Bước đi tiên phong

Tuần qua, đoàn phim Làm giàu với ma đã có buổi ra mắt truyền thông trước khi phim ra rạp trên toàn quốc từ ngày 30/8 tới. Tại buổi ra mắt, thông tin phim sẽ được phát hành trực tiếp tại thị trường Indonesia, Malaysia, Campuchia, Brunei và Đài Loan (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý. Theo nhà sản xuất Mockingbird Pictures, đây là phim Việt hiếm hoi chiếu ở nước ngoài dưới hình thức của một phim ngoại nhập.

leftcenterrightdel
 Phim Làm giàu với ma được phát hành trực tiếp ở 5 thị trường

Anh Huỳnh Đắc Thọ - phụ trách phát hành của Mockingbird Pictures - cho biết: “Trước đây, các phim Việt phát hành ở Mỹ, châu Âu đều dưới hình thức thuê rạp chiếu. Do đó, khi quảng bá việc chiếu ở nước ngoài, công chúng thường thấy nhà sản xuất, phát hành đính kèm danh sách các rạp. Rạp được thuê thường ở khu vực có đông người Việt sinh sống. Làm giàu với ma chiếu ở 5 thị trường kể trên dưới dạng phim nhập khẩu, nghĩa là sẽ được phân phối ở tất cả hệ thống rạp trên toàn thị trường đó. Tương tự như Việt Nam nhập khẩu nhiều phim ngoại về chiếu trên các cụm rạp toàn quốc. Đây là một niềm vui mang tính khích lệ rất lớn cho bộ phim từ khi chưa ra mắt”.

Phim Ma da sắp ra mắt ngày 16/8 sẽ phát hành cùng lúc tại Việt Nam và Úc, New Zealand, Hàn Quốc. Theo ông Ngọc Thạch - đại diện nhà sản xuất phim Ma da - cho biết: “Đây là lần đầu phim Việt được phát hành cùng lúc tại 4 quốc gia. Các phim trước đây thường sẽ phát hành trong nước trước, sau đó mới phát hành quốc tế. Ma da là bộ phim tiên phong làm điều khác biệt này”. Từ ngày 1 - 4/8, nữ diễn viên chính của phim là nghệ sĩ Việt Hương cùng các nghệ sĩ Trung Dân, Dạ Chúc, Hoàng mèo… đã giao lưu, gặp gỡ khán giả tại Úc. 4 suất chiếu đặc biệt ở Úc thu hút 1.500 khán giả. Trước Ma da, phim Đóa hoa mong manh ra mắt tại quê nhà sau thị trường nước ngoài. Do phim được quay hoàn toàn tại Mỹ nên ê kíp quyết định phát hành phim ở Mỹ từ ngày 29/3, tại gần 60 cụm rạp; trong khi ở Việt Nam, đến ngày 18/4 phim mới chiếu. Đây cũng là phim Việt đầu tiên được phát hành thương mại tại Ấn Độ và được lồng tiếng bằng cả tiếng Anh cũng như tiếng Hindi.

Nâng cao nhận diện cho điện ảnh Việt

Để lôi kéo sự chú ý của khán giả ở thị trường nước ngoài, các chiến dịch quảng bá cũng được tổ chức rầm rộ. Ngày 10/8 qua, ê kíp phim Ma da có buổi giao lưu khán giả tại Seoul (Hàn Quốc). Đoàn phim chọn đặt banner tại Westfield - Northland - dù đây là khu vực rất ít người Việt sinh sống - với mong muốn thu hút cả khán giả người nước ngoài. Ngoài ra, nhà sản xuất còn mạnh tay sử dụng OOH (quảng cáo ngoài trời) trên đường cao tốc. Đoàn phim Đóa hoa mong manh lên lịch trình chiếu ra mắt và cinetour dày đặc kéo dài nửa tháng tại 11 thành phố/tiểu bang khác nhau của Mỹ. Những hoạt động này ít nhiều đã thu hút sự quan tâm của công chúng nước sở tại.

leftcenterrightdel
 Ê kíp phim Ma da tổ chức chiếu ra mắt, giao lưu ở Úc trước cả Việt Nam

Nhiều năm trở lại đây, điện ảnh Việt bắt đầu dần nhận được sự chú ý khi có nhiều phim Việt đoạt giải thưởng lớn ở những liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, với dòng phim thương mại, phim Việt chưa nằm trong tầm ngắm của thị trường nước ngoài. Anh Huỳnh Đức Thọ cho biết: “Khó khăn của phim Việt trên thị trường nước ngoài là chưa đủ độ nhận diện. Điện ảnh Việt thời gian qua có một số phim thành công, ăn khách, nhưng không nhiều nên thị trường nước ngoài không biết được phim Việt có phù hợp khi đem về chiếu hay không chứ chưa nói đến chuyện phim hay, dở. Làm giàu với ma vào được Indonesia, Malaysia, Campuchia, Brunei và Đài Loan (Trung Quốc) nhờ Mockingbird Pictures là đơn vị nhập nhiều phim về Việt Nam (Quật mộ trùng ma, Quỷ ăn tạng, Nhân duyên tiền đình) nên có mối quan hệ tốt với các nhà phát hành ở các thị trường này. Trong đó, việc phim được vào chiếu ở 100 cụm rạp tại Indonesia là thành công lớn, vì đây là thị trường điện ảnh có doanh thu cao nhưng khán giả chỉ chuộng phim nội địa”.

Phim Việt thiếu bản sắc là hạn chế lớn nhất trên con đường xuất khẩu. Theo ông Ngọc Thạch, việc Ma da phát hành đồng thời ở 4 nước là một thử thách mà bộ phim muốn đặt ra: “Ê kíp muốn đưa một nét văn hóa tâm linh, đặc trưng của Việt Nam đến với thị trường quốc tế - điều mà bất kỳ nhà làm phim nào cũng hướng tới”.

Việt Nam vẫn còn là nền điện ảnh mới toanh trong mắt khán giả quốc tế và là cái tên xa lạ trên bản đồ xuất khẩu phim ảnh. Hiệu quả kinh tế của những nỗ lực phát hành theo các phương thức mới kể trên có thể chưa cao nhưng cũng là tín hiệu tích cực. Sự tiên phong của các phim trên đang đặt những viên gạch đầu tiên cho giấc mơ xuất khẩu phim thương mại. Hy vọng tương lai không xa, cùng với sự thành công của dòng phim nghệ thuật ở các liên hoan phim, dòng phim thương mại, giải trí trong nước cũng tìm được chỗ đứng ở thị trường nước ngoài.

Theo phụ nữ TPHCM