Eva Cai biết rằng cô muốn có một đứa con. Cô chỉ không chắc liệu mình có cần một người chồng.
Vì vậy, năm 2019, cô bắt chuyến tàu từ thành phố Quảng Châu tới Hong Kong (Trung Quốc), nơi cô làm đông lạnh trứng của mình tại một phòng khám tư nhân.
Hiện ở tuổi 31, nữ giám đốc điều hành cấp cao vẫn chưa cần đến số trứng ấy. Tuy nhiên, hành trình năm đó đã đem lại cho Cai một lựa chọn mà hầu hết phụ nữ độc thân ở Trung Quốc không có.
“Tôi tính rồi, tôi không muốn vội vã kết hôn với một người đàn ông bất kỳ”, Cai nói với CNN.
Trung Quốc muốn tăng số lượng trẻ sơ sinh. Ngày 20/8, chính phủ nước này đã chính thức ban hành chính sách cho phép phụ nữ có 3 con, dù chưa rõ khi nào có hiệu lực.
Tuy nhiên, chính sách này không cho phép các phòng khám cung cấp dịch vụ đông lạnh trứng và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho những cô gái chưa lập gia đình như Cai.
Một số phụ nữ Trung Quốc độc thân, có điều kiện chọn ra nước ngoài để đông lạnh trứng. Ảnh: Tatler.
Phụ nữ độc thân nói rằng việc chính phủ từ chối cho họ tiếp cận với dịch vụ đông lạnh trứng là phân biệt đối xử, trong khi công nghệ hỗ trợ sinh sản này cho phép họ kết hôn và đẻ con vào thời điểm họ mong muốn.
Một số người đã ra nước ngoài để thực hiện đông lạnh trứng, nhưng đây là một lựa chọn đắt đỏ chỉ dành cho những ai có điều kiện.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc để phụ nữ độc thân tiếp cận công nghệ cấp đông trứng có thể làm dịu cuộc khủng hoảng dân số đang bùng phát ở xứ tỷ dân. Thế nhưng, cho đến nay Bắc Kinh vẫn từ chối cân nhắc đề xuất này do lo ngại phụ nữ sẽ trì hoãn việc làm mẹ vô thời hạn.
Dịch vụ tốn kém, khó tiếp cận
Em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của Trung Quốc được sinh ra vào năm 1988 - thời điểm nước này vẫn thực hiện chính sách một con.
Vào đầu những năm 2000, khi công nghệ đông lạnh trứng được cải thiện, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã ban hành quy định cấm các bệnh viện và cơ quan cung cấp công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), bao gồm IVF và cấp đông trứng, cho “phụ nữ độc thân và các cặp vợ chồng không phù hợp với quy định dân số và kế hoạch hóa gia đình của quốc gia”.
NHC tuyên bố phương pháp ART chỉ nên được sử dụng để tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Trung Quốc chỉ mới nới lỏng chính sách 2 con và 3 con lần lượt vào các năm 2015 và 2021. Ảnh: Reuters.
Bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ kế hoạch hóa gia đình, việc sử dụng IVF vẫn lan rộng ở Trung Quốc. Năm 2016, hơn 906.000 chu kỳ IVF được thực hiện, theo một nghiên cứu trên toàn quốc được công bố vào tháng 2.
Cùng năm, hơn 311.000 trẻ sơ sinh thụ tinh qua IVF chào đời. Năm 2018, truyền thông Trung Quốc khoe rằng nước này có “em bé trong ống nghiệm” nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, những đứa trẻ đó chỉ được sinh ra từ cuộc hôn nhân khác giới.
Những phụ nữ chưa kết hôn muốn tiếp cận ART buộc phải ra nước ngoài, tức lựa chọn cấp đông trứng chỉ dành cho một nhóm nhỏ người giàu có.
Beckie Zhu (ngoài 30 tuổi), một nhân viên tại văn phòng chính quyền Quảng Châu, cho biết: “Nếu đủ khả năng, tôi đã cấp đông trứng từ lâu”.
Cô lo rằng mình sẽ không bao giờ kết hôn hoặc có con như mong ước của cha mẹ. Song, cô cũng không dám xin tiền họ để ra nước ngoài thực hiện làm đông trứng vì quan điểm gia đình truyền thống bảo thủ.
Winnie Choi, Phó giám đốc điều hành tại một phòng khám sinh sản tư nhân ở Hong Kong, cho biết khoảng 1/3 số khách hàng đông lạnh trứng của họ đến từ Trung Quốc đại lục.
Nhu cầu từ khách hàng Trung Quốc bắt đầu tăng vào năm 2018, khi một số người nổi tiếng Hong Kong công khai về việc cấp đông trứng của họ.
“Mặc dù luật pháp Hong Kong cấm phụ nữ chưa kết hôn sử dụng trứng của họ, công nghệ này được coi là mạng lưới an toàn để nhiều năm sau, họ có thể trở lại Hong Kong và dùng trứng khi đã kết hôn”, bà Choi nói với CNN.
Hiện tỷ lệ sinh của Trung Quốc thuộc nhóm thấp nhất thế giới, với tỷ lệ 1,3 em bé/phụ nữ vào năm 2020. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg.
Tuy nhiên, dịch vụ này rất tốn kém. Tại Hong Kong, Cai đã trả 17.000 USD, bao gồm phí lưu trữ thường niên gần 1.400 USD.
Một chuyến đi xa hơn chắc chắn tốn kém hơn. Thông qua cơ quan du lịch y tế IVF USA có trụ sở tại Thượng Hải, khách hàng Trung Quốc được kết nối với các phòng khám sinh sản ở Mỹ. Tại đây, mỗi người thường trả 40.000 USD cho dịch vụ lấy trứng và cấp đông lưu trữ, chưa bao gồm các chi phí đi lại, theo cơ sở dữ liệu từ FertilityIQ.
“Phần lớn khách hàng của chúng tôi là giám đốc điều hành công ty cấp cao hoặc con cái của những gia đình giàu có”, bác sĩ Nathan Zhang, người sáng lập cơ quan IVF USA, cho biết.
Bất bình đẳng giới
Thoạt nhìn, việc cấm phụ nữ tiếp cận ART để trở thành mẹ có vẻ trái ngược với nỗ lực thúc đẩy sinh sản của Trung Quốc.
Thế nhưng, nước này lo ngại rằng việc cho phép phụ nữ cấp đông trứng sẽ càng khiến họ trì hoãn việc sinh con.
Trong khi đó, các chuyên gia phân vân liệu nới lỏng quy định sẽ giúp ích hay cản trở thêm tỷ lệ sinh vốn thuộc hàng thấp nhất trên thế giới của Trung Quốc.
Huang Wenzheng, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên nghiên cứu nhân khẩu học tại Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và Toàn cầu hóa, đã viết trong bài báo cáo hồi tháng 3 rằng ART, bao gồm áp dụng cho phụ nữ 35 tuổi chưa lập gia đình, có thể giúp tăng dân số Trung Quốc.
“Họ có thể mất cơ hội mang thai nếu không được tiếp cận với công nghệ này”, ông viết.
Trong khi phụ nữ không thể cấp đông trứng, đàn ông độc thân Trung Quốc lại được làm đông tinh trùng. Ảnh: Gilles Sabrie/New York Times.
Những người khác như Dong Xiaoying đến từ Mạng lưới Gia đình Đa dạng thừa nhận dỡ bỏ các hạn chế có thể khuyến khích phụ nữ trì hoãn sinh nở, dẫn đến tỷ lệ sinh thấp hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, đó không phải lý do để tiếp tục duy trì hạn chế này, cô nói thêm.
Bác sĩ Zhang, đến từ IVF USA, cho biết lượng nhỏ phụ nữ có đủ tài chính và mong muốn đông lạnh trứng không có tác động đến nhân khẩu học của đất nước 1,4 tỷ dân, cho dù hạn chế được nới lỏng.
Các nhà nữ quyền cũng khẳng định rằng lệnh hạn chế này đang nêu bật tiêu chuẩn kép giữa nam và nữ giới.
Trong khi phụ nữ không được cấp đông trứng, chính phủ lại cho phép đàn ông độc thân đông lạnh tinh trùng để giúp họ có con sau này.
“Đó rõ ràng là sự phân biệt đối xử đối với quyền sinh sản của phụ nữ độc thân”, Dong cho biết.
Năm 2019, Zaozao Xu, nhà văn tự do chưa kết hôn, đã có hành động pháp lý chống lại một bệnh viện từ chối yêu cầu đông lạnh trứng của cô. Đây là vụ kiện đầu tiên liên quan đến vấn đề này ở xứ tỷ dân.
Xu cho biết một bác sĩ khuyên cô nên kết hôn và sinh con, thay vì cấp đông trứng. Vụ việc vẫn đang được tiến hành thông qua các buổi xét xử trên tòa.
“Thay vì đòi hỏi ép buộc phụ nữ sinh thêm con, các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết những vấn đề sâu sắc hơn ngăn cản chúng tôi đẻ con”, Xu nói.
Nỗi lo gặp rào cản xã hội, gia đình
Một số dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cởi mở để nới lỏng quy tắc. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, phụ nữ làm mẹ đơn thân sẽ gặp phải những rào cản văn hóa khác.
Trước năm 2016, con cái của những bà mẹ đơn thân bị từ chối đăng ký hộ khẩu, dẫn đến bị hạn chế tiếp cận giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Mẹ đơn thân Trung Quốc còn gặp nhiều rào cản từ gia đình, xã hội. Ảnh: BBC.
Ngoài ra, Zhu, nhân viên chính phủ, cho biết cha mẹ cô đã hoàn thành vai trò giới truyền thống trong nhiều thập kỷ kết hôn, và họ muốn cô cũng như vậy.
Cô không dám đưa vấn đề cấp đông trứng để trao đổi với phụ huynh, sợ rằng một cuộc tranh cãi xảy ra về cuộc đời của cô.
“Mẹ tôi dành cả đời để làm nội trợ, chưa từng có một công việc thực sự. Bởi vậy, bà luôn muốn tôi tìm ai đó để dựa dẫm. Tôi đoán rằng cha mẹ sợ không có ai sẽ chăm sóc tôi khi tôi về già”, Zhu chia sẻ.
Trong khi đó, giám đốc Cai không thể tìm được ý trung nhân phù hợp để có cơ hội lấy trứng cấp đông tại Hong Kong.
Nói với CNN, Cai cho biết nếu không tìm được bạn đời, cô có thể sẽ tự xây dựng gia đình cho riêng mình, và việc cấp đông chứng đem lại cho cô nhiều cơ hội để làm điều đó hơn.
“Tôi coi đó là một dạng bảo hiểm, tạo ra nhiều khả năng hơn trong cuộc sống. Nó khác với việc sống độc thân và không bao giờ tự có con, hoặc vội vàng kết hôn với người bất kỳ chỉ để xây dựng gia đình”, cô nói.
Theo Zing