leftcenterrightdel
 

Canada luôn nằm trong danh sách các quốc gia có chất lượng sống tốt nhất trên thế giới. Hiện nay xứ sở "lá Phong đỏ" có các chính sách và chương trình định cư đa dạng giúp cho mọi người dân có nhu cầu định cư được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Định cư Canada đang dần trở thành xu hướng

Chính phủ Canada gần đây đã công bố chính sách nhập cư trong ba năm tới của mình, trong đó sẽ tiếp nhận khoảng 485.000 người mới vào năm 2024 và 500.000 người cho mỗi năm trong hai năm 2025 và 2026.

Có thể nói, tỉ lệ sinh thấp dẫn đến tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng, chính điều này dẫn đến việc Canada cần người nhập cư để tiếp tục phát triển và tăng trưởng kinh tế. Do đó, hoạt động nhập cư là cần thiết, nhằm giúp Canada tăng dân số, đáp ứng nhu cầu bổ sung lực lượng lao động và giải quyết tình trạng già hóa dân số.

Nhằm tiếp tục thu hút lao động nhập cư, Bộ Việc làm, phát triển lực lượng lao động và hòa nhập người khuyết tật Canada đã tài trợ cho các dự án thuộc Chương trình Công nhận chứng chỉ nước ngoài. Việc cải thiện các quy trình công nhận chứng chỉ nước ngoài giúp những người mới đến có tay nghề cao đạt được kinh nghiệm làm việc tại Canada trong ngành nghề hoặc lĩnh vực nghiên cứu của họ.

Hiệp hội Dịch vụ định hướng đa ngôn ngữ cho cộng đồng nhập cư (MOSAIC) cũng nhận được tài trợ cho Dự án thí điểm thực tập trải nghiệm làm việc tại Canada. MOSAIC giúp các chuyên gia người nước ngoài đến Canada, với trình độ học vấn và kinh nghiệm quốc tế, có được kinh nghiệm làm việc cần thiết để tiếp cận các cơ hội trên thị trường lao động.

Đa phần người dân Canada khi được hỏi cho biết cảm thấy thoải mái với số lượng người nhập cư hiện tại và họ đã quen với việc sống trong các cộng đồng đa dạng và ngày càng cảm thấy thoải mái hơn với sự đa dạng văn hóa này.

Cùng trong dòng chảy ấy, những năm gần đây, định cư Canada đang dần trở thành xu hướng của nhiều gia đình Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 240.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Canada; phân bố chủ yếu tại 4 tỉnh, bang là: Quebec, Ontario, Alberta và British Columbia, cùng đóng góp vào sự phát triển của Canada, góp phần thắt chặt giao lưu giữa hai nước.

Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người nhập cư

Bắt đầu sang Canada từ năm 2006, chị Trần Thu Giang (42 tuổi), hiện đang sống tại thành phố Ottawa chia sẻ, gần 19 năm sinh sống và làm việc tại đây chị luôn cảm thấy thoải mái và thuận tiện bởi nhận được sự hỗ trợ từ phía địa phương và Chính phủ Canada. Ở Canada, chị Giang có thể đăng ký học các khóa học có sự hỗ trợ của Chính phủ, nếu ở diện thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ tiền học phí, nếu xin được gói vay hỗ trợ của Chính phủ cho quá trình học tập của mình sẽ không phải trả lãi cho đến khi tốt nghiệp và có việc làm.

Chị Giang cho biết, khi đã có thẻ thường trú nhân của Canada thì trẻ em được miễn học phí đến năm 18 tuổi. Chi phí học đại học chỉ tối đa bằng một nửa so với du học sinh. Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 6 tháng nếu đã làm việc trên 3 tháng liên tục. Phụ nữ trong thời kỳ thai sản được nghỉ tối đa đến 12 tháng và được hưởng khoảng 65% mức lương trước thai kỳ. Chế độ và các chi phí về y tế, chăm sóc sức khỏe được chính phủ tài trợ và chi trả hầu hết.

Không hề khó để tìm các cộng đồng người Việt Nam tại Canada trên các nền tảng xã hội. Từ hỏi thăm giấy tờ định cư đến trao đổi địa chỉ mua sắm các vật dụng hằng ngày, những người con xa xứ luôn có cách để kết nối và hỗ trợ nhau một cách kịp thời.

Chị Lê Thị Hoài Nam (46 tuổi), sinh sống tại Toronto cũng chia sẻ, chi phí sinh hoạt hằng tháng tại Canada có thể khác nhau phụ thuộc vào từng địa điểm và thu nhập. Trở thành thường trú nhân, bạn có đặc quyền được tiếp cận bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thông qua hệ thống bảo hiểm y tế công của Canada. Điều này cho phép bạn được chăm sóc y tế khẩn cấp và miễn phí. Ngoài giáo dục, y tế miễn phí thì Canada có nhiều chính sách cho người thất nghiệp hoặc trợ cấp chăm sóc người già và trẻ nhỏ rất tốt.

Có thể nói, mỗi tỉnh bang của Canada đều có Trung tâm hỗ trợ người nhập cư. Tại đây, họ dễ dàng tìm được các dịch vụ hỗ trợ hoặc được các nhân viên của Trung tâm hướng dẫn cách những bước đầu tiên để chuẩn bị cho cuộc sống tại Canada. Một số dịch vụ điển hình mà các trung tâm này thường cung cấp bao gồm: Lớp dạy tiếng Anh/Pháp miễn phí, hướng dẫn thuê/mua nhà, các chương trình giao lưu nhằm kết nối với cộng đồng địa phương, hỗ trợ tìm việc làm… Tại Trung tâm cũng có nhiều người Việt đang làm việc để giúp cộng đồng người Việt mới sang Canada dễ dàng tìm được hỗ trợ phù hợp.

Không dừng ở đó, con cái và cha mẹ của người nhập cư cũng được Chính phủ Canada chăm lo tận tình. Trẻ em dưới 18 tuổi đều được tham gia chương trình Canada Child Benefit (Chương trình Phúc lợi trẻ em) để nhận trợ cấp miễn thuế mỗi tháng. Số tiền trợ cấp có thể dao động từ 480 đến 570 CAD/tháng (tương đương 8 triệu-10 triệu VNĐ) tùy vào tỉnh, bang và thu nhập của hộ gia đình. Tương tự như vậy với người cao tuổi, Chính phủ Canada cũng có chương trình phúc lợi mang tên Old Age Security nhằm hỗ trợ chi phí hàng tháng cho người trên 65 tuổi. Số tiền hỗ trợ có thể lên đến 618.45 CAD/tháng (tương đương 11,3 triệu VNĐ).

Đa phần người Việt Nam sinh sống tại Canada đều có những đóng góp tích cực cho nước sở tại và tham gia và các hoạt động cộng đồng.

"Hội người Việt tại mỗi tỉnh, bang của Canada cũng thường tổ chức các giải thi đấu, như là bóng đá, cầu lông. Bạn hoàn toàn có thể đăng ký tham gia bằng cách hỏi thăm trên các hội nhóm trên mạng xã hội", chị Halle Đặng, Cố vấn chuyên môn của Hội đồng cố vấn di trú Canada cho biết.

Tuy nhiên, chị Halle Đặng cũng lưu ý: "Khi đã xác định sang Canada để định cư, lời khuyên cho bạn là nên tìm cách để hòa nhập vào các cộng đồng khác nhau tại đất nước này. Nếu cứ loay hoay trong cộng đồng người Việt sẽ dễ tạo tâm lý phụ thuộc, khiến quá trình định cư của bạn tại Canada gặp nhiều khó khăn hơn".

Canada luôn hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển

Có thể nói, trong suốt thời gian qua quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada không ngừng phát triển, đặc biệt là khi hai nước kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện (2017-2022) và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Hiện Canada là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, năm 2022, tổng kim ngạch song phương đạt trên 7 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm 2021.

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của thương mại toàn cầu, tổng trao đổi thương mại Việt Nam - Canada ước đạt 6,17 tỷ USD. Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam với 247 dự án có tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,82 tỷ USD.

Trong đó, hợp tác phát triển là điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước, các dự án ODA của Canada dành cho Việt Nam được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam (trong các năm gần đây, ODA song phương dành cho Việt Nam ở mức 10 triệu CAD).

Mới đây, tại buổi tiếp kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Ahmed Hussen, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada đã đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam cũng như vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Canada, số lượng sinh viên Việt Nam ngày càng gia tăng và Việt Nam là một trong những nước đông sinh viên nhất tại nước này; người dân hai nước cũng luôn rất gần gũi, chia sẻ. Canada mong muốn không ngừng củng cố, tăng cường lòng tin giữa hai bên, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam cả song phương và đa phương, hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, vì một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, tự cường, thịnh vượng.

Theo baochinhphu