|
|
Tỷ lệ sinh ngày càng giảm tại nông thôn không còn "bù đắp" được lượng thiếu hụt dân số ở thành thị. Ảnh: BBC. |
Anh Liang Du sinh năm 1979 tại một vùng miền núi hẻo lánh ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Anh là người con thứ bảy trong gia đình, cũng là con trai duy nhất.
Vào thời điểm đó, một gia đình nông thôn đông con như nhà anh Liang, đặc biệt nếu có nhiều con trai, càng được cho là may mắn.
Bốn thập kỷ trôi qua, giờ đây, quan điểm về việc sinh con ở Trung Quốc đã thay đổi.
Chín người cháu trưởng thành của anh Liang đều đã rời vùng quê để đến các thành phố hoặc các khu đô thị lớn hơn và họ không còn sinh đẻ nhiều như thế hệ trước. 4/9 người cháu của anh sinh hai con, trong khi những người còn lại chỉ có một.
“Ngày nay, chi phí kết hôn và sinh con cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của những người trẻ tuổi, dù ở nông thôn hay thành thị. Nếu các gia đình muốn sinh thêm con, họ phải lên thành phố để tìm việc làm và để con nhỏ ở lại quê. Nhưng hầu hết người trẻ ở nông thôn đều từng bị cha mẹ bỏ lại như vậy, họ không muốn con mình phải trải qua những điều tương tự”, anh Liang bày tỏ trên SCMP.
Không thể bù đắp
Câu chuyện như gia đình anh Liang không hề là thiểu số.
Vào tháng 6 và tháng 7, chính quyền một số tỉnh Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề hôn nhân và sinh sản của những người trẻ nông thôn từ 18 đến 35 tuổi.
Tại thành phố Thanh Đảo, các nhà chức trách thống kê khoảng 58,43% thanh niên kết hôn hoặc ly hôn ở vùng nông thôn đã có một con, 29,78% có hai con, 11,8% không có con và chỉ 1% có ba con trở lên.
Ở các vùng nông thôn ở tỉnh Ninh Ba, chỉ 0,89% thanh niên có từ ba con trở lên, trong khi 62,5% có một con.
Theo nhà nhân khẩu học Huang Wenzheng, tỷ lệ sinh của người trẻ nông thôn Trung Quốc đang giảm nhanh chóng, thậm chí còn giảm sâu hơn so với người dân thành thị.
“Trước đây, tỷ lệ sinh cao ở khu vực nông thôn được cho là có thể 'bù đắp' cho tỷ lệ sinh rất thấp ở thành phố, nhưng giờ đây điều này không còn nữa. Mức độ sẵn sàng sinh con của người dân nông thôn hiện tại còn thấp hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông nói.
Nguyên nhân
Theo ông Huang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngại sinh đẻ ở nông thôn.
Thứ nhất chính là do chi phí giáo dục đắt đỏ.
Theo đó, dân số ngày càng giảm, các trường học ở nông thôn lần lượt đóng cửa. Điều đó đã buộc các bậc cha mẹ ở nông thôn phải gửi con đi học ở thành phố, làm gia tăng nhiều chi phí.
Mandy Zhou, người điều hành trường mẫu giáo tư thục tại một huyện miền núi ở tỉnh Giang Tây cho biết: “Ở địa phương chúng tôi, các trường mẫu giáo công lập có học phí 6.000 nhân dân tệ (tương đương 939 USD) một năm, còn các trường mẫu giáo tư thục thu phí khoảng 10.000 nhân dân tệ. Giá bất bất động sản địa phương là khoảng 6.000 nhân dân tệ/mét vuông. Nhưng những người trẻ ở nông thôn thường chỉ kiếm được khoảng 2.000 hoặc 3.000 nhân dân tệ hàng tháng”.
Ngoài ra, người trẻ còn phải tính toán đến của hồi môn và việc mua nhà khi lập gia đình. Theo truyền thống địa phương, của hồi môn cho mỗi đám cưới là khoảng từ 160.000 đến 200.000 nhân dân tệ, đàn ông cũng thường phải bắt buộc mua được một căn hộ trước khi cưới.
“Do vậy, rất ít người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, sẵn sàng ở lại quê hương để lập gia đình”, bà Mandy nói.
|
|
Chi phí sinh hoạt đắt đỏ cùng thủ tục phức tạp ngăn cản người nông thôn tiếp cận dịch vụ công ở thành thị. Ảnh: DW. |
Thứ hai, theo ông Huang, sự phức tạp trong các thủ tục hộ khẩu đã ngăn cản người nông thôn tiếp cận các dịch vụ công tại thành phố. Đây chính là lý do khiến họ ngại ngần sinh đẻ.
Sổ hộ khẩu là loại giấy tờ mà tất cả công dân Trung Quốc phải có để kiểm soát việc tham gia dịch vụ công dựa trên nơi sinh. Người lao động nhập cư với hộ khẩu ở quê sẽ có rất ít quyền lợi khi sử dụng dịch vụ công tại thành phố nơi họ làm việc.
Theo số liệu chính thức, gần 64% người Trung Quốc sống ở các thị trấn và thành phố vào năm 2020, nhưng chỉ 45,4% có hộ khẩu ở thành thị. Điều đó có nghĩa là khoảng 249 triệu lao động nhập cư sống ở các thành phố không được tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ công, bao gồm nền giáo dục dành cho con cái mình.
Tan Biao, một công nhân nhập cư, đã phải để lại hai con nhỏ của mình ở quê nhà tại tỉnh Quảng Đông.
“Tôi và chồng làm việc ở thành phố Đông Quan, để lại hai con 6 và 13 tuổi ở quê sống với ông bà nội. Chúng tôi tiêu tốn khoảng 35.000 nhân dân tệ mỗi năm để nuôi dạy các con. Tôi cảm thấy rất tội lỗi khi không thể đưa các con đến sống cùng mình. Nhưng nếu vợ chồng tôi đón con đến đây, chúng tôi sẽ phải gửi chúng đến các trường tư thục học tập và thuê một căn hộ lớn hơn. Khi đó, chi phí sinh hoạt của gia đình tôi sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần”, cô chia sẻ trên SCMP.
Và thứ ba, cũng theo Huang, các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang không phù hợp so với tình hình thực tế.
“Tại nhiều địa phương, câu chuyện dân số bị xem nhẹ hơn các vấn đề khác như kiểm dịch hoặc đánh giá lượng khí thải carbon trong không khí. Tuy nhiên, trong tương lai, khi dân số nông thôn của Trung Quốc tiếp tục giảm, vấn đề già hóa dân số sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều”, ông nói.
“Hầu hết cặp vợ chồng trẻ ở độ tuổi 20 sẽ lựa chọn không sinh con nếu hộ khẩu của họ nông thôn”, ông nói thêm.
Theo zingnews