Ngày 14/8, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã đề xuất đặt mua vaccine Covid-19 từ Nga, Anh và nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để mua và sản xuất vaccine, ví dụ Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin tuyên bố nước này đã phát triển loại vaccine cung cấp khả năng "miễn dịch vững vàng" chống Covid-19. Đây là vaccine đầu tiên chống Covid-19 trên thế giới được cấp phép, sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Vaccine Sputnik V được đặt tên theo vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" mà Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.

Gợi ý về các điều kiện cần thiết trước khi xúc tiến kế hoạch, Tiến sĩ Natalie Dean, Khoa Thống kê sinh học, Trường cao đẳng Y khoa, Đại học Florida, cho rằng Việt Nam nên xem xét các dữ liệu có sẵn về độ an toàn và hiệu quả của vaccine do nước bán sản xuất.

Thứ nhất, Việt Nam nên có thông tin nhà sản xuất như Nga đã tiến hành những gì trong quy trình nghiên cứu vaccine, để đảm bảo hiệu quả của sản phẩm khi "vượt quá" quỹ đạo chung. Dean cho hay quỹ đạo chung mà các nước đang phát triển vaccine chống Covid-19 là qua các giai đoạn khác nhau, một số vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn, người tham gia được chọn ngẫu nhiên. Thử nghiệm Giai đoạn ba là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định tiếp xúc với virus để theo dõi hiệu quả của vaccine, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.

Theo Dean, các thử nghiệm lâm sàng trên quy mô với hàng nghìn người tham gia sẽ giúp phát hiện các tác dụng phụ hiếm gặp. Bên cạnh đó, dữ liệu về phản ứng miễn dịch, có được từ những thử nghiệm ban đầu, không có nghĩa là sản phẩm giúp bảo vệ con người khỏi bị nhiễm bệnh.

Thứ hai, Việt Nam nên có các dữ liệu khoa học cơ bản đã được nhà sản xuất sử dụng để phê duyệt vaccine mới. Bà cho rằng bất kể chính phủ nào cũng cần phải tự tin vào độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm y tế.

"Có thể vaccine đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả, nhưng chúng ta chưa biết chắc vì thiếu thông tin", Dean nói đến vaccine của Nga.

                     Vaccine ngừa nCoV do Nga sản xuất, được công bố hôm 6/8. Ảnh: AP.

Giáo sư Danny Altmann, Khoa Miễn dịch và các bệnh viêm, Đại học Hoàng gia, Anh, cũng cho rằng Việt Nam nên có dữ liệu rõ ràng về hiệu quả của vaccine định mua. Bởi việc xác định tính lâu bền của vaccine trong bảo vệ người dân khỏi Covid-19 và giám sát nó là điều rất quan trọng. Nếu vaccine chỉ có hiệu quả trong vòng một năm hoặc ít hơn, một quốc gia sẽ cần phải tái tiêm chủng toàn dân.

Altmann cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thử nghiệm Giai đoạn ba, là bước cơ bản xác định sản phẩm được cấp phép và sản xuất. Quy trình tiến hành Giai đoạn ba có thể mất vài tháng. Ông cho hay trên toàn cầu hiện 160 loại vaccine chống Covid-19 đang được nghiên cứu, trong đó 6 vaccine đang ở Giai đoạn ba.

Giáo sư người Anh lưu ý các nước cần đưa ra quyết định chọn vaccine dựa trên các dữ liệu khoa học vững chắc, vì Covid-19 khiến con người khó có thể được tình trạng "miễn dịch tiệt trùng", ngăn được virus tấn công phổi. Tuy nhiên, những vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ nhất sẽ giúp hạn chế lây lan virus. Khi đó, các quốc gia có thể không phải đối diện với các làn sóng mới của dịch trong tương lai.

Giáo sư John Moore, chuyên về miễn dịch và vi trùng học, Trường Y khoa Weill Cornell, Mỹ, khuyến cáo Việt Nam nên chờ đến khi có dữ liệu cho thấy vaccine Covid-19 an toàn và có tác dụng.

Hiện nhiều nhà khoa học của phương Tây bày tỏ lo ngại về vaccine do Nga sản xuất, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ chính quyền. Tiến sĩ Dean đề xuất các nước nên sử dụng tiêu chuẩn chung về vaccine, trong đó có tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo tiến sĩ Dean, Việt Nam là một trong những nước cơ bản xử lý thành công Covid-19. Tại Mỹ, với diễn biến hiện nay, nước này cần có vaccine ngừa nCoV nhưng cũng chưa sử dụng, do chưa có sản phẩm đáng tin cậy.

"Tôi cho rằng Việt Nam nên dựa vào các tiêu chuẩn chung về vaccine như của Mỹ, châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới", Dean nói.

Theo vnexpress