Trang VerywellFamily đưa ra sáu cách sau giúp bố mẹ xử lý khi các con đánh nhau.
Dạy con cách thảo luận giải quyết vấn đề
Trẻ nhỏ bất đồng ý kiến và khi không biết cách giải quyết thì lao vào đánh nhau để phân thắng thua. Trường hợp này, bố mẹ cần dạy con cái cách thảo luận, đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề.
Trẻ nhỏ thường xuyên cãi lộn, đánh nhau. Ảnh: Themotherco
Trước hết, bố mẹ cùng các con phân tích tình huống tranh chấp, sau đó đưa ra một loạt giải pháp có thể và phân tích ưu, nhược điểm của từng cái, sau cùng chọn giải pháp tốt nhất.
Bố mẹ hãy dặn con nếu lần sau xung đột hãy áp dụng cách này. Ngoài ra, hãy đưa ra quy tắc về những gì có thể và không thể làm. Chẳng hạn việc la hét, khóc lóc ăn vạ hoặc đánh nhau sẽ không đem lại lợi ích gì.
Trở thành hình mẫu cho con
Trẻ nhỏ là bản sao của bố mẹ. Nếu trong đời sống thường ngày, bố mẹ hay cãi vã, chửi bới, thậm chí còn "động thủ" với nhau thì con cái rất dễ học theo. Hãy nhớ rằng, con cái luôn quan sát bố mẹ mọi lúc, mọi nơi, vì thế hãy chú ý từng lời ăn tiếng nói cũng như hành động của mình.
Trẻ thường để ý cách bố mẹ phản ứng và hành động đáp trả mỗi khi chúng nổi điên, bất đồng ý kiến với điều gì đó. Vậy nên để làm gương cho con, chính bố mẹ cũng phải bình tĩnh, tự kiềm chế cảm xúc và chọn cách giải quyết hợp lý.
Lờ đi khi con đánh nhau
Ẩu đả là một trong những cách trẻ thu hút sự chú ý của người lớn và đối với một số đứa trẻ, sự chú ý tiêu cực tốt hơn là không được để ý tới. Hầu hết trận đánh nhau của trẻ nhỏ đều vô nghĩa và thường sẽ tự kết thúc nhanh chóng. Sự can thiệp của người lớn đôi khi chỉ làm trì hoãn quá trình trẻ tự kết thúc cuộc ẩu đả.
Trường hợp con cái ẩu đả vô nghĩa, bố mẹ hãy phớt lờ, đừng để chúng trở thành tâm điểm trong nhà. Bạn có thể yêu cầu con tìm phòng khác yên tĩnh hơn để giải quyết xung đột và không ra khỏi phòng cho đến khi nào mọi thứ xong xuôi.
Giữ thái độ bình tĩnh khi can thiệp
Khi can thiệp vào trận ẩu đả của con cái, bố mẹ nhớ giữ bình tĩnh, đừng la hét hay nói những từ ngữ chửi bới, xúc phạm, bởi điều đó rất dễ khiến trẻ kích động. Khi trẻ ẩu đả, tâm trạng chúng đang không được tốt, và nếu bố mẹ ứng xử không khéo có thể khiến chúng lao vào đánh nhau hăng máu hơn.
Đối xử bình đẳng
Cái bẫy mà hầu hết mọi ông bố bà mẹ mắc phải là cố gắng điều tra xem đứa nào bắt đầu cuộc chiến trước, đứa nào nói sai trước và những gì gây ra trận xung đột. Sau đó, bố mẹ chọn phe và đưa ra các hình phạt cho con. Điều này đã vô tình dán nhãn, định hình giữa các con ai là nạn nhân, ai là kẻ bắt nạt.
Hãy nhớ rằng, với hầu hết trường hợp, hình phạt cho các con phải như nhau và không được có ngoại lệ. Mục tiêu chính của bố mẹ phải là ngừng trận đánh lộn và không để cho con có tư tưởng mình đã thắng hoặc thua.
Để ý hơn đến cảm xúc của con
Giống như người lớn, con cũng có lúc mệt mỏi, căng thẳng và khi quá stress có thể hành động quá khích, dẫn đến những trận đánh lộn với anh chị em.
Bố mẹ hãy cố gắng quan sát biểu hiện của con, xem chúng có mệt mỏi, hoặc đói hay không. Con cái cần biết rằng chúng được yêu thương như nhau, bất kể hành động ra sao. Nhưng bố mẹ sẽ hạnh phúc nhất khi chúng cư xử tốt. Thỉnh thoảng, bạn hãy trao những cái ôm để động viên con.
Việc bố mẹ thường xuyên khen ngợi khi con làm việc tốt sẽ thúc đẩy hành vi tích cực ở con. Con sẽ nhận ra bố mẹ chú ý đến mình hơn nhờ những hành động tốt chứ không phải những trận đánh lộn, hành động tiêu cực.
Theo
vnexpress