Chỉ 3 tháng trước, Jin Jing cho rằng tương lai nghề nghiệp của cô sau khi tốt nghiệp sẽ nằm ở Hàng Châu hoặc Thượng Hải, hai thành phố lớn gần quê nhà.

Kể từ khi đăng ký theo học tại Đại học Monash ở Melbourne, Úc vào đầu năm 2020, cô đã tham gia các lớp học trực tuyến vì hạn chế đi lại phòng dịch.

Nhưng gần đây, khi các quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại với du khách, cô quyết định rời Trung Quốc đến Úc để hoàn thành chương trình học và tìm kiếm công việc ở đó.

Cô gái 21 tuổi nói: “Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ sẽ làm việc ở nước ngoài cho đến gần đây. Xem xét tình hình bây giờ, tôi thích thử vận may ở Úc hơn”.

Cô ấy đang đề cập đến các vụ phong tỏa quy mô lớn ảnh hưởng đến nhiều khu vực của Trung Quốc và thị trường việc làm, khi đất nước đối mặt với làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán vào năm 2019.

Trung Quốc đã kiểm soát phần lớn số ca nhiễm trong hai năm qua bằng chiến lược Zero Covid. Tuy nhiên, chiến lược này đã gây khó khăn cho nền kinh tế, hoạt động kinh doanh giảm sút và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Tất cả đều góp phần định hình lại tương lai trước mắt của nhiều người trẻ.

Ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học buộc phải lựa chọn chuyển ra nước ngoài hoặc bớt kỳ vọng nếu ở lại Trung Quốc, trong bối cảnh cảm giác không chắc chắn và cạnh tranh việc làm ngày càng khốc liệt.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong năm nay, 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ gia nhập thị trường việc làm tại Trung Quốc đại lục - một con số kỷ lục.

Đồng thời, hồi tháng 4 năm nay, quốc gia này báo cáo tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi là 18,2%.

Dù tốt hay xấu, đại dịch đã định hình lại tương lai trước mắt của nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock
Dù tốt hay xấu, đại dịch đã định hình lại tương lai trước mắt của nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc - Ảnh: Shutterstock

Dai đã bắt chuyến tàu từ Thượng Hải đến Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, vào tuần trước và sau khi trải qua một tuần cách ly, cô sẽ trở về quê nhà ở thành phố Tân Hương gần đó. Không giống như Jin, người xuất thân từ một gia đình khá giả, Dai Xiaoyan (19 tuổi) đến từ một gia đình nghèo ở nông thôn và cô đã thực tập ở Thượng Hải từ tháng 10/2021. Dù vậy, trong hai tháng qua, vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của thành phố, cô không thể làm việc và phải chọn một con đường khác để sống còn.

Vào tháng tới, Dai sẽ tốt nghiệp. Cô cho biết: “Tôi có thể ở nhà một thời gian và sau đó tìm việc làm ở Trịnh Châu, nhiệm vụ mà tôi tin rằng cũng sẽ không dễ dàng”. Dai nói thêm, đến nay rất ít bạn học của cô kiếm được việc làm.

Tại Thượng Hải, Dai kiếm được 7.000 nhân dân tệ (1.040 USD) một tháng khi thực tập tại một quán trà. Cô ở chung với đồng nghiệp tại một căn hộ.

Dai chia sẻ: “Tất nhiên, tôi sẽ phải chấp nhận khoản lương ít hơn ở Trịnh Châu. Một tháng lương có thể từ 5.000-6.000 nhân dân tệ (743-890 USD)”

Vảo tháng trước, một cuộc khảo sát của nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến zhaopin.com cho thấy,  lớp sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của Trung Quốc dự kiến nhận mức lương hàng tháng khoảng 6.295 nhân dân tệ (935 USD), thấp hơn 6% so với lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2021.

Mặt khác, chỉ khoảng một nửa trong số họ được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, cũng giảm 6% so với năm 2021. Ngày càng nhiều sinh viên cho biết họ sẽ thử làm việc tự do hoặc đơn giản là hoãn hoàn toàn hành trình tìm việc làm.

Triển vọng việc làm đã trở nên tồi tệ đến mức một số trường đại học Trung Quốc đã phải cầu xin các sinh viên cũ giúp các sinh viên mới tốt nghiệp tìm việc làm. (Ảnh: AFP)
Triển vọng việc làm trở nên tồi tệ đến mức một số trường đại học Trung Quốc đã phải nhờ các sinh viên cũ giúp sinh viên mới tốt nghiệp tìm việc làm - Ảnh: AFP

Các trường đại học đang phải sử dụng tất cả các kết nối có sẵn để đưa sinh viên của họ vào làm việc. Một cựu sinh viên khoa Ngoại ngữ tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Đông Trung Quốc tại Thượng Hải cho biết, gần đây anh đã nhận được tin nhắn từ trường cũ nhờ tìm kiếm việc làm cho đàn em.

Chính quyền địa phương cũng cam kết hỗ trợ những người trẻ tìm việc và đang khuyến khích tinh thần kinh doanh tại địa phương như một biện pháp đối phó.

Điển hình, chính quyền Thượng Hải đã đề nghị cắt giảm thuế và trợ cấp cho sinh viên đại học bắt đầu việc kinh doanh riêng, theo một chỉ thị được thành phố ban hành vào tuần trước.

Nhưng đối với những sinh viên như Jin và Dai, khởi nghiệp không phải là một lựa chọn khả thi.

Dai nói: “Hiện tại tôi rất bối rối và không có tiền. Khởi nghiệp nghe có vẻ không phải là một giải pháp thực tế, đặc biệt là vì không ai muốn chi tiền trong đại dịch”.

Jin thổ lộ: “Các doanh nghiệp còn đang trên đà phá sản. Làm thế nào một người như tôi, người không có tiền và kinh nghiệm, có khả năng trở thành một doanh nhân thành công?”.

Theo phunuonline.com.vn