leftcenterrightdel
Khi hủy chuyến đột ngột, các hãng hàng không phải có chính sách đền bù cho hành khách trên chuyến bay đó. Ảnh: A.P. 

Nhu cầu du lịch và đi lại tăng cao khiến các sân bay ở châu Âu luôn chật kín người. Tình trạng này đã xảy ra từ tháng 4 và được dự báo sẽ tiếp diễn đến hết mùa du lịch hè năm nay.

Cũng trong thời gian này, du khách thường xuyên gặp phải những tình huống trớ trêu liên quan đến chuyến bay của mình như trễ chuyến, hủy chuyến đột ngột hay thất lạc hành lý.

Theo Thomas Raynaert, CEO của Airlines for Europe (Hiệp hội Hàng không châu Âu), hiện vẫn chưa có giải pháp ngắn hạn nào để xử lý tình trạng quá tải này. Dưới đây là một số gợi ý đến từ các chuyên gia giúp hành khách giảm thiểu rủi ro tại các sân bay châu Âu trong hè.

Có nên hủy chuyến bay?

 Chuyên gia tài chính Martin Lewis đánh giá việc tự động hoãn, hủy chuyến bay của du khách như đang chơi trò "mèo vờn chuột".

"Bạn sẽ không nhận được khoản phí bồi thường nào từ các hãng bay dù hủy chuyến với bất kỳ lý do nào", anh chia sẻ trên blog cá nhân. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn quyết định hủy, hãy kiểm tra kỹ các điều khoản, điều kiện đặt vé của hàng hãng không để đảm bảo không bị thiệt thòi hay chịu thêm chi phí.

Hiệp hội Du lịch Vương quốc Anh (ABTA) cũng khuyến cáo hành khách không nên chủ động hủy chuyến do e ngại những rủi ro có thể xảy ra ở sân bay.

Nếu sân bay quá tải, các chuyến bay bị hoãn, hủy, đó sẽ là lỗi của các hãng hàng không và bạn sẽ được hưởng khoản bồi thường từ hãng. Chính vì vậy, du khách nên tiếp tục kế hoạch của mình trong hè này.

Không nên đến sân bay quá sớm

 Du khách đến quá sớm so với giờ bay là một trong những nguyên khiến sân bay ngày càng trở nên hỗn loạn, chuyên gia du lịch người Anh, Simon Calder, nhận định.

CEO tạm thời của sân bay Manchester (Anh), Ian Costigan, cũng đồng tình với quan điểm trên: "Việc đến quá sớm có thể gây ra sự chờ đợi không cần thiết trong nhà ga".

leftcenterrightdel
Theo nhiều chuyên gia, việc du khách đến sân bay quá sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải. Ảnh: Financial Times. 

Sân bay này đã phải thực hiện chiến dịch kêu gọi hành khách không đến sớm hơn chuyến bay của họ quá 3 tiếng. Mỗi chuyến bay sẽ có một khung giờ riêng để hành khách làm thủ tục. Nếu đến sớm hơn thời gian này, nhân viên cũng không thể tiếp nhận và giải quyết giúp bạn.

Nhiều người nghĩ rằng nếu đến sớm hơn sẽ không phải mất thời gian chờ đợi, xếp hàng. "Những người đến sớm năm tiếng chỉ góp phần thêm vào dòng người chờ đợi và khiến sân bay đông hơn", Rex Nikkels, chuyên gia giải quyết các vấn đề ở sân bay của hãng lữ hành TUI, cho biết.

Cẩn thận trong việc đóng gói hành lý

 Paul Stewart, Giám đốc điều hành của công ty vận chuyển hành lý My Baggage, cho biết: “Tại Anh, hàng trăm hành khách vẫn chưa nhận được hành lý ký gửi của mình trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày sau chuyến bay".

Một trong những giải pháp ông đưa ra để giúp du khách giảm thiểu rủi ro khi bị thất lạc hành lý là mua bảo hiểm du lịch trước chuyến đi. Trong một số trường hợp, việc yêu cầu bồi thường từ bảo hiểm có thể hiệu quả hơn so với các hãng hàng không.

leftcenterrightdel
Quá trình tìm lại hành lý thất lạc có thể mất rất nhiều thời gian. Ảnh: Travel Off Path. 

Đa phần các hãng hàng không sẽ không chịu trách nhiệm với những món đồ có giá trị bên trong hành lý ký gửi, trừ khi bạn khai báo ngay từ đầu hoặc trả thêm phí cho chúng.

Chính vì vậy, với đồ điện tử, trang sức, tài liệu quan trọng... du khách nên để chúng trong hành lý xách tay và mang theo bên mình trong suốt chuyến bay.

Theo zingnews