"Khi tao tóm được mày sẽ không ai có thể tìm được", giọng đàn ông nói đầy hăm dọa với Dorothy trong một cuộc gọi vào đầu năm 1980.

Dù nhận được nhiều cuộc gọi có nội dung tương tự trong những tháng qua, Dorothy vẫn không thể giữ được bình tĩnh. Không những dùng ngôn ngữ bạo lực để đe dọa, kẻ ở đầu dây bên kia còn có hành động cho thấy hắn đang thực sự theo dõi Dorothy, ví dụ như có thể mô tả chính xác chị đang ở đâu và làm gì. Một lần, sau khi gã nói đã để quà tặng ở ngoài nhà, Dorothy tìm thấy trên kính chắn gió ôtô một bông hồng đã héo úa.

Trước khi trở thành nạn nhân của những cuộc gọi hăm dọa, Dorothy, 32 tuổi, sống cuộc sống bình dị bên con trai bốn tuổi và người dì ruột tại thành phố Stanton, bang California. Trong tuần, chị làm thư ký cho một cửa hàng tại thành phố Anaheim, cùng thuộc bang California. Khi đi làm, Dorothy gửi con ở nhà bố mẹ đẻ, cách nơi làm việc chỉ vài tòa nhà. Mỗi tối, bà mẹ đơn thân đón con về, nấu cơm rồi đọc sách hoặc xem hoạt hình cùng con. Theo bố đẻ, Dorothy không có bạn trai và cũng hiếm khi ra ngoài hẹn hò.

Khi những cuộc gọi nặc danh trở nên nghiêm trọng hơn, Dorothy tính tới việc mua súng phòng thân. Tuy nhiên, ý tưởng này bị gạt đi vì chị sợ con trai sẽ nghịch ngợm và tự bắn bị thương. Một tuần trước khi mất tích, Dorothy đăng ký học võ karate để biết cách tự vệ phòng thân. Nhưng những gì Dorothy được dạy có lẽ không giúp chị chuẩn bị cho điều sắp xảy ra.


                                                          Dorothy cùng con trai. Ảnh: Findagrave.

Ngày 28/5/1980, Dorothy như thường lệ gửi con ở nhà ông bà ngoại rồi tới chỗ làm. Hôm đó, chị phải ở lại muộn để họp nhân viên vào lúc 21h.

Cuộc họp bị gián đoạn giữa chừng vì Conrad, đồng nghiệp của Dorothy, thấy khó chịu trong người sau khi trên tay bị vết sưng đỏ. Dorothy cùng đồng nghiệp khác tên Pam phải bỏ họp để đưa Conrad đi bệnh viện. Trên đường tới bệnh viện, Dorothy có dừng qua nhà bố mẹ đẻ.

Tại bệnh viện, Conrad được xác định bị nhện độc cắn nhưng do chữa trị kịp thời nên có thể xuất viện vào khoảng 23h. Lúc này, Dorothy nói sẽ ra bãi đỗ để lấy xe và gặp mọi người ở trước bệnh viện. Tuy vậy, hai người đồng nghiệp chờ một lúc mà không thấy Dorothy nên phải đi bộ ra bãi đỗ.

Bất ngờ, hai đồng nghiệp nhìn thấy ôtô của Dorothy lăn bánh khỏi bãi đỗ xe rồi phóng vụt qua họ. Chiếc xe bật chế độ đèn pha, ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt người đối diện nên không rõ ai lái xe. "Chúng tôi vẫy tay gọi, Dorothy không thể không nhìn thấy chúng tôi", Pam kể. Lúc ấy, cả hai người chỉ nghĩ Dorothy phải về nhà gấp vì con trai xảy ra chuyện.

Đã muộn mà con gái chưa về đón cháu, bố mẹ Dorothy gọi điện báo tin người mất tích. Tờ mờ sáng hôm sau, xác chiếc xe bị thiêu rụi của Dorothy được tìm thấy tại một thung lũng trong thành phố Santa Ana, cách bệnh viện khoảng 10 dặm.

Trong lúc điều tra vụ mất tích, cảnh sát dặn bố mẹ Dorothy giữ bí mật các thông tin liên quan. Đây là chiến thuật phổ biến của cảnh sát khi xử lý các vụ mất tích hoặc án mạng chưa có lời giải, mục đích là để khi bị thẩm vấn, người bị tình nghi không biết chi tiết về vụ án qua báo đài.

Chỉ vài ngày sau, điện thoại tại nhà bố mẹ Dorothy bắt đầu đổ chuông. "Bà có phải người thân của Dorothy Scott không?", đầu dây bên kia hỏi. Khi người mẹ trả lời "có", gã đàn ông nói "tao bắt được nó rồi" rồi cúp máy. Cuộc gọi này là manh mối đầu tiên trong cuộc điều tra của cảnh sát nhưng cũng mau chóng dẫn tới ngõ cụt.

Phát chán với việc phải giữ im lặng, bố Dorothy liên lạc với tờ báo địa phương. Ngày 12/6/1980, cùng ngày tờ báo này đưa tin về vụ mất tích, thư ký tòa soạn nhận cuộc gọi nặc danh. "Cô ta từng là tình yêu của tôi... Tôi bắt gặp cô ta đi với kẻ khác nhưng cô ta phủ nhận. Tôi đã giết cô ta", người đàn ông bên kia đầu dây sụt sùi. Theo thư ký tòa soạn, người gọi điện biết chi tiết không có trong bài báo như việc Dorothy đưa đồng nghiệp tới bệnh viện hoặc quần áo chị đang mặc khi ấy.

Bốn năm sau đó, gia đình bố mẹ Dorothy chốc chốc lại nhận được cuộc điện thoại thách thức. Những cuộc gọi này đổ chuông khi người mẹ ở nhà một mình vào buổi tối, lần nào cũng là giọng nói của cùng một gã đàn ông. Cho rằng người gọi cũng là kẻ giết người, cảnh sát đặt thiết bị giám sát để truy vết nhưng đều không thành công vì thời lượng gọi không đủ lâu.

Thỉnh thoảng, người gọi khẳng định Dorothy vẫn còn sống dưới tay của hắn. Khi khác, hắn ta lại bật cười và nói đã giết, thể hiện sự khoái trá trước nỗi buồn và sự sợ hãi của bố mẹ Dorothy. Tuy vậy, những cuộc gọi quấy rối đã ngừng lại sau một lần bố Dorothy nhấc máy, thay vì người mẹ như thường lệ.

Tới ngày 6/8/1984, nỗi sợ lớn nhất của bố mẹ Dorothy trở thành hiện thực. Thi thể con gái họ được nhân viên làm đường phát hiện trong lúc đào hố đặt cáp ngầm dọc đường Santa Ana Canyon. Thi thể được xác minh danh tính thông qua hồ sơ nha khoa.


                                                          Gia đình nhà Scott. Ảnh: Scott Family.

Nguyên nhân tử vong không thể được làm rõ. Bộ xương bị cháy xém một phần và được cho là đã được chôn ở đó hai năm vì khu vực ấy từng bị trận cháy rừng quét qua vào năm 1982.

Bên cạnh hố chôn thi thể người còn có chiếc đồng hồ đeo tay của nữ, chiếc nhẫn mặt đá ngọc lam, và bộ xương chó. Đồng hồ và nhẫn được xác định là đồ cá nhân của Dorothy. Đặc biệt, kim đồng hồ dừng vào thời điểm 12h ngày 29/5/1980, chỉ vài tiếng sau khi đồng nghiệp nhìn thấy xe của Dorothy rời bãi đỗ xe.

Sau khi tin tức về việc tìm thấy thi thể được truyền đi khắp thành phố, điện thoại nhà bố mẹ Dorothy tiếp tục đổ chuông. "Dorothy có nhà không?", giọng nói của gã đàn ông vang lên lần cuối.

Chưa có ai bị xác định là nghi phạm hoặc bị bắt giữ vì liên quan tới vụ án của Dorothy Scott. Chồng cũ của Scott có chứng cứ ngoại phạm vững chắc nên bị loại khỏi diện tình nghi từ sớm. Shawn, con trai đã lớn của Dorothy, đặt giả thuyết về một đồng nghiệp của mẹ tên Mike Butler, người bị đồn là không ổn định về thần kinh và đã trở nên ám ảnh với Dorothy.

Shawn cho rằng Mike có cớ lân la quanh nơi làm việc và biết rõ lịch làm của mẹ vì chị Mike làm cùng ca với Dorothy. Mike cũng từng gặp ông ngoại Shawn nên đã cúp máy khi thấy ông ngoại trả lời điện thoại vì sợ bị nhận ra giọng. Tuy nhiên, giả thuyết này không có chứng cứ củng cố.

Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày Dorothy mất tích nhưng vụ án tới nay vẫn chưa có lời giải. Bố mẹ Dorothy lần lượt qua đời vào năm 1994 và 2002, khi chưa được biết danh tính kẻ giết hại con gái.

Theo vnexpress