Sau sáu thập niên kể từ khi Barbie bắt đầu xuất hiện ở thị trường bán lẻ, hãng đồ chơi danh tiếng Mattel tung ra thiết kế búp bê khiếm thị đầu tiên. Mattel mong muốn khiến thương hiệu kinh điển này trở nên đa dạng hóa và giàu giá trị cộng đồng hơn nữa.

Phiên bản Barbie khiếm thị nay đã có mặt tại cửa hàng bán lẻ và website mua sắm trực tuyến. Công ty đồ chơi của Mỹ tiết lộ, sản phẩm được tạo ra nhằm mục đích đại diện cho trẻ em mù, thị lực kém.

leftcenterrightdel
 Mẫu búp bê Barbie khiếm thị mới xuất hiện trên thị trường - Ảnh: Mattel

Thiết kế tinh tế

“Chúng tôi nhận ra, Barbie hiện giờ không chỉ là búp bê. Các hình tượng Barbie khác nhau có thể ẩn chứa thông điệp về sự tự hào cá nhân và cảm giác kết nối giữa những cộng đồng khác nhau”, Krista Berger, Phó chủ tịch cấp cao quản lý thương hiệu Barbie trên toàn cầu, cho biết.

Mattel cộng tác cùng Tổ chức Bảo trợ Người mù của Hoa Kỳ để đảm bảo, mỗi chi tiết trên mẫu búp bê - từ đôi mắt đến trang phục - mô phỏng chính xác hình ảnh người khiếm thị hoặc thị lực kém.

Barbie khiếm thị giữ trong tay một cây gậy chỉ đường màu đỏ, trắng. Ánh mắt búp bê hơi ngước lên, nhìn ra xa “để phác họa ánh mắt đôi khi trông xa xăm, khác biệt ở người mù”.

Quần áo Barbie được may từ vải khơi gợi xúc giác (chất liệu có thể dùng xúc giác để nhận diện rõ), gồm một chiếc áo thun sa tanh hồng và váy bồng màu tím từ vải tuyn. Một số chi tiết trang trí nhỏ trên áo, dây đai lưng được làm tinh tế, tỉ mỉ, trợ giúp trẻ khuyết tật dễ dàng thay trang phục cho búp bê. Hộp đựng bên ngoài cũng được in chữ nổi thân thiện với người khiếm thị.

Lucy Edwards, nhà hoạt động xã hội và phát thanh viên khiếm thị đang sống tại Anh, trở thành đại diện trong một chiến dịch quảng bá mẫu Barbie mới. Cô bày tỏ, “búp bê nhỏ xinh này có ý nghĩa rất lớn với mình”.

“Thời còn là thiếu nữ, tôi từng thấy bị cô lập bởi thị lực đã mất, lại chưa từng tìm được hình mẫu nhân vật nào giống những người khuyết tật như tôi”, Edwards nói. “Tôi từng xấu hổ vì cây gậy chỉ đường của mình - nhưng cầm trên tay Barbie với món phụ kiện tương tự, tôi như được san sẻ nỗi cô độc trên hành trình học cách đón nhận sự khác biệt ở bản thân”.

leftcenterrightdel
 Ngày càng nhiều thiết kế búp bê Barbie hiện đại “gửi gắm” thông điệp bình đẳng - tôn trọng sự khác biệt màu da và ngoại hình - Ảnh: CNN

Không e ngại vì mình khác biệt

Chiến dịch quảng bá búp bê Barbie khiếm thị rất được hoan nghênh tại nước Anh, xúc tiến bởi Viện Người mù Hoàng gia (RNIB) - tổ chức từ thiện uy tín ở Vương quốc Anh. “Barbie đem lại niềm vui, cũng như kích thích trẻ em khám phá, thấu hiểu thế giới xung quanh”, Debbie Miller, Giám đốc bộ phận tư vấn tại RNIB, chia sẻ.

“Chúng tôi rất mừng khi nghĩ đến việc trẻ khiếm thị giờ đây có thể trải nghiệm một sản phẩm đồ chơi tương đồng với các em. Chi tiết như quần áo, gậy chỉ đường và kính râm của búp bê đều được tạo hình cân nhắc, tinh tế. Barbie khiếm thị, nhờ đó, góp phần tuyên truyền hình ảnh chân thật về người mù đến công chúng. Chúng tôi hy vọng về sau, điều này sẽ tạo nên ảnh hưởng xã hội tích cực”.

Năm ngoái, Mattel gây chú ý với mẫu búp bê Barbie da màu mô phỏng người mắc hội chứng Down. Tham khảo ý kiến, chỉ dẫn từ Hiệp hội Hội chứng Down Quốc gia tại Hoa Kỳ, công ty thiết kế những chi tiết đặc biệt trên búp bê nhằm phản ánh nét đặc trưng ở những ai mắc chứng rối loạn di truyền này.

Hai mẫu búp bê đều thuộc dòng sản phẩm Barbie Thời trang, lần đầu ra mắt năm 2009. Và lần đầu tiên, một số phiên bản búp bê Barbie trong bộ sưu tập kể trên phác họa cơ thể người cũng như màu da đa dạng hơn, đại diện cho cộng đồng yếu thế như người khuyết tật, mắc bệnh bẩm sinh.

Theo phụ nữ TPHCM