Kent Frasure 42 tuổi và Rebecca 35 tuổi đến từ bang Oregon, Mỹ, lên con tàu chở 3.700 người trong chuyến du lịch Đông Nam Á. Ngày 4/2, con tàu bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản, và đến hôm nay có 136 người trên tàu bị nhiễm nCoV, tác nhân đang hoành hành ở Trung Quốc và giết chết hơn 1.000 người trong một tháng qua. 

Họ đã ở trên tàu hai tuần. Vừa điểm tâm, Kent vừa chỉ cho vợ chiếc xe cứu thương đang đến gần. "Chắc lại có thêm ai đó rồi", anh nói, vì đã hai lần nhìn thấy xe cứu thương lên tàu đưa người nhiễm bệnh đi. 

Điều họ chưa biết lúc đó, là chiếc xe sẽ chở Rebecca đi. 

Vợ chồng Kent và Rebecca Frasures. Ảnh: Kent Frasure

Vợ chồng Kent và Rebecca Frasures. Ảnh:Kent Frasure

Nhân viên y tế Nhật Bản xuất hiện trước cửa cabin rộng 45 m2 của nhà Frasure cùng nhiệt kế. Cả hai phải điền vào một bảng hỏi. Họ cho biết mình không có triệu chứng viêm phổi corona. Tuy nhiên có một điều gì đó khiến các bác sĩ trở lại vào hôm sau. Kent và Rebecca được đưa đến một phòng riêng để lấy mẫu dịch ngoáy họng.

Sáng 9/2, nhân viên y tế gõ cửa lần thứ ba. Rebecca có kết quả dương tính với corona. Kent không nhiễm. 

"Tôi choáng váng. Bạn sẽ chết lặng khi biết đó là bạn", Rebecca kể trong một cuộc phỏng vấn qua video từ giường bệnh tại Tokyo. Cô được xe cứu thương đưa từ tàu đến bệnh viện ở Tokyo để cách ly điều trị. 

Chuyến đi trên du thuyền 5 sao với khởi đầu thú vị cùng những điểm đến như Hong Kong, Việt Nam, kết thúc bằng việc vợ phải điều trị ở khu cách ly và chồng kẹt lại một mình trên tàu.

"Họ nói với tôi ‘Cô dương tính. Anh ấy phải ở lại tàu’. Tôi có một giờ để đóng gói hành lý", Rebecca kể lại. Cùng rời tàu trên xe cứu thương với cô có một nữ hành khách nữa. Cả hai đợi trong xe cứu thương khoảng 90 phút. Đèn hiệu vẫn nhấp nháy nhưng không có còi. 

Con tàu bị cách ly sau khi giới chức Nhật phát hiện các ca nhiễm, bắt nguồn từ một du khách Hong Kong. Ông này được cho là nguồn lây đầu tiên cho hơn một trăm người trên tàu. 

Xe cứu thương chở các bệnh nhân dương tínhrời khỏi tàu. Ảnh: Reuters

Xe cứu thương chở các bệnh nhân nhiễm virus corona rời khỏi tàu. Ảnh:Reuters

Tại bệnh viện, Rebecca phải đi qua một buồng áp suất âm cho người mắc bệnh truyền nhiễm để tới khu vực cách ly. Cô cũng thực hiện các xét nghiệm sâu hơn như chụp X-quang, thử máu và được bác sĩ kiểm tra tổng thể. 

Rebecca không có các dấu hiệu thường thấy như sốt hoặc ho, nhiệt độ cơ thể ổn định ở 36,6 độ C. Cô cho biết các bác sĩ không điều trị bằng biện pháp đặc hiệu nào. 

Dù mọi thứ đều ổn, người phụ nữ 35 tuổi thừa nhận "cách ly là khoảng thời gian buồn bã". Các y bác sĩ Nhật Bản hầu hết không biết tiếng Anh và phải nói chuyện với cô qua thiết bị thông dịch bỏ túi. Khẩu phần ăn cho người bệnh là cơm trắng và đậu phụ.

"Gối trông như một chiếc khăn ăn được nhồi đầy hạt xốp", cô miêu tả.  

Hành khách trên chuyến tàu Công chúa Kim cương. Ảnh: Reuters

Hành khách trên tàu 'Công chúa Kim cương' tự giải trí trong những ngày bị cách ly. Ảnh:Reuters

Theo luật dịch tễ tại Nhật Bản và Mỹ, Rebecca phải cách ly trong ít nhất 14 ngày. Cô thường xuyên lo lắng khi nào mới được xuất viện, tự hỏi liệu có ảnh hưởng tới công việc của mình hay không. 

Trong khi đó, Kent vẫn cách ly trong cabin riêng trên chuyến tàu hạng sang. Các nhân viên tiếp tục mang tới khẩu phần ăn cho hai người. 

"Tôi có nhiều thức ăn. Nhưng khi ngồi xuống và nhìn sang, cô ấy chẳng còn ở đây nữa", Kent buồn bã nói.

Theo vnexpress