"Không bị già nhanh, không phiền con” có lẽ là mong muốn của tất cả nhân loại, vì ai rồi cũng đến đoạn đáng sợ ấy sau cả đời vật lộn làm việc, nuôi con cái, ngẩng đầu lên thì đã thấy mình yếu ớt, nhiều “khuyết điểm”. Mình lại trở về làm đứa trẻ mong chờ được yêu thương chăm sóc.
Thực tế tréo ngoeĐứa con ngày xưa đái dầm ngoạc mồm khóc suốt đêm là hợp tự nhiên, nay nó trưởng thành văn minh sạch sẽ mà cha mẹ già lại... đái dầm, chướng tính thì không hợp lý.
Cuộc tranh cãi quanh hai ý kiến “văn minh hay có hiếu“ chỉ là lâu lâu bùng lên vấn đề cũ tưởng như chẳng đi đến đâu, vì “cả hai bên đều có lý”. “Khác biệt trong sinh hoạt thì nên ở riêng, không chỉ vì con cái giờ văn minh, tự do và kém chịu đựng hơn thuở cha mẹ đã chịu đựng trong gian truân để nuôi mình. Mà còn vì chính người già cũng muốn được tự do - hay chí ít là muốn những thói tật già của mình không phiền ai.
Rủi một cái là, già rồi thì không dễ tự lực mà phải có sự giúp đỡ, “ăn” tình thương để sống. Nên tình thương yêu chăm sóc của con cháu vừa là khoa học vừa là đạo lý không ai chối cãi. Cho nên, đừng đặt vấn đề “văn minh hay có hiếu“, đâu là những cái bẫy của tiến bộ - mà “có hiếu mới chính là văn minh“ và “càng văn minh càng có cách để hiếu”. Chỉ khác biệt quan điểm về đạo hiếu chứ không phải ở chung hay riêng. Có khi ở riêng thu xếp hợp lý chăm nom thương yêu lại có hiếu hơn ở chung “nuôi” mẹ mà đánh đập dã man, đổ cả phân lên đầu mẹ già.
Cha mẹ già cần gì, không phải đứa con nào cũng biết (ảnh minh họa)
Già nhanh ở tầm... quốc giaGià đi - không còn là chuyện cá nhân mà là vấn đề quốc gia. Khi người ta cứ đinh ninh Việt nam là một quốc gia của người trẻ thì bất thần nghe tin Việt Nam đứng vào nhóm có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Mà phần lớn người già Việt nam sống ở nông thôn (theo số liệu năm 2017 là 65,7%).
Nghịch lý là tuổi thọ trung bình tăng cao (73 tuổi) nhưng tuổi khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Tính đến năm 2019 thì Việt nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” được gần mười năm (bắt đầu từ năm 2011). Có hơn 10 triệu người già và dự báo đến năm 2050 số người già chiếm tới 25% dân số.
Nói đến người già, các dự báo vấn đề phát sinh phải nhìn sang Nhật Bản, nơi có nguy cơ “thiếu lao động trẻ và vỡ quỹ lương hưu”. Ước tính, năm 2040 số người già sẽ chiếm 35,3% dân số Nhật Bản.
Những câu chuyện đáng sợ được kể là nạn “Kodokushi” - sống cô độc và chết không ai biết trong căn hộ - mà kinh hoàng nhất là trường hợp nổi tiếng ở chung cư có cụ già 69 tuổi chết ba năm không ai biết. Trong xã hội văn minh, thanh toán tự động, đến ngày trong tài khoản cụ không còn đồng nào, cảnh sát đến tìm mới biết.
Tôi chợt rùng mình với lời một cụ bà dặn hàng xóm: "Sáng nào tôi cũng mở rèm cửa sổ, tối kéo lại. Khi nào không thấy rèm kéo lên tức là tôi đã chết".
Người già học... con đại bàngCó người bảo, phải suy ngẫm về đặc tính của đại bàng. Dũng mãnh, khôn ngoan, không ăn con gì chết và biết… chuẩn bị cho tuổi già.
Cả đời dũng mãnh, khi yếu đi, nó chui vào hang một mình, can đảm chịu đau đớn trút rụng hết bộ lông, chờ mọc bộ lông mới, nó mới trở về.
Ước gì được như con đại bàng, chẳng phiền ai.
Sợ phiền người khác, người già nhiều quốc gia không chịu an nhàn sau khi nghỉ hưu. Ở các nước Âu Mỹ, người lái taxi phần lớn là các bác hưu trí. Họ làm việc để không bị già nhanh, không phiền con cái, rèn lối sống văn minh không bị lạc hậu.
Lại phải kể chuyện Nhật bản, nơi rất nhiều người hưu trí vẫn đi làm. Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp thuê người đến 70 tuổi và hàng chục triệu người già có việc làm, trong đó có tới 3,5 triệu phụ nữ.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc - Việt Nam có 40% người già 70-74 tuổi vẫn đi làm kiếm sống - dù có thể chỉ phần nhiều là buôn bán vặt, làm thuê mướn.
Ở thành phố, nhiều người già trung lưu hoặc có lương hưu thường chọn sống riêng. Con cái chỉ lui tới thăm nom hoặc thuê người giúp việc. Họ tránh làm phiền con cái, rèn luyện sức khỏe, sống nhẹ nhàng tuổi già độc lập, tự do.
Tiện nghi xã hội không "quán xuyến" nổi các vấn đề của người già
Tiện nghi xã hội như muối bỏ biển
Trông cậy vào xã hội để lo cho người già là điều khó. Nhà nước đã có nhiều cố gắng. Ta vẫn nghe các hội nghị này, chính sách, phong trào kia. Các đề án thúc đẩy già hóa khỏe mạnh, quản lý bệnh mạn tính ở người cao tuổi, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chăm sóc, bảo trợ xã hội với người cao tuổi. Lồng ghép chính sách người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển lão khoa. Các dự án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Các nước tiên tiến có “tiền già”, “nhà già” (nursing home), nhưng cuối cùng, hệ thống chăm sóc sức khỏe người già toàn thế giới đều dựa vào hệ thống dịch vụ tư nhân.
Người ta đang tìm cách “bỏ qua nhà dưỡng lão”. Vì thực tế, người già khó chấp nhận việc phải rời xa nơi chốn quen thân của mình để “vào tập thể”. Họ đang muốn phát triển mô hình khác: để người già được sống yên nơi quen thuộc, sống giữa cộng đồng, nhưng có các lực lượng tổ chức xã hội tới giúp.
Không biết bao giờ mô hình ấy mới nhân rộng. Hiện nay, người già Việt Nam cô đơn vẫn ao ước có nhà dưỡng lão sống được mà vừa túi tiền. Khắp nơi vẫn giăng đầy các slogan quảng cáo “nơi chăm sóc người già”, “dịch vụ chăm sóc người già tại nhà, tại bệnh viện” - nghe tưởng dễ dàng. Nhưng nếu là người nghèo, khó mà mơ một nơi nương náu tuổi xế chiều “vừa túi tiền”.
Theo phunuonline.com.vn