Các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đang giúp nhiều quốc gia giàu có chiến thắng đại dịch Covid-19, trong khi rất ít vaccine được sử dụng tại các quốc gia kém phát triển, nơi virus vẫn hoành hành không thể kiểm soát.

Nhiều cáo buộc “phân biệt chủng tộc bằng vaccine” được đưa ra, South China Morning Post đưa tin.

“Chúng ta nên cúi đầu xấu hổ”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói. “Chúng ta đang trong một cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch. Khi bạn tham gia vào cuộc chiến và tất cả các nước đều là đồng minh, bạn phải sử dụng tất cả vũ khí của mình để hỗ trợ chứ không phải giấu nó vì lợi nhuận và trả giá bằng mạng sống".

                                                                            Một phụ nữ lớn tuổi được tiêm vaccine Covid-19 ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP.


Tỷ phú Bill Gates cũng cho hay các quốc gia phát triển đã tiếp cận hơn 80% trong số một tỷ mũi vaccine đầu tiên, so với 0,2% ở các quốc gia có thu nhập thấp.

“Nếu chúng ta không thu hẹp khoảng cách to lớn này, sẽ có nhiều người chết. Có hai hành động ngay lập tức mà các quốc gia có thể thực hiện: viện trợ tiền mặt và chia sẻ vaccine”, ông nói.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các nước phát triển và các hãng dược phẩm lớn hôm 22/5 đã cam kết sẽ gia tăng lượng vaccine đến các nước nghèo để thu hẹp khoảng cách trong cuộc chiến Covid-19.

Hãng dược Pfizer và BioNTech đã cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine giảm giá trong năm nay cho các quốc gia nghèo.

Johnson & Johnson cũng hứa dành 200 triệu liều vaccine của mình cho chương trình COVAX, chương trình chia sẻ vaccine do WHO đồng dẫn đầu.

Ngoài ra, EU cũng cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi.

“Khi chúng ta chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, ưu tiên hàng đầu là phải là đảm bảo rằng tất cả cùng nhau vượt qua đại dịch hiện tại. Chúng ta phải tiêm chủng cho thế giới, và làm điều đó thật nhanh chóng”, Thủ tướng Italy Mario Draghi nói.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đề xuất một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD để chấm dứt đại dịch bằng cách tiêm chủng cho ít nhất 40% người dân vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% vào nửa đầu năm 2022.

“Sự phát triển nhanh chóng của các loại vaccine phòng ngừa covid-19 là thành tựu của khoa học, nhưng sự phân bổ không công bằng vaccine có thể là một thất bại của nhân loại”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.

Theo Zing