"Ngày hội hẹn hò" được tổ chức ở huyện Bi Châu, thành phố Từ Châu ngày 5/2 tại một bãi đất trống dưới chân cầu. Khoảng 100 người đàn ông tụ tập tại đây để 5 cô gái "phỏng vấn". Theo chính quyền địa phương, buổi xem mắt này do người dân trong làng tự nguyện tổ chức và diễn ra thường niên vào mùng 5 Tết.

Cảnh tượng này gây nên nhiều tranh cãi về vấn đề chênh lệch nam nữ ngày càng sâu sắc tại đất nước tỷ dân.

Cảnh tượng xem mắt có 100 chàng trai và 5 cô gái tại huyện Bi Châu, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô. Ảnh: qq

Cảnh tượng xem mắt có 100 chàng trai và 5 cô gái tại huyện Bi Châu, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô. Ảnh: qq

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố đầu năm 2021, nam giới nước này đang nhiều hơn phụ nữ 34,9 triệu người. Họ thuộc các nhóm tuổi khác nhau, trong đó có 17,52 triệu người trong độ tuổi kết hôn từ 20-40 tuổi.

Một người đàn ông họ Quan, quê ở huyện Chá Thành, thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam đang sở hữu một trang web hẹn hò với 4.000 thành viên. Nhiều năm nay người đàn ông này chuyên mai mối, chủ yếu cho người độc thân ở những vùng nông thôn.

Ông Quan cho hay, tỷ lệ nam giới không lấy được vợ ở nông thôn Trung Quốc ngày càng nhiều, đặc biệt là những người trình độ văn hóa thấp, điều kiện kinh tế không cao. Theo thống kê, mỗi cô gái nơi ông ở có thể được mai mối tới năm người đàn ông trong một ngày, cô nhiều nhất được giới thiệu tới 20 người. Công việc của Quan là kết nối họ với nhau, đa phần là trực tuyến. Qua vòng phỏng vấn, những cô gái có thể loại dần những chàng trai không đạt yêu cầu.

"Một phụ nữ có thể được kết nối với nhiều đàn ông, có lúc họ chẳng nhớ ai với ai, chat đến hoa mắt chóng mặt", Quan chia sẻ. Theo người này, giá trị sính lễ tại các vùng nông thôn trung bình là 100.000 tệ (360.000 triệu đồng). Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ nữ độc lập về tài chính, có trình độ học vấn nên yêu cầu của họ về nửa kia không chỉ là tiền bạc. Bởi vậy 5 năm trở lại đây, tỷ lệ ế vợ của nam giới nông thôn ngày càng nhiều.

Quan cho biết, chỉ cần nghe tin con gái nhà ai đó trở về nhà, ngay lập tức người mai mối như ông sẽ xuống tận nơi liên hệ, tấp nập như trẩy hội. Sau đó cô gái sẽ được sắp xếp gặp gỡ từ vài đến vài chục thanh niên trong hoặc ngoài làng. "Hầu hết phụ nữ không muốn lấy chồng ở quê, nên tỷ lệ mai mối thành công rất thấp", người đàn ông này nói.

Đồng nghiệp của Quan là bà Trương chia sẻ ở các vùng nông thôn tỉnh An Huy, tỷ lệ nam và nữ giới trong các cuộc hẹn hò là 5:1, tức là một cô gái có đến năm chàng trai chờ "phỏng vấn".

Đặc biệt trong dịp Tết, khi nhiều cô gái trở về quê, một người có thể gặp trung bình 10 người đàn ông. Số đàn ông khác không thể chờ đợi đến lượt đã phải hạ thấp yêu cầu, chỉ cần đối tượng khỏe mạnh và tinh thần bình thường là được. Trong số này, không ít trai tân chấp nhận phụ nữ đã ly hôn và có con nhỏ.

Người phụ nữ họ Giang, làm nghề mai mối tại thị trấn Phi Châu, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô cho biết trong số nam nữ kết hôn ở vùng này, nam luôn nhiều hơn nữ. Có thời điểm trong số khách hàng đăng ký dịch vụ của bà, có tới 100 nam giới trên tổng số 20 nữ giới. "Bởi vậy tình trạng nữ chọn nam ngày càng phổ biến", bà Giang nói.

Bà mối này cho hay, Tết Nguyên đán là dịp tốt để tổ chức các buổi hẹn hò khi mọi người có nhiều thời gian rảnh rỗi. Nơi các cặp đôi có thể gặp nhau là công viên, dưới chân cầu hoặc ngay tại nhà, nếu các cô gái đồng ý đón tiếp.

Người phụ nữ này tiết lộ, yêu cầu cơ bản của các cô gái trong tỉnh Giang Tô với đối tượng là phải có nhà, có xe, công việc ổn định, sính lễ tối thiểu là 160.000 tệ (hơn 570 triệu đồng), cao hơn nữa có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi kèm theo nhẫn, vòng vàng...

"Nếu chàng trai có đông anh chị em, chắc chắn việc kiếm vợ không đơn giản. Nhưng nếu là con một, có ngoại hình ưa nhìn và kinh tế khá giả thì việc kiếm vợ dễ dàng hơn nhiều", bà Giang nói.

Những năm gần đây, việc kết hôn ở các vùng nông thôn Trung Quốc ngày càng được các gia đình thúc đẩy sớm. Có những nơi, cô gái mới chỉ tốt nghiệp cấp 3 đã được "ông tơ, bà nguyệt" gõ cửa tận nhà hỏi về tương lai muốn học lên cao hay tính chuyện lập gia đình.

Phạm Lỗ, phó giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nhận thấy rằng ở những vùng nông thôn nghèo, hiện tượng khó kết hôn của nam giới ngày càng báo động. Thứ nhất, sự mất cân bằng giới tính tồn tại trong nhiều năm; Thứ hai, sự di cư của phụ nữ trẻ từ nông thôn lên thành phố và có xu hướng tìm bạn đời ở thành phố. Thứ ba, chi phí kết hôn cao cũng là nguyên nhân cản trở nam giới nông thôn tiến tới hôn nhân. Ngược lại, do nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, việc thừa kế đất đai, nam thanh niên nông thôn ra ngoài làm việc thường chọn về quê định cư.

"Chỉ cần là phụ nữ, bất kỳ ai cũng có thể tìm được đối tượng ở quê", ông Phạm nêu hiện trạng.

Theo vnexpress