Tờ The Guardian ngày 19.5 đưa tin bằng chứng con người hôn nhau đã có từ cách đây 4.500 năm ở vùng Trung Đông ngày nay, sớm hơn 1.000 năm so với các nhận định trước đây.
Các nhà khoa học đã nhấn mạnh bằng chứng cho thấy nụ hôn được thực hành ở một số xã hội sớm nhất thuộc nền văn minh Lưỡng Hà, được ghi lại trong các văn bản cổ từ năm 2.500 trước Công nguyên mà phần lớn đã bị bỏ qua.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Science, các nhà nghiên cứu còn nêu bằng chứng cho thấy nụ hôn có thể làm lây lan các bệnh lây truyền qua đường miệng như mụn rộp.
Mặc dù nghiên cứu từng cho rằng nụ hôn thân thiện hoặc gia đình là hành vi phổ biến giữa con người, nhưng nụ hôn lãng mạn - tình dục không được cho là phổ biến về mặt văn hóa.
Tiến sĩ Troels Pank Arboll tại Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, chuyên gia về lịch sử y học của nền văn minh Lưỡng Hà, cho biết con người thời đó viết chữ trên các phiến đất sét.
Hàng ngàn bảng đất sét này đã tồn tại cho đến ngày nay, và chúng chứa đựng những ví dụ rõ ràng rằng nụ hôn được coi là một phần của sự thân mật lãng mạn vào thời cổ đại, giống như nụ hôn có thể là một phần của tình bạn và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
"Vì vậy, nụ hôn không nên được coi là một phong tục chỉ bắt nguồn từ bất kỳ khu vực riêng lẻ nào và lan rộng từ đó mà dường như đã được thực hành ở nhiều nền văn hóa cổ đại trong nhiều thiên niên kỷ", theo ông Arboll.
Những phát hiện cho thấy nụ hôn được coi là một phần bình thường của sự gần gũi lãng mạn trong thời cổ đại ở nhiều nền văn hóa và không bắt nguồn từ một khu vực cụ thể như nghiên cứu trước đó đã đề xuất.
Một giả thuyết trước đây cho rằng bằng chứng sớm nhất về nụ hôn đến từ vào năm 1.500 trước Công nguyên tại khu vực thuộc Ấn Độ ngày nay.
Các văn bản Lưỡng Hà cổ đại cho rằng nụ hôn là điều mà các cặp vợ chồng đã kết hôn làm, mặc dù nụ hôn cũng được coi là một phần ham muốn của một người chưa kết hôn khi đang yêu.
Theo Thanh niên