Chris Zou, một bà mẹ đơn thân ở Thượng Hải, đã kiện chính quyền địa phương vì không được nhận bảo hiểm thai sản và các khoản trợ cấp sau khi đẻ đứa con đầu lòng. Theo chính sách hiện tại, các quyền lợi trên chỉ thuộc về vợ chồng đã đăng ký kết hôn.

Trường hợp của cô làm nổi bật những trở ngại mà các bà mẹ đơn thân, không đăng ký kết hôn phải đối mặt.

Quyết định làm mẹ đơn thân vốn nhiều khó khăn, song luật pháp mâu thuẫn ở Trung Quốc cũng có nghĩa là phụ nữ chưa kết hôn không được hưởng các chương trình trợ cấp của chính phủ nhằm giúp các bậc phụ huynh có cuộc sống ổn định hơn.

me don than trung quoc khong co tro cap sinh de anh 1

Chris Zou (Trung Quốc) cho rằng mẹ đơn thân không

được hưởng trợ cấp khi sinh đẻ là điều vô lý. Ảnh:SCMP.


Chưa kết hôn là không trợ cấp khi sinh con

Theo quy định, các cặp vợ chồng ở đất nước tỷ dân được hưởng bảo hiểm thai sản và chương trình trợ cấp, hỗ trợ tài chính sau khi sinh con. Nhưng điều này không áp dụng với những phụ nữ có con nhưng không đăng ký kết hôn.

Năm 2016, Zou mang thai. Cô và bạn trai chia tay, còn Zou quyết định giữ lại đứa trẻ bằng mọi cách.

Năm 2017, cô đăng ký nhận bảo hiểm thai sản từ công ty nhưng không được chấp thuận.

Luật bảo hiểm xã hội quy định rằng người mẹ được hưởng bảo hiểm thai sản do người sử dụng lao động cung cấp. Nhưng các diễn giải của địa phương yêu cầu người phụ nữ được bảo hiểm phải chứng minh “tình trạng sinh con” của họ, điều cần phải có giấy chứng nhận kết hôn.

Zou cho biết các bà mẹ đơn thân mới sinh thường gặp phải vấn đề này và bỏ cuộc khi các văn phòng địa phương từ chối họ.

“Tôi cảm thấy chính sách này không hợp lý và cộng đồng những bà mẹ chưa kết hôn rất cần mọi người giúp đỡ họ", cô nói.

me don than trung quoc khong co tro cap sinh de anh 2

Những người mẹ không có đăng ký kết hôn ở Trung Quốc nhiều lần

đòi quyền lợi cho bản thân và những đứa con của họ. Ảnh:CNA.

Zou nói cô biết rất nhiều trường hợp tương tự. Nhiều phụ nữ làm việc cho các công ty không cung cấp gói bảo hiểm đàng hoàng hoặc có nguy cơ mất việc nếu nộp đơn khiếu nại.

Zou đã đến chính quyền địa phương để đòi quyền lợi. Sau khi bị bác bỏ yêu cầu với lý do không có giấy đăng ký kết hôn, cô đã kiện họ.

Quá trình đấu tranh kéo dài 3 năm, song cuối cùng tòa án phán quyết Zou thua kiện vào cuối tháng 10.

Dù không nắm trong tay chiến thắng, Zou vẫn thấy theo đuổi vụ kiện là xứng đáng vì cô tin rằng mình đã giúp phơi bày những thách thức các bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc phải đối mặt.

“Đối với các phụ nữ có hoàn cảnh giống tôi, tôi tin rằng trường hợp này sẽ hỗ trợ họ rất nhiều. Họ có thể tự nhận ra mình đang bị thua thiệt một cách bất công và tự tin khi biết có những người đứng về phía mình”, cô nói.

Dong Xiaoying, luật sư làm việc ở Quảng Châu và là người sáng lập Tổ chức vận động cho mạng lưới gia đình đa dạng, đồng ý với ý nghĩa vụ kiện mang lại.

“Trường hợp của cô ấy là một ví dụ điển hình và trở thành nguồn cảm hứng cho người khác”, Dong nói.

me don than trung quoc khong co tro cap sinh de anh 3

Dù chính phủ Trung Quốc khuyến khích sinh con, các chương trình trợ cấp sau sinh

lại bỏ qua mất nhóm phụ nữ làm mẹ đơn thân. Ảnh:Reuters.

'Sinh con khi chưa kết hôn không phải phạm pháp'

Khi Trung Quốc giảm bớt các hạn chế trong chính sách sinh sản, phụ nữ chưa lập gia đình có nhiều cơ hội mang thai, đẻ con hơn.

Trước đây, chính phủ thường phạt các bà mẹ chưa kết hôn và từ chối cho họ tiếp cận hukou - sổ đăng ký hộ khẩu cho phép các đứa trẻ có quyền tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, các bà mẹ đơn thân vẫn gặp nhiều trở ngại. Ví dụ, phụ nữ chưa kết hôn không được sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản hay dịch vụ đông lạnh trứng.

Năm 2019, những người ủng hộ mạng lưới gia đình đa dạng đã gửi đề xuất đến hàng trăm quan chức thuộc chính phủ, kêu gọi đối xử bình đẳng với các bà mẹ đơn thân.

me don than trung quoc khong co tro cap sinh de anh 4

"Tôi không muốn việc sinh con của mình bị dán nhãn 'chống lại chính sách'.

Mặc dù thua kiện, tôi không thừa nhận rằng việc có con khi chưa kết hôn là vi phạm luật pháp".

Tuần trước, những người ủng hộ của Tổ chức mạng lưới gia đình đa dạng đã phát hành nhiều tài liệu và một video nói về những thách thức mà nhóm phụ nữ này gặp phải.

Nội dung của nó đề cập đến việc các bà mẹ đơn thân phải ra nước ngoài để mua tinh trùng một cách hợp pháp. Ngoài không được tiếp cận với công nghệ hỗ trợ sinh đẻ, họ cũng thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong việc làm.

Về mặt tích cực, Dong cho biết cô đã thấy sự cải thiện trong những năm gần đây. Trước tình hình xã hội già hóa của Trung Quốc, chính sách nhân khẩu học đang được nới lỏng tại địa phương.

“Tôi từng nghe về trường hợp một người mẹ chưa lập gia đình đăng ký bảo hiểm thành công ở tỉnh Quảng Đông”, cô kể.

Trong vài năm trở lại, mạng lưới cũng đã nghe nhiều phản hồi từ các nhà lập pháp và đại diện chính quyền, nói rằng họ nhận thức và quan tâm đến vấn đề này.

“Tiếp theo, chúng tôi sẽ theo dõi chính sách pháp lý, bao gồm cả việc vận động hành lang tới các đại biểu quốc hội. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh giành quyền lợi của các bà mẹ đơn thân”, cô nói.

Đối với Zou, cuộc chiến không vì mục đích quyền lợi tài chính mà vì tính hợp pháp của đứa trẻ.

“Tôi không muốn việc sinh con của mình bị dán nhãn 'chống lại chính sách'. Mặc dù thua kiện, tôi không thừa nhận rằng việc có con khi chưa kết hôn là vi phạm luật pháp", cô nói.

Theo Zing