĩ ở Đức Dương, Tứ Xuyên, đã tự tử sau khi một clip cho thấy chồng cô, một công chức, đánh một cậu bé tuổi vị thành niên bị tung lên mạng. Trong video, người chồng đánh cậu bé để trả đũa và nhổ nước bọt về phía họ. Nhưng theo một đồng nghiệp của nữ bác sĩ, cô này bị hai nam sinh 13 tuổi quấy rối nên chồng cô mới hành động như vậy.
Sau đó, người nhà của một nam sinh xông vào đánh nữ bác sĩ tại phòng tắm bể bơi. Chồng cô đã xin lỗi gia đình nam sinh khi cảnh sát hòa giải, nhưng họ vẫn đăng video lên mạng xã hội, đến bệnh viện gây rối khiến nữ bác sĩ nghỉ việc.
Zheng Ning, giáo sư luật ĐH Truyền thông Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc không có luật cụ thể nhắm vào bắt nạt trực tuyến. Có một số quy định rời rạc, không đủ để giải quyết tình trạng lạm dụng mạng xã hội ngày càng tăng.
"Người dùng mạng ẩn danh nên xử lý trách nhiệm rất khó, dẫn đến bạo lực trực tuyến ngày càng tràn lan", vị này nói.
Theo vnexpress