Người Drokpa, hay Brokpa, sinh sống trong các ngôi làng nhỏ, tại thung lũng Dahanu màu mỡ của vùng Ladakh, giữa lãnh thổ liên bang Jammua và Kashmir, Ấn Độ. Bộ tộc được cho là hậu duệ cuối cùng của Aryan cổ đại, những người nói ngôn ngữ Ấn - Âu, định cư ở Iran và tiểu lục địa phía bắc Ấn Độ thời tiền sử.
Drokpa khác biệt với người Tây Tạng - Mông Cổ cùng sống trong vùng Ladakh về cả thể chất, văn hóa và ngôn ngữ. Họ có vóc dáng cao, da trắng, xương gò má cao, mũi thẳng và mắt sáng màu. Một số người có tóc vàng. Đây cũng chính là lý do người Drokpa chỉ kết hôn trong cộng đồng, thay vì lựa chọn bạn đời ngoài bộ tộc, để duy trì dòng máu thuần chủng.
Điểm khác biệt lớn nhất của họ chính là truyền thống công khai tình cảm và trao đổi vợ. Họ không ngần ngại hôn nhau nơi công cộng, dù mình hoặc đối phương đã có mối quan hệ hôn nhân. Trong một số gia đình, anh trai thường chia sẻ vợ cho các em trai để tránh việc phải phân chia tài sản. Tuy nhiên, truyền thống này gây ra nhiều tranh cãi và bị coi là không văn minh. Chính quyền đã lệnh cho họ thực hiện nghi thức này ở nhà, hoặc hội trường cộng đồng, khi không có người lạ.
Thời trang là phần quan trọng trong văn hóa của bộ lạc và phụ nữ tự trang điểm cho mình để thu hút bạn đời. Họ mặc áo choàng da dê, được trang trí công phu với vỏ sò, bạc và chuỗi hạt. Chiếc mũ tinh xảo của họ được gọi là tepi, làm từ bạc, đan với hoa tươi, hoa khô. Đàn ông trong cộng đồng cũng đội mũ tương tự nhưng có thêm đồng tiền kim loại và hoa. Cả 2 phái đều mang giày len.
Người Drokpa chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gồm bò, dê và yak. Nguồn thu nhập chính đến từ mơ, táo, nho, rau củ quả. Thức ăn chủ yếu của họ là tsampa (bột lúa mạch rang) và sữa yak.
Người Drokpa tôn thờ thiên nhiên và theo lịch mặt trời. Phần lớn cộng đồng theo Phật giáo, tuy nhiên có những khác biệt với tôn giáo truyền thống. Họ tin rằng con người và những vị thần từng cùng nhau chung sống nhưng sự ích kỷ, kiêu ngạo của loài người đã phá vỡ mối quan hệ này. Nếu con người tu thành chính quả, họ sẽ lại được cùng chung sống với thần linh. Những bông hoa trên mũ là cách thể hiện niềm tôn kính với Phật. Một số người trong cộng đồng theo nhánh Hồi giáo Shia.
Âm nhạc không chỉ là một phần trong văn hóa mà còn liên quan tới tôn giáo. Các thành viên của bộ lạc thường hát trong các nghi lễ. Nổi bật trong số đó là lễ Bonano kéo dài 3 đêm liên tiếp, thường tổ chức trong tháng 9. Đây là lễ hội ăn mừng thu hoạch. Nam và nữ giới có thể nhảy theo hàng và hôn công khai. Ngoài ra, người Drokpa cũng có lễ hội lớn được tổ chức vào tháng 8. Họ mặc trang phục truyền thống, biểu diễn bài hát, điệu nhảy truyền thống để chào đón du khách tới thăm.
Vùng đất mà người Drokpa đang sinh sống không thuộc về sở hữu cá nhân, vì vậy họ phải chi trả bằng tiền mặt, bơ, phô mai hoặc gia súc. Trước đây, để chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, người Drokpa xây dựng nhà bằng đá. Hiện đại hóa đã mang đến cho họ những ngôi nhà kiên cố hơn. Tuy nhiên, điện sử dụng ở đây còn hạn chế và đời sống của họ phụ thuộc nhiều vào năng lượng mặt trời.
Sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất với bộ tộc. Khi điều kiện thời tiết thay đổi, nóng hơn và ít mưa, các cây trồng đem lại thu nhập chính ngày càng khó thích nghi. Họ buộc phải trồng cây anh đào, mận, cà chua... Thu nhập giảm sút kết hợp cùng đô thị hóa dẫn đến tình trạng người trong cộng đồng dần rời khỏi nơi sinh sống và kiếm việc ở những ngôi làng khác.
Những bộ trang phục cầu kỳ đã không còn phù hợp với thời tiết nóng. Người trẻ trong cộng đồng có xu hướng kết hôn ngoại tộc, gây ảnh hưởng tới việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhiều người lo ngại, chỉ trong thời gian ngắn, bộ tộc sẽ dần dần biến mất.
Các ngôi làng của người Drokpa xa xôi và hẻo lánh. Du khách chỉ có thể tới đây bằng đường bộ thông qua thị trấn Leh, khu vực Jammua và Kashmir. Ở Leh có sân bay, với những chuyến bay thẳng từ Delhi và Mumbai. Du khách cần có giấy phép nội tuyến được xin tại văn phòng du lịch trong thị trấn. Tới đây, du khách cần trả 450 INR (140.000 đồng) phí bảo vệ môi trường hoặc thuê công ty du lịch địa phương giá 600 INR (185.000 đồng) để xin giấy phép và hỗ trợ tham quan.
Theo vnexpress