Dưới đây là những cách giúp người trẻ chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Hiểu rõ sở thích, mong muốn của bản thân
Điều này sẽ giúp bạn tận dụng tối đa khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong công việc, đồng thời tìm thấy sự tự tin, niềm hứng khởi và động lực làm việc lâu dài, bền bỉ.
Bên cạnh đó, việc xác định rõ những mong muốn và giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta xác định mục tiêu nghề nghiệp phù hợp, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp đúng đắn, hiệu quả. Để khám phá những bí mật này, hãy thử trả lời những câu hỏi sau đây:
Câu hỏi về sở thích: Bạn thích học hỏi về điều gì? Bạn thường làm gì lúc rảnh rỗi? Bạn thích công việc lao động chân tay hay lao động trí óc? Bạn thích làm việc trong nhà hay ngoài trời?
Câu hỏi về giá trị: Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Điều gì là ưu tiên của bạn trong cuộc sống? Điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc đời bạn? Bạn mong muốn đóng góp vào sự thay đổi nào của đất nước và xã hội?
Câu hỏi về thế mạnh và tính cách: Đâu là điều mà bạn luôn khao khát trong cuộc sống? Điểm mạnh nào của bản thân khiến bạn yêu thích nhất? Kỹ năng nào khiến bạn cảm thấy tự hào nhất?
Xác định động lực và mục tiêu nghề nghiệp
Sau khi đã hiểu rõ về bản thân, hãy xác định động lực giúp bạn mong muốn gắn bó với công việc. Chẳng hạn, nếu là người yêu thích sự ổn định, bạn có thể trở thành một nhân viên văn phòng đi làm lúc 8 giờ sáng và về nhà lúc 5 giờ chiều mỗi ngày, thay vì phải thường xuyên đi đây đi đó hay làm những công việc có giờ giấc không cố định.
|
|
Lớn lên cùng công nghệ giúp các gen Z thuận lợi để trở thành công dân toàn cầu |
Song, hầu hết các ngành nghề sẽ không thể đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của bạn. Vì vậy, hãy xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu và động lực giúp bạn làm việc, bao gồm: Lương bổng; Phúc lợi; Quyền hạn trong công việc; Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; Tính chất, mức độ linh hoạt của công việc; Cơ hội thăng tiến trong công việc.
Khám phá thế giới nghề nghiệp
Điều này giúp bạn học hỏi về các dạng công việc tương đối phù hợp với bạn đã được liệt kê ra sau giai đoạn 1. Hãy sử dụng tất cả các nguồn tin mà bạn có để thu thập một số thông tin như: Mô tả công việc, nhiệm vụ cụ thể của công việc.
Bên cạnh đó, hãy nghiên cứu cả một số thông tin về thị trường lao động như: Mức lương trung bình của công việc và triển vọng tương lai của công việc này.
Sau cuộc thu thập dữ liệu sơ bộ, hãy bắt đầu loại bỏ khỏi danh sách những công việc bạn không còn thấy hứng thú nữa và chỉ tập trung vào những công việc phù hợp nhất. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để tìm hiểu thêm các thông tin về tiêu chí tuyển dụng, quy trình phỏng vấn trong ngành nghề bạn ưa thích.
Bên cạnh đó, hãy "theo dõi ngành nghề" của bạn bằng cách làm quen với một người nào đó đang làm trong ngành hoặc bạn cũng có thể theo dõi họ qua mạng xã hội để học hỏi nhiều hơn và có hình dung rõ nét hơn về những việc họ đang làm.
Xem xét nhu cầu xã hội
Không phải bạn cứ thích, cứ đam mê là bạn có thể thành công. Bạn cần có những nghiên cứu, đánh giá về xu hướng xã hội, sự thay đổi của xã hội để chọn cho mình con đường đi đúng đắn nhất cho ngành dự định theo nó suốt đời.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, sẽ có một số công việc sẽ bị thay thế bởi máy móc, công nghệ, nhưng cũng có những công việc không thể thay thế và có những công việc mới ra đời. Vì vậy, bạn cần phải tìm hiểu một cách cẩn thận để lựa chọn công việc phù hợp.
Xác định mục tiêu dài hạn
Mục tiêu dài hạn là mục tiêu bạn muốn đạt được trong khoảng thời gian dài, từ 3 đến 5 năm trở lên. Sở hữu mục tiêu dài hạn rõ ràng, cụ thể là một điều vô cùng quan trọng trong hướng nghiệp, giúp bạn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và mục tiêu đã đặt ra.
Hơn nữa, mục tiêu dài hạn còn là động lực lớn giúp các bạn trẻ chủ động tìm kiếm cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng, từ đó không ngừng học hỏi, phát triển và đạt được mục tiêu nhanh chóng.
Trí Nguyên (tổng hợp)