leftcenterrightdel
 Nước ngọt được trưng bày tại một trung tâm mua sắm ở Karachi (Pakistan)

Hãng Reuters ngày 7.11 dẫn một báo cáo mới công bố cho rằng những công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới bán những sản phẩm ít tốt cho sức khỏe hơn tại những nước thu nhập thấp, so với sản phẩm họ bán ở những nước thu nhập cao.

Báo cáo của Sáng kiến Tiếp cận dinh dưỡng (ATNI), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Lan, đánh giá các sản phẩm của 30 công ty lớn, trong đó có Nestle (Thụy Sĩ), PepsiCo (Mỹ) và Unilever (Anh).

Kết quả cho thấy các sản phẩm bán tại những nước thu nhập thấp có số điểm thấp hơn trong hệ thống đánh giá do Úc và New Zealand phát triển. Hệ thống này có mức điểm cao nhất là 5.

Tại các nước thu nhập thấp, các công ty đa quốc gia này chỉ được đánh giá 1,8 điểm. Tại các nước thu nhập cao, nơi nhiều sản phẩm hơn được thử nghiệm, số điểm là 2,3.

"Đó là một bức tranh rõ ràng cho thấy những gì các công ty này đang bán tại những nước nghèo nhất thế giới, nơi họ ngày càng hoạt động nhiều hơn, lại không phải là những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe. Đây là lời cảnh tỉnh đối với các nước", theo Giám đốc nghiên cứu Mark Wijne tại ATNI.

Đây là lần đầu tiên ATNI đánh giá riêng giữa các nước thu nhập thấp với thu nhập cao. ATNI cho rằng việc đánh giá này là quan trọng vì thực phẩm đóng gói ngày càng góp phần gây ra khủng hoảng béo phì.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hơn 1 tỉ người trên thế giới hiện sống trong tình trạng béo phì. Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính khoảng 70% người thừa cân hoặc béo phì sống tại các nước thu nhập thấp và trung bình.

Một phát ngôn viên của Nestle cho biết công ty tăng cường các sản phẩm để giúp thu hẹp khoảng cách dinh dưỡng ở các nước đang phát triển. "Chúng tôi cam kết tăng bán các thực phẩm dinh dưỡng hơn, cũng như hướng dẫn mọi người về chế độ dinh dưỡng cân bằng hơn", theo phát ngôn viên trên.

Một phát ngôn viên của PepsiCo từ chối đưa ra bình luận. Năm ngoái, công ty đặt mục tiêu giảm muối trong khoai tây chiên và thêm các nguyên liệu như ngũ cốc nguyên hạt vào các sản phẩm của mình.

"Chúng tôi thừa nhận rằng luôn có nhiều điều phải làm hơn nữa, ở cả cấp độ kinh doanh và công nghiệp", theo nhà nghiên cứu trưởng Isabella Esser tại công ty Danone (Pháp), công ty có số điểm cao nhất trong báo cáo.

Theo Thanh niên