Theo Liên hiệp quốc, số người sống trăm tuổi đang là nhóm nhân khẩu học phát triển nhanh nhất. Năm 2015, toàn cầu có khoảng 451.000 người trên 100 tuổi, đến năm 2050, ước tính con số này lên đến 3,7 triệu người. Dân số già đi và số người chọn nghỉ hưu sớm tăng đang là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia phát triển.

Tuổi thọ cao, mức sinh thấp

Thay vì nghỉ hưu ở tuổi 60, một số người hiện mong muốn kéo dài tuổi lao động. Tuy nhiên họ lại phải gánh chịu sự phân biệt đối xử về tuổi tác tại chỗ làm và cả những khía cạnh khác của cuộc sống, bao gồm chăm sóc sức khỏe và giải trí. Một cuộc thăm dò của Hiệp hội Hưu trí Hoa Kỳ (AARP) cho thấy, 78% người lao động lớn tuổi xác nhận đã phải trải qua sự coi thường về tuổi tác. Đây là mức cao nhất kể từ khi AARP bắt đầu thu thập dữ liệu này vào năm 2003. 

Tuổi thọ tăng, tỉ lệ sinh giảm khiến nhiều quốc gia thiếu hụt lao động - ẢNH: GETTY IMAGES
Tuổi thọ tăng, tỉ lệ sinh giảm khiến nhiều quốc gia thiếu hụt lao động - ẢNH: GETTY IMAGES
 

Cùng với đó, tỉ lệ sinh ngày càng giảm cũng là một thực tế nan giải. Có đến 40 tiểu bang tại Mỹ ghi nhận tỉ lệ sinh thấp nhất trong 3 thập niên kể từ năm 1990. Vấn đề nghiêm trọng của sự sụt giảm sinh đẻ là tình trạng khan hiếm lao động cho nền kinh tế. Các công ty khó có thể duy trì tính cạnh tranh nếu họ không tìm đủ tài năng và nguồn nhân lực. Với các dự báo về tuổi thọ ngày càng cao, Thượng viện Pháp vừa thông qua luật tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và khiến nước Pháp ngập trong các cuộc phản đối.

Xét cho cùng, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ hiệu quả khi người sử dụng lao động sẵn sàng thuê và giữ lại nhân công lớn tuổi. Tại Mỹ, dữ liệu mới nhất của Cục Điều tra dân số cho thấy, nhóm lâm vào tình trạng nghèo đói ngày càng nhiều là những người trên 65 tuổi. Nhưng không giống như Pháp, Mỹ có các khoản dự phòng xã hội. Các công ty và chính quyền địa phương thường cung cấp các khoản lương hưu được ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích người lao động không về hưu sớm. Trong thế tiến thoái lưỡng nan của các nền kinh tế lớn, Liên hiệp quốc đang kêu gọi các quốc gia tăng cường những biện pháp bảo vệ chống phân biệt tuổi tác.

Ưu tiên chất lượng sống 

Tại Anh, dù chi phí sinh hoạt tăng cao, người lao động vẫn thích nghỉ hưu sớm và từ chối các lời mời gọi đi làm lại. Ở độ tuổi 50, nhiều người dân London quyết định dành thời gian để sống hơn là làm việc. Vì nhiều lý do - áp lực, căng thẳng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, sức khỏe bị đe dọa… - hàng trăm ngàn công nhân lớn tuổi đã rời bỏ công việc. Đây là nguyên nhân lớn góp phần gây ra tình trạng thiếu lao động kinh niên, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Anh trong nhiều năm tới.

Đối với chính phủ, lực lượng lao động giảm là vấn đề đau đầu, làm giảm năng lực kinh tế, tăng áp lực nhu cầu tiền lương và lạm phát. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia, kể từ quý IV/2019, đã có 408.000 người Anh trong độ tuổi từ 16-64 rời khỏi lực lượng lao động. Trong đó, có đến 313.000 người trên 50 tuổi. Tỉ lệ việc làm của người lao động trong độ tuổi 55-64 đã giảm nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào khác.

Khả năng tài chính đóng vai trò quan trọng trong quyết định nghỉ hưu sớm. Dựa trên dữ liệu từ trước đại dịch, những người 50-59 tuổi có khả năng nghỉ hưu sớm gấp 10 lần so với các nhóm khác. Người Anh có lương hưu tư nhân, có thể rút tiền một lúc mà không phải nộp thuế nếu trên 55 tuổi. Độ tuổi này thấp hơn so với những quốc gia khác. Stephen Millard - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Anh quốc - cho biết chính sách này đã khiến Anh giảm nhiều lao động lớn tuổi hơn.

Nghiên cứu của Hiệp hội các Nghiệp đoàn Anh (TUC) cho thấy một vấn đề khác. Với những người ở độ tuổi 50-64 có mức lương không cao, lý do phổ biến để nghỉ việc sớm là sức khỏe kém. So với cuối năm 2019, có thêm 390.000 người trong độ tuổi lao động cho biết vấn đề sức khỏe là lý do khiến họ không muốn tiếp tục 
làm việc.

Trung Quốc cũng đang lên lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng giai đoạn để đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng. Nước này có tuổi hưu thuộc hàng thấp nhất thế giới: 60 tuổi đối với nam và 55 đối với nữ văn phòng và 50 tuổi đối với phụ nữ làm việc trong các nhà máy. Khi dân số giảm và già đi do chính sách 1 con từ năm 1980-2015, áp lực đang đè lên ngân sách lương hưu. Ủy ban Y tế quốc gia dự đoán nhóm người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 280 triệu lên hơn 400 triệu người vào năm 2035, tương đương toàn bộ dân số hiện tại của Anh và Mỹ cộng lại. 

Theo phụ nữ TPHCM