Nguyên nhân nào gây tử vong?
- Chết vì ngạt thở (đây là nguyên nhân hàng đầu).
- Chết vì bị chèn ép quá mức (khi đám đông xô đẩy nhau).
- Chết vì bị giẫm đạp (khi nạn nhân bị ngã và bị người khác giẫm đạp lên người).
Vì sao đám đông trở nên hỗn loạn?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý hành vi đám đông, mọi người luôn quan sát tìm một khoảng không gian trống trải hơn trước mặt mình. Bởi thế nó sẽ gây ra một hiệu ứng như làn sóng, người ta sẽ cứ chen vào những khoảng trống và làm cho không gian xung quanh càng chật chội hơn.
Tình thế sẽ trở ngày càng căng thẳng hơn, khó chịu hơn khi xung quanh chúng ta không còn khoảng trống nào nữa. Tâm lý chúng ta trở nên bực bội, rất dễ nổi nóng vì một vài va quẹt nhỏ của những người xung quanh.
Ta trở nên hung hăng, sẵn sàng chen lấn, xô đẩy người khác để tìm cho mình một khoảng trống dễ chịu hơn. Đó là tâm lý chung của con người trong một đám đông, và khi mật độ tụ tập của đám đông ngày càng cao hơn, lại càng làm gia tăng sự căng thẳng và bất an về tâm lý cho mọi người.
Đó cũng là lúc dễ xảy ra hoảng loạn nhất. Có thể xuất phát từ một vụ xô xát trong đám đông, một kẻ nghịch phá nào đó tung tin thất thiệt, một tiếng động lớn bất thường,…
Qua điều tra các tai nạn do giẫm đạp, người ta nhận thấy rất nhiều người bị thương vong vì những nguyên nhân tưởng tượng chứ không phải do mối đe doa thực tế tại thời điểm đó. Bởi thế, chúng ta cứ cắm đầu chạy, xô đẩy giẫm đạp nhau tìm cách thoát thân mà chẳng cần suy nghĩ, và đó chính là nguyên nhân chủ yếu của những thương vong trong những vụ đám đông hoảng loạn.
Nên nắm rõ địa thế nơi diễn ra lễ hội
Quan sát, lưu ý tất cả các lối thoát ở địa điểm ngay khi đến nơi. Làm quen với môi trường xung quanh và xác định các lối ra thay thế. Sẽ nhanh chóng thoát khỏi nguy hiểm khi chúng ta đã biết lối thoát nằm ở đâu. Nhận biết địa hình nơi mình đang đứng, bởi khi đám đông di chuyển trên mặt đất ẩm ướt, mấp mô hoặc trơn trượt, gần ao hồ… sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta bị ngã, rơi.
Hãy nhận biết bầu không khí chung của sự kiện, cảnh hỗn loạn thường có thể được dự báo trước. Nếu bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nên xem xét rời khỏi đó, chỉ một vài giây thôi cũng đủ tạo ra sự khác biệt. Tránh kịch bản tồi tệ nhất khi mắc kẹt trong đám đông.
Phải làm gì để sống sót giữa đám đông hỗn loạn?
- Cố gắng giữ thăng bằng và đứng thật vững. Nếu đi thì cố gắng di chuyển cùng hướng và cùng tốc độ với đám đông. Để đứng vững, hãy đứng so le chân để giữ thăng bằng và "thủ tay như võ sĩ quyền anh", động tác này sẽ giúp bảo vệ tim và phổi khỏi những lực ép có thể lên tới hàng nghìn kg áp lực đè nén lồng ngực.
- Nếu bị ngã hãy làm mọi cách để đứng dậy và ngay lập tức giúp đỡ những người khác bị ngã. Nếu không thể đứng dậy, hãy nằm nghiêng đưa tay ôm đầu để bảo vệ đầu và co chân lên gần với cơ thể (tư thế thai nhi nằm trong tử cung), giúp bảo vệ các cơ quan trong cơ thể, tuyệt đối không nằm sấp hoặc nằm ngửa.
- Đi theo dòng người, tìm cơ hội để thoát đám đông. Có thể đi theo đường chéo hoặc ra 2 bên để thoát ra khỏi trung tâm của sự chen lấn. Lặp lại quá trình này cho đến khi thoát khỏi nguy hiểm. Hãy tìm khoảng trống giữa mọi người để từ từ thoát ra khỏi nguy hiểm. Nếu có thể, hãy tìm vật để che chắn cơ thể. Tất nhiên, nếu lỡ đánh rơi thứ gì đó, hãy bỏ đi.
- Giữ bình tĩnh và tỉnh táo. Đừng la hét, vì không ai thực sự có thể nghe thấy bạn, và trong trường hợp bị đám đông đè bẹp, la hét càng làm mất nhiều oxy. Mất oxy có thể dẫn đến ngất xỉu. Vì vậy, nếu cần, hãy cố ra dấu bằng tay, giao tiếp bằng mắt hoặc nét mặt.
- Tránh xa các bức tường, rào chắn để khỏi bị đám đông ép vào đó. Khi một đám đông dồn về một phía sẽ tạo nên một lực tác động rất lớn, có thể xô sập các bức tường gạch chắc chắn. Chỉ cần 6 đến 7 người cùng đẩy về một hướng có thể tạo một lực đủ bẻ cong lan can thép hoặc lật đổ bức tường gạch.
- Nếu thấy lo lắng về quy mô của đám đông, tốt nhất nên tránh xa, đứng ở ngoài rìa an toàn hơn. Nếu thấy xô đẩy và chen lấn, tốt nhất là di chuyển ra xa và tránh đám đông.
Theo suckhoedoisong.vn