Không thể thay thế con người ở những hoạt động cao cấp

Trả lời mẫu cho bài tập được giao và tạo câu hỏi liên quan đến chủ đề đang tìm hiểu là những cách mà sinh viên (SV) Bùi Trần Minh Hiếu, ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), ứng dụng ChatGPT trong quá trình học. Ngoài ra, Hiếu cũng thường tìm đến các công cụ AI khác như Noota, Babelfish, Spellcheckplus để luyện kỹ năng giao tiếp và dịch thuật tiếng Anh. "Điều này giúp tôi tiếp thu kiến thức linh hoạt hơn", Hiếu lý giải.

ChatGPT có ảnh hưởng đến việc giảng dạy ngoại ngữ ? - Ảnh 1.

 

Sinh viên ngành ngoại ngữ thi nói thông qua việc lồng tiếng phim, một hoạt động có sự hỗ trợ từ công cụ AI

NHẬT QUANG

Theo nam sinh này, các ứng dụng AI có thể là mối đe dọa với một số ngành như biên - phiên dịch, tuy nhiên sẽ "rất khó" thay thế công việc giảng dạy của giáo viên (GV) tiếng Anh trong tương lai gần. "Các tiết học và bài giảng cần sự giao tiếp, tương tác giữa người với người để mang đến sự phấn khởi và hiệu quả trong tiếp thu kiến thức. Vì AI không có cảm xúc, chúng sẽ không thể mang lại không khí học tập tương tự", Hiếu phân tích.

Không lo lắng về sự phát triển của AI, Nguyễn Ngọc Minh Châu, SV ngành ngôn ngữ Pháp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định rằng AI tuy có thể làm tốt công việc dịch thuật với nội dung đại chúng, nhưng không thể thay thế con người ở những hoạt động cao cấp hơn, đơn cử như dịch văn học. "Vì ngoài từ vựng và ngữ pháp, dịch giả phải có kiến thức vững và sâu về văn hóa, xã hội, lịch sử, nghệ thuật... để thấu hiểu ý đồ của tác giả, từ đó mới có thể chuyển ngữ đúng thông điệp bản gốc", Châu giải thích.

Châu nói thêm: "Biên - phiên dịch không chỉ làm việc về mặt ngôn ngữ mà còn là quá trình giao tiếp liên văn hóa. Bản dịch của mỗi dịch giả khác nhau đều mang dấu ấn cá nhân và cả dấu ấn của thời đại, nền văn hóa mà dịch giả đang sinh sống. Do vậy, ChatGPT hay AI dù tiến bộ đến đâu cũng khó lòng đảm bảo được sự đa dạng và khả năng truyền tải trọn vẹn tinh thần tác phẩm như con người".

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho rằng hiện tại AI có bước phát triển lớn với sự đầu tư của các BigTech, hỗ trợ con người rất nhiều trong vấn đề ngôn ngữ; tuy nhiên vẫn chưa thay thế được con người, đặc biệt đối với những người được đào tạo ngoại ngữ lành nghề trong các trường ĐH.

ChatGPT có ảnh hưởng đến việc giảng dạy ngoại ngữ ? - Ảnh 2.

Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tập tiếng Anh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Phó hiệu trưởng này cho rằng nhanh nhất khoảng 10 năm hoặc chậm nhất khoảng 50 năm, các công cụ AI sẽ đạt đến mức độ hỗ trợ cao cho con người trong lĩnh vực ngoại ngữ.

Tiến sĩ Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Khoa học máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng nhận định: "Các mô hình AI sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, hiểu ngôn ngữ tốt hơn và do đó trở nên hữu ích hơn với con người trong nhiều tác vụ. Nhưng chúng vẫn chưa thay thế được con người trong những tác vụ cần vận dụng tư duy sáng tạo cao".

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng đối với ngành ngôn ngữ, cũng như những ngành khoa học khác vẫn giữ vai trò nền tảng tạo ra nguồn tri thức cho quá trình huấn luyện ChatGPT.

Động lực để phát triển kỹ năng cao cấp trong giảng dạy

Từ trải nghiệm thực tế, thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều My, GV luyện thi tại MIA IELTS, đánh giá ChatGPT có thể hỗ trợ học sinh (HS) cả trong việc học bình thường và luyện thi lấy chứng chỉ quốc tế vì nó có ngôn ngữ tiếng Anh "rất tự nhiên". "Tùy vào sự sáng tạo, người học có thể ứng dụng vào nhiều hoạt động khác nhau, ví dụ như ôn từ vựng về một chủ đề nhất định, luyện giao tiếp qua văn bản hay hỏi ý tưởng viết bài luận", chị My đề xuất.

Còn trong giảng dạy, thạc sĩ My nhìn nhận công cụ AI như ChatGPT không nên bị bài trừ, mà có thể tận dụng để làm thay nhiều đầu việc trong, ngoài lớp học cho GV. Tuy nhiên, kết quả nhận được chỉ là "bản nháp" nên cần dùng chuyên môn để hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, GV cũng phải hướng dẫn kỹ năng và chỉnh sửa sai sót cho HS dựa trên những tài liệu do máy thực hiện. Theo thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, đó là lý do AI không thể thay thế vai trò GV.

ChatGPT có ảnh hưởng đến việc giảng dạy ngoại ngữ ? - Ảnh 3.

AI có bước phát triển lớn, hỗ trợ con người rất nhiều trong vấn đề ngôn ngữ; tuy nhiên vẫn chưa thay thế được con người, đặc biệt đối với những người được đào tạo ngoại ngữ lành nghề trong các trường ĐH

ĐÀO NGỌC THẠCH

Sự phát triển của AI cũng là động lực cho nhân sự ngành sư phạm ngoại ngữ, vì AI không thể thay thế những kỹ năng cao cấp trong nghề. Đây chính là điều SV và cả GV cần tập trung phát triển ở thời điểm hiện tại, chẳng hạn như cá nhân hóa giáo trình, kỹ năng truyền đạt, kiến thức cao cấp về ngôn ngữ... "Chúng ta cũng nên sáng tạo hơn để tận dụng công cụ một cách tối đa cho việc giảng dạy, đồng thời sớm đón đầu công nghệ, tránh bị tụt hậu", thạc sĩ My khẳng định.

Câu trả lời từ ChatGPT vừa có tính hàn lâm văn học vừa không thiếu sự cập nhật, vận dụng nên hữu ích cho việc luyện viết tiếng Trung và bài thi HSK, theo anh Trương Quang Nhật Đăng, sáng lập tổ chức giáo dục Zhang Laoshi. "Vì đang trong quá trình học máy, ChatGPT rất cần người đặt đề bài có nền tảng kiến thức vững để cho ra đáp án mỹ mãn. Tôi đang sử dụng nó như một nguồn tham khảo bổ sung cho người học cũng như hỗ trợ sửa bài viết cho học viên nhanh, hiệu quả hơn", anh Đăng nói.

Áp dụng công cụ AI trong giảng dạy và tăng cơ hội nghề nghiệp

Dùng công cụ AI để luyện kỹ năng giao tiếp, dịch thuật cho SV là cách làm của thạc sĩ Nguyễn Nhật Quang, Trưởng khoa Ngoại ngữ - Hợp tác quốc tế, Trường CĐ Nova (TP.HCM). “Mục tiêu đào tạo là làm sao để SV có đủ kỹ năng để tiến vào thị trường lao động, do đó không thể nào cấm dùng AI khi thị trường đang xem nó là công cụ hữu ích”, ông Quang lưu ý.

Khi AI phát triển, vị trưởng khoa nhìn nhận thị trường lao động trong tương lai đối với SV ngành ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, sẽ không biến mất mà trở nên cao cấp, chuyên biệt hơn. “AI có thể tạm thay thế con người ở một số lĩnh vực, nhưng sẽ rất khó để nó thực hiện các công việc đặc thù, chẳng hạn như chuyển ngữ tác phẩm văn học, vốn cần cả tư duy tình cảm và sự thoát ý khi dịch. Ngoài ra, các bản dịch phổ thông cũng cần được người có chuyên môn cao thẩm định lại”, thạc sĩ Quang lý giải.

Để chuẩn bị cho viễn cảnh này, ông Quang khuyên SV dù chọn theo đuổi giảng dạy hay biên - phiên dịch, ngoài phải giỏi hơn thì cần thấu hiểu công nghệ thông tin, đặc biệt là AI. Vì điểm hạn chế của AI sẽ trở thành cơ hội nghề nghiệp cho những ai nhìn ra được vấn đề. “Tương lai chúng ta sẽ không còn các công việc đại trà mà tập trung vào chuyên môn hóa sâu sắc”, thạc sĩ Quang khẳng định. Ngoài ra, theo ông Quang, SV có thể học thêm ngành bổ trợ như quản trị kinh doanh, quản lý giáo dục để biến tiếng Anh thành công cụ, từ đó xoay xở được khi thị trường việc làm bị thu hẹp. 

Theo Thanh niên